Năm 2022: Tiếp cận lạc quan
Nhìn lại, nền kinh tế Việt Năm 2021 đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Lần đầu tiên trong lịch sử từ giai đoạn đổi mới, TPHCM tăng trưởng âm 6,78%, trong khi kế hoạch năm đề ra là tăng trưởng dương 6%.
Bất ngờ 2021 và những tín hiệu vui cuối năm
"Việt Nam luôn gây bất ngờ". Đó là nhận định tổng quát không có gì bất ngờ. Suốt năm 2020, dư luận thế giới đã nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam, chủ yếu dựa trên tình hình kiểm soát tốt dịch COVID-19 năm 2020.
Năm 2021, nhiều báo chí trong khu vực như Straits Times, Asia Times hay Nikkei Asia đều nhận định Việt Nam sẽ tạo ra những bước đột phá trong bối cảnh các cơ sở công nghiệp khu vực vẫn đóng cửa và nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ và y tế tăng lên, rằng Việt Nam sẽ dẫn đầu tăng trưởng kinh tế khu vực.
Nhưng một bất ngờ ngược lại: Hàng trăm nghìn người bị COVID-19 và con số tử vong đã vượt mức 25.000 người. Lễ cầu siêu quốc gia cho tất cả những người đã mất đêm 19/11/2021 không chỉ dành cho người mất, mà còn cho người sống - những "chủ thể chính" quyết định nền kinh tế phục hồi như thế nào trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn rất khó đoán!
Điều quan trọng nhất hiện nay không phải là hồi tưởng, mà là nhìn phía trước mà đi. Chúng ta chiến đấu cho phục hồi kinh tế không phải vì đã hội đủ các điều kiện thuận lợi kiểu "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" trước đây, mà vì chính những khó khăn và thách thức do đại dịch COVID-19 đã gây ra.
Ngay khi khu công nghệ cao ở TPHCM có các nhà máy tỷ đô do Samsung Electronics và Intel điều hành khởi động lại, điều mà các nhà điều hành nghĩ tới trước tiên là phòng bệnh và chữa bệnh cho người lao động. Chính quyền cũng cam kết "hỗ trợ để các cơ sở của cả hai công ty hoạt động trở lại".
Một bệnh viện dã chiến mini tại chỗ được thành lập để điều trị sớm cho những công nhân bị nhiễm. Nỗi lo thiếu hụt lao động không còn nữa khi hàng nghìn lao động về quê tránh dịch đã quay lại các trung tâm công nghiệp lớn.
Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch tập đoàn Tôn Đông Á, có nhà máy sản xuất tại Bình Dương, nói với chúng tôi qua điện thoại rằng, những ngày cận kề Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các nhân viên của ông vẫn bận rộn ngày đêm để lo các lô hàng xuất khẩu. Nhà máy cũng có F0, nhưng đều điều trị tại chỗ và tình hình sản xuất, có chậm theo thời điểm, nhưng vẫn bảo đảm tiến độ.
Giám đốc cơ sở sản xuất khuôn mẫu Đức Hạnh có khoảng 100 công nhân tại Quận 12 (TPHCM) cho biết, nhà máy của ông không bị đứt gãy suốt năm 2021 đầy khó khăn, nhờ ông đã tổ chức phòng và điều trị tại chỗ thành công cho 18 ca F0. Ông cho rằng, sự bình tĩnh của nhà quản lý (dù là công ty lớn hay nhỏ) là yếu tố chính khi có sự biến như dịch bệnh, hay giãn cách xã hội.
Trong khi đó, với nguồn nhân lực 8.000 người, Công ty Furukawa Electric của Nhật Bản đã hoạt động trở lại. Báo Nikkei Asia Nhật Bản nhận định rằng, các công ty sản xuất linh kiện điện và điện tử thiết yếu cho ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam cũng đang trở lại mạnh mẽ, góp phần phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu.
An sinh và an dân
Thật ra các doanh nghiệp không ngại các biện pháp nghiêm ngặt, mà điều họ sợ nhất là các biện pháp nửa vời, nay cho mở mai lại đóng, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ tốn công của chuẩn bị, rồi lại rơi vào "tiến thoái lưỡng nan".
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc nhở tính kỷ cương trong điều hành chống dịch, vì nhiều địa phương vẫn cứng nhắc khi Chính phủ có chủ trương "thích ứng" an toàn với dịch bệnh. Tất nhiên các biện pháp chỉ là ngắn hạn và đều nhằm mục tiêu bảo vệ con người. Nhưng khi dịch bệnh có thể kiểm soát thì phải linh hoạt thích ứng để phục hồi kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho hàng triệu người lao động đang thấp thỏm lo âu "kép": Lo dịch và lo đói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tại diễn đàn Quốc hội rằng, muốn phục hồi kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, chính quyền các cấp từ Trung ương đến phường, xã, thôn ấp phải chăm lo đến an sinh xã hội, miếng cơm manh áo của tất cả mọi người. Theo ông, các nhà đầu tư nước ngoài chịu bỏ vốn vào Việt Nam chủ yếu dựa trên hai yếu tố: Ổn định chính trị và con người lao động Việt Nam. Những khoảng trống do COVID-19 tạo ra trong hai năm qua, nếu không có con người lao động Việt Nam vốn cần cù, chịu thương chịu khó, thông minh và sáng tạo thì lấy ai để lấp đầy, lấy ai để chữa lành những vết thương kinh tế và xã hội?
Hiện nay, Chính phủ đang tiếp tục các gói an sinh xã hội cho người lao động để các dây chuyền chạy lại, kết nối chuỗi cung ứng nội địa và toàn cầu. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong tổng số người dân di chuyển từ TPHCM và các tỉnh phía nam về quê, 30% có nhu cầu quay trở lại TPHCM và các tỉnh phía nam, 30% muốn chuyển đổi việc làm, còn lại "phần đông" muốn ở lại và có công ăn việc làm tại quê. Nếu tỷ lệ "phần đông" này được các địa phương tạo điều kiện việc làm, thì đây cũng là cơ hội cho các chính sách giãn dân, giảm tốc độ đô thị hóa của TPHCM và các đô thị quá tải hiện nay.
Vấn đề đặt ra là cần có kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động quay trở lại quê, như Thanh Hóa giới thiệu lao động làm việc ở Bắc Ninh, Bắc Giang; tạo việc làm tại chỗ; khuyến khích lao động quay trở lại. Gắn với đó là triển khai chính sách giảm nghèo, cho vay, hỗ trợ người lao động tạo công việc mới ở địa phương.
Tin vui đầu năm là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam lên hơn 32 tỷ USD. Ai cũng biết, để phục hồi kinh tế, giữ tăng trường, vốn chính là máu cho cơ thể mạnh lại sau cơn bạo bệnh. Nếu vậy, các nhà điều hành kinh tế ở các cấp không thể chậm trễ với dòng vốn đầu tư công, để không còn tình trạng như Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phàn nàn tại phiên họp Quốc hội cuối năm ngoái: Vốn công giải ngân chậm là do thực hiện, chứ chính sách, luật lệ thông thoáng đủ rồi!
Người lao động đang khát việc làm chắc không muốn nghe tiếp những phàn nàn như vậy!
Lạc quan để có thêm sức mạnh
Ngay tháng đầu năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội triệu tập phiên họp bất thường để quyết sách về các nguồn lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch đủ. Kết quả, Quốc hội đã thông qua gói tài chính tiền tệ 340.000 tỷ đồng, xem như "chưa từng có trong lịch sử".
Có 2 vấn đề về thực hiện gói vốn lớn này.
Thứ nhất, nếu bơm vào không đúng cách thì "lợi bất cập hại". Cái hại phải quan tâm chính là hệ lụy tiêu cực tham nhũng từ bộ máy. Gói kích thích dù lớn đến đâu cũng có đáy, nhưng lòng tham thì không đáy. Những vụ tiêu cực gần đây, ngay trong đại dịch, cho thấy không thể lơ là, buông lỏng cơ chế giám sát việc sử dụng tài chính. Việc này Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở thường xuyên trong các buổi làm việc và trong các kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Hơn nữa, trong khi chúng ta chưa có đủ dữ liệu lớn để quản trị gói tiền lớn như vậy một cách hiệu quả nhất có thể, thì kẻ cơ hội sẽ có nhiều lổ hổng để phạm tội, như vụ Việt Á và CDC Hà Nội trước đây.
Thủ tướng cũng yêu cầu chính sách phân bổ ngân sách phải được cân nhắc sao cho công bằng. "Tránh tình trạng quan hệ tốt thì được nhiều, quan hệ không tốt thì được ít. Từ đó sinh ra chuyện chạy vạy, bất bình đẳng".
Thứ hai là lạm phát. Khi có số vốn lớn như vậy chính là lúc phải thắt lưng buộc bụng. Nhân dân, với tư cách người tiêu dùng, khi được các khoản hỗ trợ gần đây đã rất tính toán trong chi tiêu. Các cơ quan Nhà nước cũng cần "quán triệt" tinh thần này hơn thế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói trong cuộc họp với Bộ Tài chính ngày 6/1/2022: "Đây là lúc phải thắt lưng buộc bụng hết sức chặt chẽ". Tất nhiên khi bơm một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế, rất khó kềm chế, nhưng có thể "kiểm soát" bằng nhiều chính sách "thắt lưng buộc bụng" linh hoạt.
Bất luận thế nào, năm 2022 vẫn lung linh ánh sáng: 80% dân số Việt Nam trên 18 tuổi đã tiêm 2 mũi vaccine, trong khi một điều tra xã hội học được công bố ngày 25/12/2021 của Viện IPSOS rằng, 80% dân số thế giới sẽ được tiêm ít nhất 1 mũi trong năm 2022. Đồng thời biến thể Omicron lan nhanh nhưng không giết người như Delta cũng mang lại ánh sáng hy vọng cho năm mới, khi người đứng đầu WHO tuyên bố: Năm 2022 sẽ hết dịch.
Theo Báo Chính phủ