Chủ nhật, 24/11/2024 07:56 (GMT+7)
Thứ năm, 10/03/2022 20:00 (GMT+7)

Môi trường 24h ngày 10/3 có điểm gì đáng chú ý?

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam cần thêm nhiều chính sách bảo đảm về tài chính khí hậu; Hàng trăm cây thông hơn 20 năm tuổi bị cưa hạ trái phép ở Lâm Đồng; Hơn 75% diện tích rừng Amazon mất khả năng phục hồi... là những tin tức môi trường nổi bật trong ngày hôm nay 10/3.

Việt Nam cần thêm nhiều chính sách để bảo đảm về tài chính khí hậu

Ngày 9/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp theo thể thức Arria về chủ đề “Đóng góp tài chính khí hậu trong việc giữ vững hòa bình và an ninh”.

Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, chia sẻ quan ngại về các thách thức của biến đổi khí hậu, khiến hàng chục triệu người bị mất nhà cửa, làm trầm trọng thêm các thách thức an ninh xuyên biên giới, nhất là tại những khu vực chịu ảnh hưởng của xung đột.

Từ đó, đại diện Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm công bằng và công lý trong ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó các cam kết tài chính khí hậu phải được thực hiện đầy đủ trên cơ sở trách nhiệm chung nhưng khác biệt. Nhu cầu và ưu tiên của các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước đang bị ảnh hưởng xung đột phải được xem xét một cách đầy đủ.

Đồng thời, kêu gọi tăng cường quan hệ đối tác và phối hợp trong toàn hệ thống Liên hợp quốc để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, ủng hộ Hội đồng Bảo an tiếp tục thảo luận về an ninh khí hậu, vai trò của tài chính khí hậu trong ngăn ngừa xung đột, gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và tái thiết sau xung đột.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Việt Nam đang nỗ lực giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và bảo đảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tham gia các nỗ lực quốc tế, thúc đẩy quan hệ đối tác và tài chính khí hậu để ứng phó biến đổi khí hậu.

Lâm Đồng: Hàng trăm cây thông hơn 20 năm tuổi bị cưa hạ trái phép

Cụ thể, tại tiểu khu 263B, lâm phần thuộc Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà quản lý, địa giới hành chính thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà liên tiếp xảy ra những vụ phá rừng để lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Môi trường 24h ngày 10/3 có điểm gì đáng chú ý? - Ảnh 1
Hàng loạt cây thông bị cưa hạ trái phép, đốt cháy tại Lâm Đồng. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Liên quan đến các vụ phá rừng trên, UBND huyện Lâm Hà giao Công an huyện phối hợp các đơn vị liên quan, khẩn trương điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định.

Theo ghi nhận tại hiện trường, hàng trăm cây thông 3 lá bị các đối tượng cưa hạ trái phép nằm ngổn ngang; nhiều cây bị cắt sát gốc, đốt cháy nhằm phi tang. Tại đây, các đối tượng phá rừng còn mở con đường khá rộng trên đất lâm nghiệp, những gốc thông nằm trên con đường này đã được chôn lấp.

Được biết, vụ phá rừng tại tiểu khu 263B gần đây nhất được phát hiện đêm 26/2. Lực lượng chức năng tiến hành mật phục, vây bắt các đối tượng phá rừng, san ủi đất lâm nghiệp tại khoảnh 1. Nhưng khi tiếp cận hiện trường, các đối tượng đã trốn thoát, bỏ lại chiếc máy múc còn đang nổ máy, 41 cây thông đường kính từ 15 đến 40cm bị cưa hạ sát mặt đất. Sau khi kiểm đếm, lực lượng chức năng xác định thiệt hại hơn 10,4 m3 gỗ thông, trên diện tích hơn 1.300 m2.

Cũng tại tiểu khu 263B, 2 vụ phá rừng khác cũng được cơ quan chức năng phát hiện, với hơn 80 cây thông ba lá 20 năm tuổi bị cưa hạ, đốt gốc; thiệt hại hơn 12 m3 gỗ, trên diện tích khoảng 1.400 m2.

Xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long sẽ tập trung từ ngày 17-22/3

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn từ ngày 11-20/3 ở ĐBSCL có xu thế tăng dần đến cuối tuần. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung từ ngày 17-22/3. Độ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 3/2021, riêng một số trạm ở Bến Tre, Trà Vinh ở mức cao hơn.

Trong thời kỳ này mực nước các trạm trên dòng chính sông Mê Kông biến đổi chậm và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-1,1m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,45m; tại Châu Đốc 1,60m,ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,25-0,40m.

Theo các chuyên gia nhận định, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2021-2022 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019- 2020. Từ nay đến hết tháng 5/2022, các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung từ ngày 17-22/3; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, 4 (từ ngày 17-22/3, từ ngày 29/3-3/4 và từ ngày 15-18/4).

Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời những thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Atlas điện tử: Công cụ đắc lực phục vụ cho cải cách hành chính ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Theo đánh giá của các chuyên gia khoa học, Atlas điện tử là một công cụ đắc lực phục vụ cho cải cách hành chính thông qua các chức năng cung cấp thông tin ở bất cứ đâu và tại bất kỳ thời điểm nào về quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, số nhà, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa... Đặc biệt, sử dụng Atlas điện tử trong tra cứu đất đai sẽ hỗ trợ Sở TN&MT nâng cao chỉ số thành phần tiếp cận đất đai trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Môi trường 24h ngày 10/3 có điểm gì đáng chú ý? - Ảnh 2
Sử dụng Atlas điện tử trong tra cứu đất đai sẽ hỗ trợ Sở TN&MT nâng cao chỉ số thành phần tiếp cận đất đai trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: Báo TN&MT)

Đây còn là một trong các kênh thông tin trực quan, có thể dễ dàng truy cập mọi lúc, mọi nơi, từ đó góp phần quảng bá, giới thiệu trên tất cả các lĩnh vực để thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác, xúc tiến đầu tư, hòa nhập vào sự phát triển kinh tế chung của Việt Nam cũng như khu vực và thế giới. Nhất là về các lĩnh vực vốn thế mạnh của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đó là cảng biển - logistics, phát triển du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao...

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Atlas là phương tiện quản lý rất hiệu quả, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý Nhà nước và chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để định hướng đầu tư khai thác mọi tiềm năng có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Với lĩnh vực môi trường thì dữ liệu về nguồn thải, bãi chôn lấp chất thải được biểu thị trên bản đồ môi trường kết hợp với công cụ, thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện vận chuyển chất thải cũng được thể hiện, sẽ giúp cơ quan có thẩm quyền dễ quản lý, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức cá nhân. Bên cạnh đó, khi kết hợp mạng lưới thủy hệ với mô hình số độ cao sẽ giúp cơ quan quản lý xây dựng định hướng tuyến xả thải cho các công trình quy mô lớn như: khu - cụm công nghiệp, khu chế xuất - công nghệ cao…, cũng như giám sát việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hơn 75% diện tích rừng Amazon mất khả năng phục hồi

Nghiên cứu cho thấy, hơn 75% diện tích rừng nhiệt đới Amazon đã mất khả năng phục hồi kể từ đầu những năm 2000, do đó, rừng phải mất nhiều thời gian hơn để phục hồi sau hạn hán và cháy rừng.

Sự mất ổn định lớn nhất là ở các khu vực gần trang trại, đường sá, khu vực đô thị và các khu vực đang ngày càng khô hơn, nguyên nhân được cho là do rừng bị tàn phá và sự nóng lên toàn cầu. Các nhà khoa học kết luận rằng, những yếu tố này có thể đã đẩy Amazon gần đến “điểm tới hạn”.

Môi trường 24h ngày 10/3 có điểm gì đáng chú ý? - Ảnh 3
Hơn 75% diện tích rừng nhiệt đới Amazon đã mất khả năng phục hồi kể từ đầu những năm 2000. (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu không đưa ra dự đoán về thời điểm có thể đạt tới “điểm tới hạn”, nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo thời điểm đó xuất hiện đồng nghĩa với sẽ quá muộn để ngăn chặn. Sau khi đạt đến “điểm tới hạn”, rừng nhiệt đới sẽ biến đổi thành đồng cỏ trong vòng vài thập kỷ, giải phóng một lượng lớn carbon và làm tăng tốc độ nóng toàn cầu.

Bên cạnh đó, trong 20 năm qua, các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán hoặc cháy rừng mất nhiều thời gian hơn để phục hồi so với trước đây. Đây là dấu hiệu chính của sự bất ổn ngày càng tăng vì nó cho thấy các quá trình phục hồi đang ngày càng yếu đi.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Môi trường 24h ngày 10/3 có điểm gì đáng chú ý?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới