Chủ nhật, 24/11/2024 07:41 (GMT+7)
Thứ ba, 15/09/2020 10:40 (GMT+7)

Nắm bắt cơ hội dịch chuyển đầu tư

Theo dõi KTMT trên

Sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của Covid-19.

Nắm bắt cơ hội dịch chuyển đầu tư - Ảnh 1
Toàn cảnh Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam – TTXVN)

Chia sẻ quan điểm về việc Việt Nam phải tận dụng cơ hội ra sao khi các nước phát triển có sự dịch chuyển đầu tư phù hợp với tình hình dịch Covid-19, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, PGS.TS - Trưởng Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh cho rằng, cũng giống như người bán hàng, chúng ta phải tìm hiểu thị hiếu của khách hàng, thiết kế sản phẩm là dịch vụ công sao cho vừa đảm bảo lợi ích nền kinh tế vừa dung hòa được với lợi ích cộng đồng, thỏa mãn được nhà đầu tư, tạo được lợi thế của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực thì mới làm được việc là “lót ổ đón đại bàng”. Việc “lót ổ” phải thể hiện bằng hành động với các chính sách cụ thể.

Linh hoạt chính sách

Theo ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, đại dịch Covid-19 lần này như bài kiểm tra cho nền kinh tế các nước; trong đó có Việt Nam. Nhìn nhận lại, khi thực hiện cách ly xã hội, thì nền kinh tế thế giới phơi bày các điểm yếu ra. Điểm yếu Việt Nam là quá lệ thuộc vào một số quốc gia có quan hệ mậu dịch với mình, đặc biệt là Trung Quốc. Do có giai đoạn nền kinh tế Trung Quốc bị tê liệt do dịch cũng khiến Việt Nam và nhiều nước bị gián đoạn về thị trường đầu vào và đầu ra.

“Covid-19 là cú sốc tiêu cực nhưng như nhiều quan điểm nêu ra thì bao giờ cũng có tính 2 mặt và nó đã làm thay đổi trật tự về chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Trước khi dịch bùng nổ, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang và những chính sách của Mỹ khiến các công ty đa quốc gia di chuyển ra khỏi Trung Quốc và dịch Covid-19 khiến cho sự chuyển dịch càng mạnh hơn”, ông Bảo phân tích.

Theo ông Bảo, Chính phủ cũng rất quan tâm tới các giải pháp để thu hút nguồn vốn FDI này. Điều quan trọng nhất là thuyết phục được các nhà đầu tư này đến với Việt Nam. Đối với những dự án lớn Việt Nam cần có tính chủ động trong đàm phán, tìm đến nhà đầu tư, tìm hiểu nhu cầu của họ và thiết kế các chính sách theo đúng nhu cầu của họ.

Nắm bắt cơ hội dịch chuyển đầu tư - Ảnh 2
Sự mở cửa đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng trong thành tựu kinh tế Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Ông Bảo cũng đánh giá cao sự linh hoạt và uyển chuyển của Chính phủ. Ngay từ đầu Chính phủ đã ưu tiên cho sức khỏe toàn dân, song song với đó có chính sách để đảm bảo nền kinh tế không bị gãy đổ. Các bộ phận sản xuất, thành phần kinh tế không bị tê liệt. Đây là quyết sách đúng.

“Yếu tố then chốt mà các nhà hoạch định kinh tế cần phải quyết liệt trong thời gian tới đó là tính tự chủ, đa dạng hóa cả thị trường đầu ra với đầu vào cho nền kinh tế. Đó là nền tảng để chúng ta giữ ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Bảo nhấn mạnh.

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, thời điểm này cần linh hoạt chính sách, tận dụng tốt thời cơ để thu hút đầu tư. Các nước như Trung Quốc đang có nhu cầu lương thực lớn thì cần hợp tác, đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng phù hợp với nhu cầu của họ. Với những thương lái quốc tế từ Hà Lan, Pháp, Anh… cũng tạo điều kiện để họ sang ký kết với các doanh nghiệp trong nước để sản xuất theo yêu cầu của họ, từ đó phân phối hàng đi Trung Đông, châu Âu, châu Phi…

“Mỗi năm Thái Lan bán gạo cho Mỹ từ 500.000 - 600.000 tấn, nhưng chủ yếu cho các siêu thị phục vụ người châu Á bên đó. Mình cũng cần có sách lược để chiếm lĩnh vào những siêu thị châu Á để đưa gạo mình qua, chứ dân Mỹ đâu có ăn gạo. Cái này nếu được thì rất tốt. Bây giờ mình có gạo ngon rồi, thế giới vinh danh rồi, phải tận dụng cái đó để xâm nhập vào thị trường thế giới”, ông Xuân nói.

Ông Xuân ví dụ, Peru ở xa châu Âu như vậy mà hàng năm vẫn đi qua Geneve (Thụy Sỹ) triển lãm trái cây để dân châu Âu biết, trong khi Việt Nam trái cây ngon hơn mà lại không được biết tới nhiều.

“Mấy người bạn bên châu Phi của tôi nói, Việt Nam phải được giải thưởng vì chống dịch tốt nhất, là nước cung cấp nhiều lương thực thực phẩm, trái cây cho thế giới nhưng bộ máy nhà nước mình cần biết khai thác điều này chứ không chỉ ngồi một chỗ trông chờ họ qua. Nhiều cuộc đi xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường không đạt hiệu quả”, ông Xuân trăn trở.

Duy trì động lực để phục hồi kinh tế

Mới đây, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong bối cảnh, trên thế giới, nhiều quốc gia tiếp tục tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp; đồng thời sẽ rơi vào suy thoái trầm trọng nếu không sớm đẩy lùi dịch Covid-19, thì nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng dương trong khu vực và toàn cầu.

Sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của Covid-19. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), dựa trên năng suất của 97 nền kinh tế kể từ năm 2000, Việt Nam thuộc nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất, bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan… Theo nhận định của một số định chế tài chính lớn, nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng từ 2-3% trong năm 2020.

Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho biết, bản thân ông không bất ngờ trước việc Việt Nam được đánh giá lọt Top cao về xu hướng hội nhập, kinh tế thị trường mới nổi trong thời gian vừa qua vì dựa trên những thành quả ấn tượng về kinh tế mà Việt Nam đạt được trong 20 năm qua.

Nắm bắt cơ hội dịch chuyển đầu tư - Ảnh 3
Standard Chartered đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2020. (Ảnh minh họa: TTXVN)

“Chúng ta cảm nhận được sự thay da đổi thịt của nền kinh tế, từ một nước cái gì cũng phải nhập khẩu trở thành một quốc gia có độ mở kinh tế cao, xuất khẩu được nhiều mặt hàng, thành công trong thu hút FDI. Nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam để khai thác lợi thế. Mà lợi thế của Việt Nam là đầu tư ổn định, nguồn nhân lực tại chỗ…”, ông Bảo nói.

Ông Bảo cho rằng, bảng xếp hạng có nhiều tiêu chí, trên các tiêu chí này sẽ dựa vào đánh giá cho điểm. Điểm tổng hợp cuối cùng sẽ được dùng để xếp hạng.

“Kết quả cuối cùng là Việt Nam có kết quả tốt trên các tiêu chí thì chúng ta mới vào Top như vậy. Thành quả đó nếu không đến từ tiêu chí này thì sẽ đến từ tiêu chí khác. Điều đó phản ánh sức mạnh từ nền kinh tế Việt Nam”, ông Bảo phân tích.

Ông Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ nhấn mạnh, hiện nay Việt Nam chống dịch Covid-19 tốt, đại bộ phận người dân có ý thức chống dịch, cần tiếp tục phải làm vậy để không để đại dịch lây lan.

“Xác định sống chung với dịch thì cần phát huy thế mạnh mình có về cây ăn trái, cá, tôm, lúa. Hàng hóa chúng ta vẫn luân chuyển được nên phải đẩy mạnh lên để thúc đẩy kinh tế. Làm tốt thì người ta sẽ mua, đồng thời cũng sẽ tạo được thêm công ăn việc làm cho người dân, doanh nghiệp cũng như công nghiệp dịch vụ của mình phát triển”, ông Xuân nói.

Theo ông Võ Tòng Xuân, các đại sứ quán, tham tán thương mại tại nước ngoài cũng như các cơ quan chức năng trong nước cần cung cấp thông tin thị trường tốt hơn nữa để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, từ đó mới mở rộng và phát triển mới thị trường được.

“Biết được thông tin thì doanh nghiệp sẽ tìm hiểu tỉnh nào, địa phương nào có thế mạnh gì để hợp tác, đồng thời liên kết khoa học, nông dân, doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm tốt và hiệu quả”, ông Xuân nhấn mạnh.

Hoàng Tùng - Thu Hằng

Bạn đang đọc bài viết Nắm bắt cơ hội dịch chuyển đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới