Chủ nhật, 24/11/2024 09:32 (GMT+7)
Thứ tư, 23/02/2022 16:00 (GMT+7)

Mưa rét kéo dài khiến nông dân thiệt hại nặng nề

Theo dõi KTMT trên

Những ngày qua, nhiệt độ tại các tỉnh miền Trung và Bắc liên tục giảm sâu khiến cuộc sống bà con bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, tài sản của nông dân như gia súc cũng rơi vào tình trạng mất mát vì trâu bò, lợn gà không thể chịu đựng rét đậm rét hại.

Việc thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của bà con. Nhiều trường học trên khắp cả nước đã cho học sinh nghỉ vì nhiệt độ xuống quá thấp, trời xuất hiện băng giá. Chẳng hạn, tại Lai Châu, Phòng GD&ĐT đã có công văn về việc các trường tạm thời cho học sinh nghỉ học trực tiếp từ ngày 22/2 đến hết 26/2. Sơn La cũng đã có kế hoạch tạm dừng tới trường cho 34 trường trên địa bàn huyện Mộc Châu. Hay ở Điện Biên, Sở GD&ĐT tỉnh đã quyết định 26 trường tại huyện Mường Ảng cho học sinh mầm non, học sinh phổ thông tạm dừng tới trường.

Theo thống kê tính tới 17h ngày 22/2 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, tại các tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ và Nghệ An đã ghi nhận gần 2.000 con gia súc bị chết. 

Mưa rét kéo dài khiến nông dân thiệt hại nặng nề - Ảnh 1
Ở khu vực miền núi phía Bắc nhiều gia súc bị chết. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, rét đã làm 1.862 con gia súc bị chết (1117 con trâu, 540 con bò; 205 gia súc khác), trong đó: Hà Giang: 16; Lào Cai: 139; Lai Châu: 13; Điện Biên: 163; Lạng Sơn: 166; Cao Bằng: 97; Sơn La: 393; Yên Bái: 38; Bắc Kạn: 127; Tuyên Quang: 8; Hòa Bình: 264; Bắc Giang: 58; Quảng Ninh: 35; Nghệ An: 345.

Nhiệt độ tại các tỉnh miền núi Nghệ An xuống thấp kỉ lục cũng khiến trâu bò bị thiệt hại nặng nề. Nhiều hộ dân phải sử dụng phương án tạm thời để sưởi ấm cho trâu bò như may áo ấm, đốt củi… Tình trạng này đã xảy ra trên địa bàn các tỉnh miền núi như Trương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Con Cuông… Chủ tịch UBND xã Tri Lễ (Quế Phong) - ông Vi Văn Cường cho biết, trên địa bàn liên tục xuất hiện sương mù dày đặc, nhiệt độ xuống cực thấp, giá buốt khiến đàn gia súc, gia cầm không thể chống chọi.

Còn trên địa bàn huyện Quế Phong, lượng trâu bò thiệt hại đã lên tới hơn 170 con chỉ tính trong mấy ngày rét vừa qua. Anh C. (35 tuổi, sống tại xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu) chia sẻ với Tri Thức Trẻ: “Mấy ngày nay lạnh lắm, nhiệt độ thấp kỷ lục, đặc biệt là về đêm. Người dân phải liên tục đốt củi vừa sưởi ấm cho người vừa sưởi ấm cho trâu bò. Cả gia tài được mấy con trâu, bò. Nó mà đi nữa thì mất hết.” 

Còn tại huyện Kỳ Sơn, Phó Chủ tịch UBND - Ông Thò Bá Rê tiết lộ, hiện nay trên địa bàn có khoảng 160 nghìn gia cầm, 8 nghìn con dê, 25 nghìn con lợn, 40 nghìn con bò, 10.400 con trâu. Để tránh tình trạng thiệt hại về của cải, huyện Kỳ Sơn đã có nhiều phương án phòng trừ, ông Bá Rê nhận định: "Chúng tôi cũng chú ý đến các hộ gia đình đang bị F0, F1 (đang bị cách ly) không thể chăm sóc đàn gia súc, gia cầm được. Huyện chỉ đạo cho xã cử người thân, người nhà hoặc không có người thân thì phải cử lực lượng của xã làm nhà che chắn, tìm thức ăn để nuôi đàn gia súc, gia cầm của người đang bị cách ly được đảm bảo an toàn, tránh bị chết do rét.”

Mưa rét kéo dài khiến nông dân thiệt hại nặng nề - Ảnh 2
Nhiều nguy cơ rau ở Nghệ An sẽ bị mất trắng. (Ảnh minh họa)

Cây trồng ở Nghệ An cũng rơi vào tình trạng có nguy cơ bị mất trắng. Dù nhiệt độ liên tục xuống thấp và rét buốt nhưng bà con vẫn tích cực bám đồng để chăm sóc cây trồng, đồng thời có biện pháp phù hợp, xử lí khắc phục. Chia sẻ với báo Nghệ An, bà H. là nông dân cho biết: “Chưa năm nào ra Tết lại có đợt rét đậm, rét hại như hiện giờ. Cây lúa đang trong quá trình phát triển nếu không chăm bón cẩn thận sẽ còi cọc, giảm năng suất. Theo kinh nghiệm lâu nay là dẫn nước vào ruộng để làm ấm cho cây lúa; đồng thời kiểm tra xem vùng nào bị thưa lúa thì dặm lại; tập trung diệt chuột và ốc bươu vàng cắn phá.”

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, để chủ động hơn nữa trong phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, tỉnh Yên Bái yêu cầu các địa phương và người dân trong tỉnh cần tiếp tục chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

Ngành nông nghiệp Yên Bái đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo tới các xã, thị trấn trên địa bàn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân gia cố, che chắn chuồng trại và chăm sóc, nuôi nhốt đàn gia súc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt; dự trữ đủ lượng thức ăn thô xanh, tinh bột, muối khoáng cho đàn gia súc; phân công cán bộ thường xuyên bám địa bàn các xã, thôn để trực tiếp hướng dẫn người dân che chắn, sửa chữa chuồng trại; thực hiện nuôi nhốt trâu, bò tại chuồng khi nhiệt độ xuống quá thấp, cần bổ sung thêm thức ăn tinh và nước muối pha loãng để bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, đảm bảo cho đàn gia súc phát triển khỏe mạnh.

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, hiện, tổng đàn gia súc chính trên toàn tỉnh có khoảng trên 755.000 con; trong đó, đàn trâu đạt gần 100.000 con, đàn bò đạt trên 35.000 con, đàn lợn đạt trên 620.000 con, cơ cấu ngành chăn nuôi chiếm gần 25% của cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp của tỉnh. Do vậy, việc phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc là nhiệm vụ rất quan trọng, không chỉ tác động đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp mà trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình của phần lớn nông dân Yên Bái.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Mưa rét kéo dài khiến nông dân thiệt hại nặng nề. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới