Chủ nhật, 24/11/2024 08:18 (GMT+7)
Thứ bảy, 26/02/2022 08:00 (GMT+7)

Nền kinh tế Nga sẽ ra sao khi lệnh trừng phạt của phương Tây bủa vây

Theo dõi KTMT trên

Hai chỉ số chứng khoán của Nga lao dốc, có chỉ số mất 38% trong một phiên do lo ngại lệnh trừng phạt. Tuy vậy, Chính phủ Nga khẳng định nguồn dự trữ ngoại tệ 630 tỷ USD lớn nhất mọi thời đại sẽ bảo vệ nền kinh tế khỏi bất kỳ nguy cơ tồi tệ nào.

Đồng rúp chạm mức thấp kỷ lục, chứng khoán Nga lao dốc gần 40%

Chiến sự Nga - Ukraine leo thang, đúng như những cảnh báo trước đó, một làn sóng trừng phạt toàn diện nhằm vào Nga. Ngay sau khi Tổng thống Putin tuyên bố sẽ đưa quân vào hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, hàng loạt quốc gia bao gồm Mỹ, các nước Liên minh châu Âu (EU), Anh và nhiều đồng minh khác của phương Tây đã liên tục công bố lệnh trừng phạt.

Nền kinh tế Nga sẽ ra sao khi lệnh trừng phạt của phương Tây bủa vây - Ảnh 1
Các sĩ quan cảnh sát Nga tuần tra ở Moscow. (Ảnh: Sky News)

Ở đợt trừng phạt đầu tiên, hôm 22/2, Mỹ đưa một số ngân hàng Nga bao gồm VEB và ngân hàng Quân đội Nga, cùng một số quan chức giới tinh hoa Nga và gia đình của họ vào danh sách trừng phạt. Chính phủ Anh cùng ngày cũng có động thái tương tự.

Ngày 24/2, ở đợt trừng phạt tiếp theo khi Nga mở chiến dịch quân sự tại miền đông Ukraine, Mỹ và EU tiếp tục nhắm đến công ty Nord Stream 2 AG và nhà lãnh đạo đứng đầu công ty này, Giám đốc điều hành Matthias Warnig.

Mặt khác, danh sách trừng phạt của EU còn bao gồm nhiều chính trị gia, quan chức Nga bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cùng nhiều tướng quân đội khác, những cá nhân liên quan trực tiếp đến động thái leo thang chiến sự ở Ukraine.

Anh, Mỹ, và EU đều đe dọa sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt nếu căng thẳng diễn biến theo chiều hướng nóng lên. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: “Như tôi đã nói từ đầu, chúng tôi không ngần ngại thực hiện các bước tiếp theo nếu Nga tiếp tục leo thang căng thẳng”. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng khẳng định EU sẽ đưa ra một “chiến dịch trừng phạt toàn diện” nhằm vào Nga.

Ba quốc gia vùng Baltic gồm Lithuania, Estonia và Latvia đưa ra một tuyên bố chung, kêu gọi loại bỏ Nga khỏi hệ thống tin nhắn chuyển tiền thanh toán quốc tế SWIFT, nền tảng cho hoạt động thanh toán xuyên biên giới của 11.000 tổ chức tài chính tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Nguy cơ bị “cô lập” bởi một chiến dịch trừng phạt toàn diện khiến tâm lý thị trường Nga rung lắc mạnh. Sau thời gian tạm ngừng giao dịch trong phiên 24/2, các cổ phiếu trên sàn Moscow nhanh chóng rơi tự do ngay khi giao dịch khởi động trở lại.

Chỉ số MOEX Russia Index chuẩn có thời điểm tụt gần 50% so với đỉnh kỷ lục trước khi phục hồi, chốt phiên giao dịch ở mức giảm 33% so với phiên giao dịch trước đó. Chỉ số RTS (tính bằng đồng USD) giảm 38% vào thời điểm 16 giờ 25 phút tối 24/2 (giờ Moscow)).

Nền kinh tế Nga sẽ ra sao khi lệnh trừng phạt của phương Tây bủa vây - Ảnh 2
Chỉ số MOEX Russia Index chuẩn có thời điểm tụt gần 50% so với đỉnh kỷ lục (Ảnh: Bloomberg)

Đà bán tháo ước tính đã thổi bay 70 tỷ USD giá trị thị trường của các công ty lớn nhất nước Nga, trong đó nhóm ngành biến động mạnh nhất là ngân hàng và dầu mỏ. Cổ phiếu Sberbank, nhà băng cho vay lớn nhất nước Nga có thời điểm mất 57% vốn hóa.

Cổ phiếu công ty dầu khí Rosneft, công ty mà “đế chế” dầu khí đa quốc gia BP của Anh sở hữu 19,75% cổ phần, đã mất hơn 58% trước khi phục hồi nhẹ. Cổ phiếu Gazprom, đại công ty khí đốt đứng sau dự án đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 cũng ghi nhận mức giảm kỷ lục 40% trong phiên.

Thị trường rung lắc mạnh chưa từng có buộc ngân hàng trung ương Nga ra chỉ thị cho các nhà môi giới tạm dừng bán khống để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Chỉ thị có hiệu lực từ 11 giờ sáng 24/2 (giờ Moscow).

Đồng RUB Nga cũng trượt giá mạnh, dao động mức 84 RUB đổi 1 USD sau thời điểm sụt 10%, chạm mức thấp kỷ lục 89,6 RUB đổi 1 USD. Ngân hàng trung ương Nga cũng khẳng định sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ, bơm thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng để duy trì ổn định cho hệ thống tài chính.

Nền kinh tế Nga sẽ ra sao khi lệnh trừng phạt của phương Tây bủa vây - Ảnh 3
Có thời điểm đồng rúp trượt giá mạnh, tỷ giá USD/RUB đạt tới 89,6 RUB đổi 1 USD (Ảnh: Trading View)

Trước diễn biến đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trấn an thị trường: “Phản ứng tâm lý như vậy là không thể tránh khỏi, nhưng tình hình sẽ dần ổn định. Tất cả các biện pháp cần thiết đã được thực hiện để đảm bảo sự ổn định cho thị trường”.

Kinh tế Nga có “sống khỏe” khi lệnh trừng phạt bủa vây?

Hiện giá hàng hóa tăng cao trong thời gian qua và cải cách tài khóa đã giúp Nga xây dựng dự trữ ngoại tệ cao kỷ lục hơn 630 tỷ USD (tính đến ngày 11/2/2022 là 639,6 tỷ USD, theo ngân hàng trung ương Nga).

Chính phủ Nga khẳng định nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất mọi thời đại sẽ là tấm đệm bảo vệ nền kinh tế khỏi bất kỳ nguy cơ tồi tệ nào mà các lệnh trừng phạt gây ra.

Nền kinh tế Nga sẽ ra sao khi lệnh trừng phạt của phương Tây bủa vây - Ảnh 4
Dự trữ ngoại tệ của Nga hiện lên tới hơn 630 tỷ USD, trong đó hơn 130 tỷ USD là vàng dự trữ, tương đương khoảng hơn 2.300 tấn. (Ảnh: BBC)

Trong khi đó, ngành nông nghiệp phát triển mạnh từ khi Nga bị cấm nhập khẩu thực phẩm từ EU sau động thái sáp nhập Crimea vào lãnh thổ năm 2014 giúp nước này có được khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất lương thực. Với vai trò một “siêu kho hàng hóa” của thế giới, Nga trong những năm qua cũng thúc đẩy đa dạng hóa các đối tác thương mại, giảm sự phụ thuộc vào thị trường châu Âu.

Ngoài ra, ngân sách Chính phủ thặng dư hàng năm, đồng nghĩa Nga không cần các khoản vay ở cả thị trường trong nước hay quốc tế. Nợ Chính phủ Nga hiện chỉ ở mức khoảng 20% GDP quốc gia.

Do vậy, Moscow có cơ sở để tự tin rằng các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và EU đã áp đặt không có khả năng gây rủi ro ngay lập tức. Trong trường hợp Nga bị loại khỏi hệ thống tin nhắn thanh toán quốc tế SWIFT, bên chịu thiệt hại lớn hơn có thể sẽ là các “chủ nợ” của các tổ chức và doanh nghiệp Nga ở Áo, Pháp…

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng những “tấm đệm” đó có thể không đủ bảo vệ nền kinh tế Nga, trước một chiến dịch trừng phạt toàn diện chưa từng có từ phương Tây.

Về hệ lụy trực tiếp, xét ở phương diện tài chính, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chuyển đổi Kinh tế trực thuộc ngân hàng trung ương Phần Lan (BOFIT) cho thấy, bất chấp nỗ lực phi USD hóa ở mức cao của Moscow trong những năm gần đây, khoảng hơn 50% hàng xuất khẩu của Nga vẫn được thanh toán bằng đồng USD và 30% bằng đồng Euro.

Nguyên nhân là các đối tác kinh tế của Nga - phần lớn là các nhà nhập khẩu dầu và khí đốt - đã từ chối việc chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng việc phương Tây trừng phạt các ngân hàng lớn của Nga hay cắt Nga khỏi SWIFT vẫn sẽ gây hệ lụy lớn.

Ngoài ra, cả Mỹ và EU trước đây từng cảnh báo về khả năng cấm vận xuất khẩu công nghệ sang Nga, một động thái có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho những doanh nghiệp Nga phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu phần mềm và phần cứng của phương Tây.

Về hệ lụy gián tiếp, nguy cơ đồng rúp tiếp tục giảm giá do quan ngại về lệnh trừng phạt sẽ gây áp lực nặng nề hơn cho nền kinh tế vốn đã đối diện nhiều khó khăn của Nga. Lạm phát tại Nga đã lên tới 8,7% trong tháng 1/2022, mức cao nhất trong 6 năm và sự mất giá của đồng rúp sẽ tiếp tục đẩy giá cả lên cao.

Nền kinh tế Nga sẽ ra sao khi lệnh trừng phạt của phương Tây bủa vây - Ảnh 5
Lạm phát tại Nga lên tới 8,7% trong tháng 1. (Ảnh: Bank of Russia)

Tình thế này sẽ đẩy ngân hàng trung ương Nga vào một hoàn cảnh khó khăn: phải kiểm soát lạm phát ở mức kỷ lục mà không làm gây tác động đến đà phục hồi và tăng trưởng chung. Nếu ngân hàng trung ương Nga buộc phải tăng lãi suất lên cao hơn từ mức 9,5% hiện tại để kiểm soát lạm phát, chi phí vay cao hơn sẽ gây tổn thương đáng kể cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhất là trong tình huống đất nước bị bủa vây bởi những lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ở một góc độ khác, nhà phân tích Levon Kameryan từ Scope Ratings nhận định sự leo thang xung đột và các lệnh trừng phạt có thể dẫn đến tình trạng tháo chạy của dòng vốn khi người Nga tìm cách bảo vệ tài sản và các khoản tiết kiệm khỏi nguy cơ khủng hoảng kinh tế.

Tình huống căng thẳng hiện tại có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng cho châu Âu, nhưng ở chiều ngược lại nó cũng sẽ làm giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung năng lượng của Nga. Cũng theo tính toán của Scope Ratings, trong những năm gần đây, trị giá khoảng 90 tỷ Euro mỗi năm về xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nền kinh tế Nga sẽ ra sao khi lệnh trừng phạt của phương Tây bủa vây. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới