Chủ nhật, 24/11/2024 08:30 (GMT+7)
Thứ tư, 12/04/2023 17:10 (GMT+7)

Một số giải pháp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông ở nội thành Hà Nội

Theo dõi KTMT trên

Những năm gần đây, ùn tắc giao thông ở nội thành Hà Nội đã trở nên phổ biến. Nạn ùn tắc đã gây ra thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Thực tế đã chỉ ra rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông ở nội thành Hà Nội, trong đó có thể kể đến như ý thức tham gia giao thông của nhiều người dân chưa tốt; tổ chức giao thông chưa hợp lý ở nhiều nơi, nhiều tuyến đường; tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị của Hà Nội chưa được đảm bảo… Để hạn chế ùn tắc giao thông ở nội thành Hà Nội trong thời gian tới nên tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng, đảm bảo quy định về mật độ và hạn chế đến mức tối đa việc xây dựng thêm các tòa nhà cao tầng trong khu vực nội đô để không làm gia tăng nhanh số lượng người và phương tiện giao thông, từ đó giảm áp lực giao thông và mức độ trầm trọng của nạn ùn tắc.

Trên hầu hết các con đường, tuyến phố ở nội đô, kể cả đường cao tốc, nhất là vào giờ cao điểm người ta thường thấy những dòng người và phương tiện chen chúc nhau di chuyển. Thực tế này đã chỉ ra rằng, nhìn từ góc độ trực quan thì ùn tắc giao thông ở nội đô là do lượng người và phương tiện quá đông, vượt quá sức tải của hệ thống đường. Theo đó giải pháp để giảm nạn ùn tắc là hướng tới giảm lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông cùng với việc mở mang hệ thống đường xá. Với điều kiện của nội thành Hà Nội, việc mở mang hệ thống đường xá là giải pháp bị giới hạn, phá vỡ cảnh quan đô thị và rất tốn kém. Vấn đề này đã được chứng minh bằng những nỗ lực của thành phố trong việc cắt xén dải phân cách, mở rộng lòng đường, làm những “con đường đắt nhất hành tinh”… mà nạn ùn tắc vẫn chậm được cải thiện. Có nhiều biện pháp để giảm lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông, trong đó kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng, đảm bảo quy định về mật độ và hạn chế đến mức tối đa việc xây dựng thêm các tòa nhà cao tầng ở nội đô là một trong những vấn đề quan tâm nhất hiện nay.  

Thống kê cho thấy, số lượng các tòa nhà cao tầng của Hà Nội tăng nhanh. Hiện nay, Hà Nội có gần 1.500 tòa cao tầng, trong đó có tới hơn 400 tòa nhà cao trên 100m và hầu hết tập trung ở khu vực nội đô. Khó có thể phủ nhận những tiện ích mà các tòa nhà cao tầng mang lại nhưng điều này cũng dẫn tới lượng người và các phương tiện giao thông tăng nhanh trong khi sự phát triển của hệ thống đường sá không theo kịp nên dẫn đến nạn ùn tắc.

Không xây dựng thêm các tòa nhà cao tầng ở nội đô là vấn đề rất khó thực hiện nhưng kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng, đảm bảo quy định về mật độ xây dựng, hạn chế đến mức tối đa việc xây dựng thêm các tòa nhà cao tầng tại nội đô là khả thi. Đối với các dự án công trình xây dựng mới, cần nghiên cứu kỹ tính cấp thiết của dự án và lựa chọn chiều cao công trình ở mức độ vừa phải; các dự án “treo” có thể xem xét việc thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích khác phù hợp hơn; các dự án công trình đang xây dựng thì cần quản lý tốt để không bị “đội tầng”; các dự án đã được duyệt nhưng chưa triển khai có thể nghiên cứu chuyển đổi ra khu vực ngoại thành…

Hai là, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh việc di dời một số cơ quan bộ, ngành, trường đại học, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ra ngoại thành để từng bước cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông.

Năm 2008, Hà Nội có 6,9 triệu dân cùng với 2,2 triệu phương tiện giao thông, năm 2022, các con số tương ứng là 8,5 triệu và trên 7,7 triệu (chưa kể 1,2 triệu các phương tiện từ các tỉnh, thành khác tham gia giao thông ở Thủ đô); riêng 12 quận nội đô chỉ chiếm khoảng 11% diện tích nhưng có tới hơn 43% dân số thành phố sinh sống tại đây.

Di dời một số cơ sở sản xuất, trường đại học, bệnh viện ra các vùng lân cận đồng nghĩa với việc giảm bớt một số lượng người và phương tiện tham gia giao thông ở nội đô, từ đó giảm nạn ùn tắc. Chủ trương đúng đắn này đã được Hà Nội thực hiện từ nhiều năm qua, tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên việc di dời còn chậm, làm ảnh hưởng đáng kể đến việc giải bài toán ách tắc giao thông tại nội đô.  Để đẩy mạnh việc di dời một số cơ quan, đơn vị ra vùng ngoại thành trong thời gian tới cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở đầy đủ và đồng bộ tại các vùng lân cận nội đô để tạo sức hút cư dân; sớm hoàn thành việc xây dựng các đô thị vệ tinh (gồm Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn); đẩy nhanh tiến độ dự án đường vành đai 4, nhất là các dự án thành phần, các gói thầu thuộc khu vực Hà Nội; tập trung các nguồn lực xây dựng thêm một số cầu bắc qua sông Hồng để kéo dãn ùn tắc như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Thượng Cát, Tứ Liên,.... Bên cạnh đó, cần thực hiện các chính sách xã hội để khuyến khích công dân rời nội đô về các vùng lân cận sinh sống, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đặt trụ sở giao dịch ở ngoại thành, nhất là tổ chức, doanh nghiệp mới được thành lập...  

Ba là, Tổ chức giao thông hợp lý, phát triển giao thông công cộng phù hợp với điều kiện thực tế của nội đô.

Thực tế việc điều chỉnh giao thông tại khu vực Ngã Tư Sở, ngã tư Nguyễn Hoàng, Phạm Hùng, ngã tư Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến… đã cho thấy cơ quan chức năng hoàn toàn có khả năng nghiên cứu và đưa ra các phương án tổ chức giao thông hợp lý hơn để giảm ùn tắc cho khu vực nội đô. Theo đó, tại các điểm giao cắt, dễ xảy ra xung đột thì thực hiện phân luồng từ xa cho các phương tiện, nhất là các phương tiện rẽ, quay đầu. Một số khu vực có nhiều hướng di chuyển như ngã tư Nguyễn Khánh Toàn - đường Bưởi - Đội Cấn, Ngã tư cầu Giấy - đường Bưởi - đường Láng, khu vực giao cắt Hào Nam - Đê La Thành - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu... cần được nghiên cứu, tổ chức lại trên cơ sở xác định hướng ưu tiên, bố trí và sử dụng hợp lý các đèn tín hiệu, biển báo để tránh dồn ứ cục bộ. Trên các con đường, tuyến phố, nhất là các tuyến đường chính, thu hút nhiều người và phương tiện giao thông cần loại bỏ các nút thắt, áp dụng định lượng thời gian tín hiệu đèn ưu tiên cho hướng chính, hình thành tuyến đường một chiều… Để tổ chức giao thông hợp lý, cơ quan chức năng cần làm tốt việc khảo sát, đánh giá tổng thể tổ chức giao thông khu vực nội đô; thống kê và phân tích thực trạng các điểm ùn tắc để đưa ra các biện pháp phù hợp; nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo ùn tắc, lựa chọn đường đi, cảnh báo lái xe đảm bảo tốc độ tối thiểu…

Phát triển giao thông công cộng là cần thiết để hướng tới giảm ùn tắc giao thông. Hà Nội hiện có 148 tuyến xe bus, hơn 100 hãng taxi và 1 tuyến đường sắt trên cao phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, sự phát triển của giao thông công cộng chưa đem lại kỳ vọng như mong muốn đối với việc giảm ùn tắc ở nội đô. Nhược điểm lớn nhất của xe bus là thời gian di chuyển lâu, taxi là giá thành cao, đường sắt trên cao là các điểm đến còn rất hạn chế nên chưa thật sự thu hút được cư dân. Trong thời gian tới, Thành phố cần phát triển hệ thống xe bus theo chiều sâu, tạo sức hấp dẫn với khách hàng bằng việc nghiên cứu lộ trình hợp lý, có tính đến yếu tố đặc thù của đường sá nội đô và tâm lý người dân; tiếp tục xây dựng và nhanh chóng đưa vào sử dụng các tuyến đường sắt trên cao.

Bốn là, Tiếp tục xây dựng và đề cao văn hóa giao thông, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông tạo nền tảng vững chắc, lâu dài cho việc giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô.

Văn hóa giao thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế ùn tắc, nhất là trong điều kiện đường sá chật chội mà số lượng người và phương tiện tham gia giao thông lại đông. Khi Hà Nội chỉ có tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông so với đất xây dựng chỉ là 10% (trong khi con số tối thiểu là 23%) nhưng có tới gần 9 triệu phương tiện thì văn hóa giao thông càng trở nên quan trọng hơn. Nhiều năm qua, mặc dù các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị của Hà Nội đã cố gắng, nỗ lực tuyên truyền về văn hóa giao thông nhưng ý thức của một bộ phận không nhỏ những người tham gia giao thông vẫn chưa được tốt. Nhiều người tham gia giao thông vẫn viện dẫn các lý do để biện hộ cho hành vi điều khiển xe máy, xe đạp trên vỉa hè; đi bộ bất chấp luật lệ; điều khiển ô tô đi sai làn, lấn làn; không tuân thủ biển báo, tín hiệu đèn hoặc người điều khiển giao thông… dẫn đến xung đột, ùn tắc.

Theo đó, tiếp tục xây dựng và đề cao văn hóa giao thông là giải pháp quan trọng, tạo nền tảng vững chắc, lâu dài để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và giảm ùn tắc. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, khu dân cư, tổ dân phố cần phát huy sức mạnh tổng hợp để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông cho công dân Thủ đô, trọng tâm là lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên. Đối với các nhà trường, cơ sở đào tạo, nhất là giáo dục phổ thông, cần tổng kết, đánh giá về giáo dục nội dung an toàn giao thông trong khoảng 5 năm gần đây để đưa ra các giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục an toàn giao thông trong các nhà trường.

Đối với các cơ quan, đơn vị, các khu dân cư, tổ dân phố cần đẩy mạnh tuyên truyền về ý thức của người tham gia giao thông, xây dựng hình ảnh mẫu mực, tiêu biểu về văn hóa giao thông. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung vào các quy định, nhất là quy định mới của pháp luật về giao thông, an toàn giao thông; biểu dương những tấm gương điển hình và lên án những hành vi lệch chuẩn trong văn hóa giao thông. Trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo, các phương tiện thông tin, truyền thông, các trang mạng xã hội hay các ứng dụng được nhiều người sử dụng để tuyên truyền về văn hóa giao thông.

Vi phạm trật tự, an toàn giao thông ở nội thành Hà Nội diễn ra khá phổ biến. Kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông vừa để đảm bảo an toàn giao thông, vừa góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông. Công tác kiểm tra, xử phạt phải được thực hiện triệt để, trên tất cả các tuyến đường, mọi lúc, mọi nơi, ưu tiên phạt nguội qua hình ảnh, tập trung xử phạt đối với các với hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, điều khiển phương tiện sai làn, lấn làn, không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, dừng đỗ sai quy định,... Theo đó, Thành phố cần thành lập bộ phận chuyên trách về xử phạt an toàn giao thông qua hình ảnh, lắp đặt camera giám sát ở các vị trí thường xuyên xảy ra các lỗi vi phạm và đảm bảo cho hệ thống camera giám sát luôn hoạt động tốt.

Giảm ùn tắc giao thông tại khu vực nội thành Hà Nội là vấn đề cấp thiết, thu hút sự quan tâm chú ý của toàn xã hội. Giải bài toán về ùn tắc giao thông khu vực nội đô khá phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể, cơ quan, đơn vị. Vấn đề này chỉ có thể được thực hiện bằng nỗ lực, kiên trì của các cấp, các ngành, các tổ chức chính quyền, đoàn thể cùng với sự tích cực, tự giác hưởng ứng của mỗi người dân.

TS Phùng Văn Như

(Khoa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật Quân sự)

Bạn đang đọc bài viết Một số giải pháp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông ở nội thành Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới