Nâng cao chất lượng vốn FDI vào Việt Nam
Trong bối cảnh dòng chảy vốn ngoại đang có nhiều thay đổi trước biến động lớn của kinh tế, chính trị thế giới, vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam từ đầu năm đến nay cũng trồi sụt thất thường. Nhưng xu hướng chung vẫn là tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước, được ghi nhận đã có sự thay đổi cả về lượng và chất.
Công nhân Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) lắp ráp linh kiện xe máy. Ảnh: HÀ CẦU |
Giảm quy mô, tăng vốn thực hiện
Diễn biến đáng chú ý nhất được giới quan sát ghi nhận là quy mô trung bình của các dự án ĐTNN đang giảm khá mạnh. Tính chung 10 tháng năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN vào Việt Nam đạt hơn 29,11 tỉ USD, nhưng chỉ có một dự án có quy mô tỉ USD. Đó là thương vụ góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Công, Trung Quốc) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị vốn góp 3,85 tỉ USD, thuộc ngành sản xuất bia. Hai dự án lớn tiếp theo đều dưới 500 triệu USD, gồm: dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (Hàn Quốc), tổng vốn đăng ký 420 triệu USD và dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 410 triệu USD.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) cho biết, vốn trung bình của một dự án ĐTNN đăng ký mới năm 2017 đạt 13,8 triệu USD, năm 2018 giảm xuống còn 5,87 triệu USD, từ đầu năm 2019 đến nay tiếp tục giảm xuống còn khoảng 4 triệu USD. Tương tự, vốn đăng ký tăng thêm của một dự án cũng giảm từ 6,4 triệu USD năm 2018 xuống còn 4,22 triệu USD. Do quy mô dự án nhỏ cho nên liên tục năm tháng đầu năm 2019, ĐTNN vào Việt Nam mặc dù vẫn tăng mạnh về số lượng dự án nhưng vốn đăng ký chỉ bằng 90,8% so cùng kỳ năm trước. Từ tháng 6 đến tháng 8, dòng vốn này quay đầu giảm và bắt đầu từ tháng 9 mới tăng trưởng trở lại.
Đáng lưu ý, hỗ trợ cho đà tăng trưởng của dòng vốn ngoại vào Việt Nam là ở hoạt động góp vốn, mua cổ phần (M&A) của các nhà ĐTNN vào doanh nghiệp (DN) trong nước. Xu hướng này tăng rất mạnh từ năm 2017. Cụ thể, năm 2017, đầu tư theo hình thức này chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký; đến năm 2018 tăng lên 27,78% và 10 tháng năm nay tiếp tục tăng lên 37,1%. Nhìn vào diễn biến này, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN đánh giá, hoạt động M&A đã bước vào giai đoạn nở rộ với nhiều cơ hội mới, và là một trong những tiến bộ đáng kể nhất trong 30 năm Việt Nam thu hút ĐTNN. Giai đoạn 2014 - 2017, quy mô thị trường M&A Việt Nam vào khoảng 5 tỉ USD, giai đoạn 2017 - 2019 đã tăng lên khoảng 7 tỉ USD. Việc cổ phần hóa từ DN tư nhân và DN nhà nước đã tạo ra cầu M&A rất lớn, thu hút lượng vốn lớn ĐTNN gián tiếp. Điển hình là việc Tập đoàn Vingroup năm nay nhận được 1 tỉ USD từ Hàn Quốc, hay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhận hơn 800 triệu USD từ Ngân hàng KEB Hana Bank (Hàn Quốc). Thị trường vốn của Việt Nam rất hấp dẫn, nhờ yếu tố thị trường mở, đặc biệt chủ trương nới “room” và kế hoạch sửa đổi Luật Chứng khoán. “Vốn ngoại vào các DN sẽ tạo ra một số tác động tích cực cho hoạt động quản trị kinh doanh. Sau khi bán cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan, thương hiệu Sabeco đã xuất hiện trên quảng cáo bóng đá ở Anh. Mặt khác, khi thay đổi quản trị, năm vừa rồi Sabeco thu lãi khủng”, GS Nguyễn Mại nói. Theo ông, vốn FDI vẫn luôn được xem là động lực tăng trưởng liên tục của Việt Nam trong 30 năm qua và sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong trung hạn. “Tôi không dựa vào số vốn đăng ký trồi sụt mà căn cứ vào vốn thực hiện. Nếu có thay đổi về FDI tức là thay đổi về chất, chứ không phải về số lượng”, GS Nguyễn Mại phân tích.
Để vốn FDI không còn là “ốc đảo”
Tuy nhiên, diễn biến mới của dòng chảy vốn ĐTNN vào Việt Nam theo hướng vốn đầu tư gián tiếp tăng lên, vốn FDI có xu hướng giảm cũng khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại khả năng nguồn lực này không làm tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế vì dòng tiền dễ vào nhưng cũng dễ ra. Bên cạnh đó, quy mô dự án FDI ngày càng nhỏ sẽ khiến Việt Nam gặp nhiều trở ngại hơn trong kỳ vọng đưa vốn ngoại tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định: Việc thu hút, sử dụng nguồn vốn FDI đang tồn tại nhiều bất cập, nhất là mức độ chuyển giao công nghệ của các DN FDI đối với DN trong nước rất thấp. Trong thực tế, DN FDI chiếm khoảng 50% sản lượng công nghiệp chế biến, chế tạo; khoảng 70% giá trị xuất khẩu nhưng chỉ có 14% DN Việt Nam có sự hợp tác với DN FDI. Thậm chí trong nhiều trường hợp, DN FDI không những không kết nối với DN trong nước mà còn chèn ép DN nhỏ và vừa Việt Nam. Sự kết nối của DN FDI với khu vực DN trong nước không tốt khiến cho FDI như một “ốc đảo” trong nền kinh tế. Không có kết nối, nguồn vốn FDI sẽ trở nên rất mong manh, yêu cầu về phát triển bền vững giữa các khu vực DN như chủ trương của Nhà nước ta đặt ra không đạt được.
Từ thực tế này, Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030 đã đặc biệt nhấn mạnh đến tính kết nối, liên thông giữa các DN trong nước và DN nước ngoài, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, về phía các DN trong nước sẽ được hỗ trợ, vừa “kéo”, vừa “đẩy” để vươn lên đủ điều kiện kết nối được vào chuỗi giá trị; về phía các DN FDI sẽ được sàng lọc bằng các tiêu chí cụ thể, không ưu đãi tràn lan. “Chúng ta cần tập trung hỗ trợ, thúc đẩy DN Việt Nam dần bắt kịp, hướng tới thay thế DN nước ngoài về mặt khoa học, công nghệ, quản trị… chứ không phải kéo DN nước ngoài xuống. Các DN FDI không nghiễm nhiên có trách nhiệm hỗ trợ DN trong nước mà Nhà nước, bằng thể chế và chính sách hoàn chỉnh mới có thể thúc đẩy họ làm việc này”, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng chỉ ra.
Hướng tiếp cận về chính sách ưu đãi đầu tư trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, sẽ chỉ ưu đãi đối với phần giá trị gia tăng được làm trên địa bàn Việt Nam; ưu đãi với phần giá trị tạo ra có kết nối với DN Việt Nam; ưu đãi về khoa học - công nghệ và những sản phẩm thật sự tạo ra giá trị, hiệu quả trong một dự án FDI. Tại dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo kết quả đầu ra như mức độ tham gia chuỗi giá trị, giá trị gia tăng nội địa, hợp phần sử dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, trách nhiệm xã hội,... Đồng thời, ban hành Danh mục những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ, cần khuyến khích nhà ĐTNN; ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa ĐTNN và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tính đến ngày 20/10/2019, cả nước có 3.094 dự án ĐTNN mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 25,9% so cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 12,83 tỉ USD, bằng 85,4% so với cùng kỳ năm 2018. Có 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư với tổng giá trị vốn góp 10,81 tỉ USD, tăng 70,5% và chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký. Giải ngân vốn FDI 10 tháng ước đạt 16,21 tỉ USD, tăng 7,4%. (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |