Một số quy định cần lưu ý đối với xuất khẩu thủy sản sang EU
EVFTA chủ yếu bao gồm các cam kết chung hợp tác, minh bạch hóa trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật (TBT). Do đó, để có thể xuất khẩu vào EU, hàng hóa phải tuân thủ các nguyên tắc TBT trong quá trình chế biến, đóng gói sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Cam kết EVFTA về thuế quan đối với ngành thủy sản
Cụ thể, xóa bỏ ngay khoảng 50% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó phần lớn các sản phẩm thuế cao từ 6 - 22% được xóa bỏ về 0% như: hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến, tôm sú đông lạnh…
Bên cạnh đó, 50% số dòng thuế còn lại, thuế suất cơ sở từ 5,5 - 26%, sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3 - 7 năm, như sản phẩm tôm, cá tra, cá ngừ…
Riêng mặt hàng cá ngừ đóng hộp và Surimi (cá viên) áp dụng hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn/năm và 500 tấn/năm.
Đối với mặt hàng tôm, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU sẽ về 0%.
EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/ philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304) ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Đối với các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS030487, EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 3 năm, từ mức thuế cơ bản 18%. Với các sản phẩm thăn/philê cá ngừ hấp, EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 7 năm, từ mức thuế cơ bản 24%.
Riêng đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp, EU sẽ miễn thuế cho Việt Nam trong mức hạn ngạch 11.500 tấn/năm.
Để được hưởng mức thuế ưu đãi như trong Hiệp định EVFTA đã cam kết, các sản phẩm thủy sản phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Tiêu chí xuất xứ đối với thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến trong EVFTA là xuất xứ thuần túy.
Điều này có nghĩa là thuỷ sản thô, sơ chế và thuỷ sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam được coi là có xuất xứ theo Hiệp định EVFTA khi nguyên liệu thuỷ sản dùng trong quá trình sản xuất có xuất xứ thuần tuý từ Việt Nam, không được phép nhập khẩu từ nước thứ ba ngoài Hiệp định.
Ngoài ra, theo quy tắc cộng gộp, Việt Nam được phép sử dụng mực và bạch tuộc nguyên liệu từ một nước ASEAN đã ký kết Hiệp định thương mại với EU để sản xuất một số sản phẩm mực và bạch tuộc chế biến xuất khẩu sang EU nếu thỏa mãn các điều kiện theo quy định.
Các quy định phi thuế quan cần chú ý khi xuất khẩu cá tra tới EU
Để xuất khẩu cá tra sang EU, các sản phẩm cá tra phải tuân theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt của EU.
Theo đó, không cho phép xử lý cá tra với carbon dioxide cho thị trường EU và phải kiểm soát hàm lượng chlorate trong sản phẩm. Minh bạch về lượng nước thêm vào sản phẩm là một yêu cầu bắt buộc quan trọng khác khi xuất khẩu cá tra sang EU.
EU rất khắt khe về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Các sản phẩm bị phát hiện không tuân thủ sẽ bị báo cáo trong Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF).
Nếu doanh nghiệp nào nằm trong danh sách đó, các container hàng của doanh nghiệp sẽ bị kiểm tra kỹ lưỡng tại cảng nhập. Việc kiểm soát này có thể mất từ 2 đến 3 tuần sau khi đến cảng. Mọi chi phí phát sinh các nhà xuất khẩu phải trả. Ngoài ra, nên kiểm soát nhiệt độ liên tục.
Để nhập khẩu vào EU, bắt buộc phải có giấy chứng thư vệ sinh kèm theo sản phẩm. Điều này là bắt buộc đối với tất cả các sản phẩm thủy hải sản, bao gồm cả cá tra. Sức khỏe và vệ sinh là quan trọng đối với khách hàng. Không được phép có chất gây ô nhiễm trong thành phẩm.
Thủy sản dành cho thị trường EU thường được kiểm tra trước khi vận chuyển, có thể trong phòng thí nghiệm của chính người mua, hoặc trong các phòng thí nghiệm được công nhận (độc lập).
Trước đó, tháng 10/2019, một số lô hàng philê cá tra đông lạnh có thêm nước từ Việt Nam bị phát hiện có hàm lượng chlorate cao hơn và bị đưa vào cảnh báo nhanh RASFF. Hàm lượng chlorate cao có thể gây hại cho danh tiếng của sản phẩm, nhà sản xuất và người bán cá tra...
Ở EU, muốn tiếp thị sản phẩm của mình là sản phẩm hữu cơ, trước tiên sản phẩm đó phải được chứng nhận. Nuôi hữu cơ có nghĩa là tôn trọng các nguyên tắc, quy tắc và yêu cầu của nuôi hữu cơ. Chứng nhận hữu cơ vẫn được coi là một yêu cầu của thị trường ngách.
Ở một số nước châu Âu, chẳng hạn như Đức và Thụy Sĩ, các sản phẩm hữu cơ đang trở thành một thị trường ngách quan trọng. Có chứng nhận hữu cơ có thể thúc đẩy cơ hội kinh doanh ở thị trường EU và cho phép doanh nghiệp tính giá cao hơn cho cá tra của mình.
Tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản hữu cơ của EU là yêu cầu tối thiểu mà người mua đối với phân khúc hữu cơ sẽ có. Một số người mua có thể yêu cầu các chứng chỉ bổ sung như Naturland từ Đức hoặc Agricultural Biologique từ Pháp.
Nguyễn Luận