Chủ nhật, 24/11/2024 08:59 (GMT+7)
Thứ ba, 02/11/2021 16:00 (GMT+7)

NATGEO điểm danh 5 quốc gia thải CO2 nhiều nhất hành tinh

Theo dõi KTMT trên

National Geographic (NATGEO) đã chỉ tên 5 nhà phát thải CO2 lớn nhất hành tinh, xem xét nỗ lực của họ, cũng như tỉ lệ phát thải mà họ chịu trách nhiệm và khả năng hành động của họ để kìm giữ nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

1. Trung Quốc với phần trăm phát thải toàn cầu: 28%

Vào tháng 9 năm 2020, Trung Quốc đưa ra cam kết đạt được "mức độ trung hòa carbon trước năm 2060". Cơ quan Theo dõi Hành động Khí hậu (CAT) nhận xét rằng, nếu Trung Quốc thực hiện lời hứa này, "sẽ làm giảm các dự báo về sự nóng lên toàn cầu khoảng 0,2 đến 0,3 độ C".

Ba tháng sau, Trung Quốc cũng tiết lộ ý định đệ trình một bộ mục tiêu mới trong đó có việc đạt mức phát thải CO2 cao nhất trước năm 2030, sau đó giảm dần. 

Các mục tiêu này vẫn chưa được chính thức đệ trình lên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và không biết liệu có chúng có được công bố chính thức trước hoặc trong cuộc họp COP26 ở Glasgow hay không.

Ngoài ra, vào tháng 9/2021, Trung Quốc tuyên bố sẽ không cấp vốn cho việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài nữa. 

Đặc phái viên Mỹ về Khí hậu John Kerry tự nhận mình "hoàn toàn vui mừng" trước thông tin này, mặc dù phóng viên BBC tại Thượng Hải (Trung Quốc) lưu ý rằng, một nửa lượng than đốt trên thế giới vẫn được đốt tại Trung Quốc và nước này vẫn đang xây dựng các nhà máy điện than tại quê nhà.

NATGEO điểm danh 5 quốc gia thải CO2 nhiều nhất hành tinh - Ảnh 1
Một nửa lượng than đốt trên thế giới vẫn được đốt tại Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Trung Quốc đã bổ sung 38,4 GW các nhà máy than mới trong nước vào năm 2020, chiếm 76% tổng số nhà máy mới được đưa vào vận hành trên toàn thế giới.

2. Mỹ với phần trăm phát thải toàn cầu: 15% 

Các chính sách và cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Biden đối với biến đổi khí hậu hoàn toàn trái ngược với chính sách của chính quyền tiền nhiệm, đặc biệt là việc Mỹ sẽ tham dự COP với tư cách là một bên kí kết mới của Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu. 

Một trong những mệnh lệnh hành pháp đầu tiên của Tổng thống Joe Biden đã tái khẳng định mục tiêu không phát thải khí nhà kính ròng vào năm 2050 và đưa các sáng kiến ​​về khí hậu vào các cơ quan của Chính phủ liên bang.

NATGEO điểm danh 5 quốc gia thải CO2 nhiều nhất hành tinh - Ảnh 2
Tổng thống Joe Biden đã tái khẳng định mục tiêu không phát thải khí nhà kính ròng vào năm 2050. (Ảnh minh họa)

Chính quyền sau đó đã đình chỉ các hợp đồng thuê khoan dầu và khí đốt tự nhiên tại Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Bắc Cực (đồng thời cho phép các dự án khoan ở Bắc Cực khác được tiến hành) và thu hồi giấy phép đối với đường ống Keystone XL. 

CAT đánh giá mục tiêu trong nước của Mỹ là giảm phát thải khoảng 50% mức năm 2005 vào năm 2030 là "gần như đủ" để giới hạn thế giới nóng lên 1,5 độ C, mặc dù đề xuất chính sách quan trọng để đạt được mục tiêu đó đã bị đình trệ vì sự phản đối của Thượng nghị sĩ Joe Manchin của Tây Virginia.

Tuy nhiên, CAT cũng lập luận rằng Mỹ nên đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải từ 57 đến 63% vào năm 2030, và cần tiến xa hơn và nhanh hơn nhiều trong việc giảm lượng khí thải trong các lĩnh vực giao thông và xây dựng. 

3. Ấn Độ với phần trăm phát thải toàn cầu: 7%

Ấn Độ đang trên đà hoàn thành vượt mức các mục tiêu chính thức của Thỏa thuận Paris. Nước này đã giảm cường độ phát thải xuống 21%, phù hợp với mục tiêu giảm 33-35% vào năm 2030.

Ấn Độ chỉ còn thiếu 2% so với mục tiêu đến năm 2030 là tạo ra 40% điện năng bằng các nguồn không phải nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, theo CAT, đây chưa phải là một lý do để ăn mừng và nước này cần nỗ lực hơn nữa.

NATGEO điểm danh 5 quốc gia thải CO2 nhiều nhất hành tinh - Ảnh 3
Người dân Ấn Độ làm nghi lễ truyền thống bên sông Hằng. (Ảnh minh họa)

Ấn Độ cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng cho năng lượng tái tạo và gói kích thích hậu Covid năm 2021 bao gồm khoảng 3 tỉ USD để phát triển pin và quang điện Mặt trời.

Tuy nhiên, Ấn Độ cung cấp tài trợ cho than nhiều hơn đáng kể so với năng lượng tái tạo. Ấn Độ có số lượng nhà máy than đang được phát triển lớn thứ hai thế giới và là một trong số ít quốc gia có số lượng nhà máy vẫn đang tăng lên. 

Theo kế hoạch hiện tại, công suất than khoảng 200 GW của nước này sẽ tăng lên 266 GW vào năm 2029-2030. 

4. Nga với phần trăm phát thải toàn cầu: 5%

Nga đang tự đặt mình vào vị trí trong số các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn cuối cùng còn tồn tại trên thế giới, khi nhìn thấy cơ hội kinh tế tiềm năng ở một miền Bắc lạnh giá đang tan băng thông qua hình thức tăng cường vận chuyển và khoan để có nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn.

Tổng thống Vladimir Putin đã phủ nhận biến đổi khí hậu và công khai chế nhạo các nguồn năng lượng thay thế, đặc biệt là tuabin gió. Nga đã không phê chuẩn Thỏa thuận Paris cho đến tháng 9 năm 2019 và chỉ thông qua Luật khí hậu trong nước đầu tiên vào tháng 4. 

NATGEO điểm danh 5 quốc gia thải CO2 nhiều nhất hành tinh - Ảnh 4
Nga không có đóng góp đáng kể nào cho tài chính khí hậu quốc tế. (Ảnh minh họa)

Mặc dù nước này đã bày tỏ ý định giảm phát thải khí nhà kính xuống 30% so với mức của năm 1990 vào năm 2030, lượng phát thải trên thực tế sẽ tăng nhẹ trong thập kỉ tới và sau đó bắt đầu giảm; đến năm 2050, mức này vẫn cao hơn năm 2017.

Hơn nữa, Nga không có đóng góp đáng kể nào cho tài chính khí hậu quốc tế.
CAT kết luận rằng nếu các quốc gia khác áp dụng cách tiếp cận tương tự như của Nga, thế giới có thể đối mặt với mức nhiệt lên tới 4 độ C vào cuối thế kỉ này.

5. Nhật Bản với phần trăm phát thải toàn cầu: 3%

Có rất nhiều điều để hoan nghênh các chính sách và cam kết gần đây của Nhật Bản. 

Vào tháng 4 năm 2021, chính phủ Nhật đã công bố mục tiêu mới là giảm phát thải khoảng 46% mức năm 2013 vào năm 2030, với khả năng áp dụng các biện pháp bổ sung để giảm mức phát thải xuống 50%. 

NATGEO điểm danh 5 quốc gia thải CO2 nhiều nhất hành tinh - Ảnh 5
Có rất nhiều điều để hoan nghênh các chính sách và cam kết gần đây của Nhật Bản. (Ảnh minh họa)

Nhật Bản tiếp tục bày tỏ mục tiêu đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050. Đây là một sự nâng cấp đáng kể so với cam kết trước đó là cắt giảm 26% vào năm 2030, nhưng CAT ước tính rằng các chính sách thực tế của Nhật Bản sẽ khiến nước này không đạt được mục tiêu mới.

Một vấn đề là sự phụ thuộc của mục tiêu vào năng lượng hạt nhân. Kế hoạch kêu gọi 60% sản lượng năng lượng là từ các nguồn nhiên liệu không hóa thạch; bao gồm 38% năng lượng tái tạo và 22% năng lượng hạt nhân. 

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết NATGEO điểm danh 5 quốc gia thải CO2 nhiều nhất hành tinh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới