Chủ nhật, 24/11/2024 09:38 (GMT+7)
    Thứ sáu, 03/06/2022 13:30 (GMT+7)

    Ngân hàng 'hưởng lợi' gì từ gói hỗ trợ lãi suất 2%?

    Theo dõi KTMT trên

    Theo các chuyên gia, gói hỗ trợ lãi suất sẽ kích thích nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, giúp ngân hàng mở rộng nhanh hơn quy mô tín dụng, từ đó tăng hiệu quả hoạt động.

    Ngân hàng có thể mở rộng quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng

    Hơn 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất sẽ được giải ngân từ Ngân sách nhà nước trong hai năm 2022 - 2023, tương đương với 1 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng được hỗ trợ lãi suất 2%.

    Thông điệp này được đánh giá là một trong những tin vui cho các doanh nghiệp nằm trong các nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi đại dịch trong thời gian qua. Với chi phí vốn rẻ hơn, các doanh nghiệp có khả năng phục hồi tốt hơn và có thể là cú hích để trở lại với trạng thái trước dịch.

    Ngân hàng 'hưởng lợi' gì từ gói hỗ trợ lãi suất 2%? - Ảnh 1
    Ảnh minh họa

    Ngày 20/5, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 31 và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 03 hướng dẫn các ngân hàng thực hiện, sẵn sàng cho việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất.

    Theo các chuyên gia phân tích của Agriseco, ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất này khi có thể mở rộng quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh thu nhập lãi thuần. Đặc biệt, nhóm ngân hàng quốc doanh có thể sẽ được ưu tiên hơn khi đã tích cực đi đầu trong việc cắt giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng trong thời gian dịch vừa qua.

    Theo số liệu mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 20/5, tốc độ tăng trưởng tín dụng đến 20/5 đạt 7,66% và đến 27/5 có thể ở mức 7,75% so với cuối năm 2021, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

    Báo cáo mới đây của SSI Research cho hay tăng trưởng tín dụng tại hầu hết ngân hàng lớn đã gần chạm mức trần tín dụng mà NHNN đặt ra đầu năm.Mặc dù tín dụng tăng gần gấp đôi so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng đã có phần chậm lại nếu tính theo tháng (tháng 3 tăng 16,9% so với cùng kỳ).

    Do đó, để sớm triển khai được chương trình hỗ trợ lãi suất, tại buổi họp liên ngân hàng vào 27/5, đại diện các nhà băng đều đồng loạt đề xuất sớm được nới "room" tín dụng.

    Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), cho rằng trong bối cảnh lo ngại lạm phát tăng, NHNN có quan điểm tương đối thận trọng về việc cấp "room" mới cho các tổ chức tín dụng.

    Tuy nhiên, để thực hiện gói hỗ trợ một cách trôi chảy, các NHTM cần được nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng vì nhiều ngân hàng đã hết "room" từ cách đây vài tuần, tức là không thể cho vay, chỉ có thể cho vay cầm chừng.

    "Với áp lực phải giải ngân gói cấp bù lãi suất hỗ trợ 2%, trong thời gian tới (có thể trong tháng 6), NHNN sẽ nới "room" tín dụng cho các ngân hàng. Đó là động lực quan trọng để hỗ trợ các ngân hàng tăng trưởng về lợi nhuận", ông Trần Đức Anh dự báo.

    Ngân hàng có quy mô cho vay lớn sẽ có ưu thế hơn

    Mặt khác, theo Thông tư 03 hướng dẫn về việc thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất, khi hạn mức hỗ trợ các ngân hàng đăng ký vượt quá con số 40.000 tỷ đồng,NHNN sẽ xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với từng ngân hàng dựa trêntỷ trọng dư nợ cho vay đến 31/12/2021 trong tổng dư nợ.

    Như vậy, trong trường hợp này, các ngân hàng có dư nợ tín dụng cao hơn sẽ có khả năng được giải ngân chương trình hỗ trợ lãi suất cao hơn. Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý I của 27 ngân hàng khảo sát, ba "ông lớn" Big4 là những ngân hàngcó dư nợ tín dụng cao nhất.Tổng dư nợ tín dụng của ba ngân hàng này chiếm 47% so với tổng dư nợ tín dụng của cả nhóm khảo sát.

    Tiếp theo đó trong nhóm cổ phần, các ngân hàng có số dư cho vay khách hàng cao nhưMB Bank, Sacombank và ACB.

    Với khả năng được cấp hạn mức cao hơn, các ngân hàng này sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc mở rộng quy mô tăng trưởng tín dụng, từ đó tăng lợi nhuận, hiệu quả hoạt động.

    Góp phần giảm nợ xấu cho ngân hàng

    Về lợi ích của các ngân hàng qua gói hỗ trợ này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng việc các ngân hàng thương mại thực hiện chương trình hỗ trợ này là trách nhiệm chung của xã hội, góp phần hồi phục kinh tế. Ngoài ra, gói hỗ trợ này giúp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn và tăng nhu cầu về tín dụng.

    “Lợi ích rõ nét nhất của gói hỗ trợ này đối với ngân hàng đó là gói hỗ trợ có thể giúp thúc đẩy khách hàng trả nợ tốt hơn và từ đó giảm nợ xấu cơ bản cho ngân hàng", ông Cấn Văn Lực nhận định.

    Cùng với đó, TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý các ngân hàng cần rà soát đúng các tiêu chí tiêu chuẩn, làm việc trực tiếp với khách hàng vay để tránh việc cho vay sai mục đích, đối tượng. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ chức tín dụng để đảm bảo tính nhất quán trong việc đánh giá khách hàng.

    Theo ông Trần Đức Anh, việc kiểm soát chặt chẽ để tránh trục lợi là rất khó vì bản thân các ngân hàng thương mại là đơn vị kinh doanh, mục tiêu tối đa của họ là gia tăng lợi nhuận và lợi ích cho nhà đầu tư. Vì vậy, các NHTM cần thực hiện đúng chủ trương của gói hỗ trợ để gói hỗ trợ đến được đúng đối tượng thay vì chảy vào dòng tiền đầu cơ.

    Với chứng khoán, theo giới chuyên gia, gói hỗ trợ lãi suất này chỉ tác động gián tiếp đến thị trường. Do đó, về phía nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán "ăn theo" gói hỗ trợ lãi suất này.

    Mỹ Hằng 

    Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng 'hưởng lợi' gì từ gói hỗ trợ lãi suất 2%?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới