Thứ năm, 28/11/2024 03:11 (GMT+7)
Thứ năm, 07/01/2021 13:34 (GMT+7)

Năng lượng tái tạo góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường

Theo dõi KTMT trên

Theo Bộ Công Thương, năng lượng tái tạo đang được quan tâm phát triển, tạo đột phá trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu trong sản xuất điện.

Ngành điện và những kết quả đạt được

Sáng 7/1, tại Hà Nội, Bộ Công Thương long trọng tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện nhiều Bộ, ngành, cơ quan.

Báo cáo tổng kết của Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, an ninh quốc phòng và sinh hoạt của người dân. Năm 2020, Tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu cả năm ước đạt gần 237,561 tỉ kWh, tăng 3,43% so với năm 2019. Tính chung cả giai đoạn 2016 -2020, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu ước đạt 1.049,3 tỉ kWh, tăng trưởng trung bình trong cả giai đoạn là 8%.

Hạ tầng cung cấp điện được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh, nhiều công trình lớn (trên 1.000 MW) được hoàn thành. Tính đến hết năm 2020, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt 54.677 MW, tăng 1,32 lần so với năm 2016. 

Năng lượng tái tạo góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường - Ảnh 1
Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, an ninh quốc phòng và sinh hoạt của người dân. Ảnh minh họa. 

Trong đó, năng lượng tái tạo (NLTT) được quan tâm phát triển, tạo đột phá trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu trong sản xuất điện. Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đạt được bước phát triển đột phá về năng lượng tái tạo. Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ đã tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia sản xuất điện mặt trời.

Tới cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam đã đạt khoảng 6.000 MW, trong đó có khoảng 6.364 MWp điện mặt trời (tương ứng khoảng 5.290 MW), khoảng 500 MW điện gió và 325 MW công suất điện sinh khối; Tổng công suất của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối đã chiếm xấp xỉ 10% tổng công suất đặt của hệ thống điện; Sản lượng điện năng cung cấp từ các nguồn năng lượng tái tạo đã tăng dần từ mức không đáng kể là 320 triệu kWh, chiếm khoảng 0,41% toàn hệ thống năm 2016 lên khoảng 8 tỉ kWh, chiếm 2,53% toàn hệ thống vào năm 2020.

Việc quy hoạch nguồn NLTT được thực hiện tổng thể toàn quốc và đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, trong quy hoạch xác định quy mô công suất và tiến độ vào vận hành của từng dự án. Vấn đề quá tải lưới điện cơ bản được giải quyết, hết năm 2020, khi hoàn thành đưa vào vận hành các công trình lưới điện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận (như TBA 220 kV Phan Rí, TBA 220 kV Ninh Phước, mạch 2 đường dây 110 kV Tháp Chàm - Tuy Phong - Phan Rí, ...), đặc biệt là trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối sẽ đảm bảo giải tỏa công suất các dự án điện năng lượng tái tạo.

Vẫn tồn tại một số hạn chế

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, việc lập và thực hiện quy hoạch điện vẫn còn bất cập. Nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng lớn tới việc đảm bảo cung ứng điện. Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt gần 60% so với quy hoạch. Xảy ra tình trạng mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền. Ở miền Bắc và miền Trung thừa cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu.

Năng lượng tái tạo góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường - Ảnh 2
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương. 

Nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ. Một số dự án điện (chủ yếu điện mặt trời) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, với tổng công suất khoảng 690 MW đã phải hạn chế một phần công suất phát. Đến cuối năm 2020, khi các công trình lưới điện truyền tải đang thi công tại khu vực này được đưa vào vận hành thì tình trạng này mới được giải quyết.

Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030. Việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn nếu không có chiến lược phù hợp có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng.

Huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện khoảng 8 - 10 tỉ USD. Nhiều tập đoàn nhà nước gặp khó khăn về tài chính nên việc huy động vốn cho các dự án của các doanh nghiệp này cũng gặp khó khăn. Các dự án nguồn điện do tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn do yêu cầu cao từ các bên cho vay (bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ …).

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Năng lượng tái tạo góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.

Tin mới