Chủ nhật, 24/11/2024 08:58 (GMT+7)
Thứ ba, 26/05/2020 16:30 (GMT+7)

Ngang nhiên mua bán, san ủi và xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Sáng 26/5, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Tâm cho biết: UBND xã vừa ra quyết định tạm dừng các hoạt động tác động làm thay đổi hiện trạng đất và xây dựng các công trình trái phép quy mô lớn trên đất lâm nghiệp đối với hai trường hợp vừa được phát hiện trên địa bàn xã.

Ngang nhiên mua bán, san ủi và xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp - Ảnh 1
Sau khi mua đất lâm nghiệp, ông Lê Hồng Sơn ngang nhiên san ủi và xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.

Trước đó, vào ngày 7/5, nhận được thông tin phản ánh của người dân, UBND xã tổ chức kiểm tra xác minh thông tin một số hộ dân ở xã Cư Elang, huyện Ea Kar bán đất lâm nghiệp do xã quản lý tại tiểu khu 1147 thuộc địa bàn thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, khu vực ven bờ hồ Ea Rớt cho một người ở TP Hồ Chí Minh và một người ở xã Ea Ô, huyện Ea Kar với diện tích đất rất lớn và đang xây dựng công trình trái phép.

Kết quả kiểm tra của UBND xã Cư Pui cho thấy, vào tháng 2/2020, ông Lê Hồng Sơn, sinh năm 1980, trú tại địa chỉ số 208 đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh có mua đất của ba hộ dân gồm ông Hoàng Văn Mý, Bùi Văn Điệp và Nông Văn Chiến đều trú tại xã Cư Ea Lang, huyện Ea Kar với tổng diện tích khoảng 30 ha với số tiền hơn một tỉ đồng (chưa xác định được số tiền mua đất cụ thể).

Tại thời điểm kiểm tra, hiện trạng đất mà ông Lê Hồng Sơn đứng tên mua lại, ông Sơn giao trách nhiệm cho ông Lê Trần Tường Văn, sinh năm 1991, trú tại thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên trực tiếp phụ trách về kỹ thuật cải tạo mặt bằng với tổng diện tích khoảng 450 m2; trong đó nền dựng khung nhà gỗ ba gian, chưa lợp ngói với diện tích 90m2; xây dựng hoàn thiện một hầm rút dung tích 6,4m3; xây hai bờ kè chắn lở, bờ chắn thứ nhất bậc 1 đã hoàn thiện có chiều cao một mét, dài 25m; bờ chắn thứ hai bậc 2 đang tiến hành xây dựng có chiều cao 0,8m, dài 35m. Ngoài ra, tại hiện trường các vật liệu được tập kết gồm 25 bao xi-măng, 12 khối cát, 16 khối đá hộc, hai khối đá 1-2, 90 thùng ngói, 60 thùng gạch nền và khoảng hai khối cây gỗ… Máy móc vật dụng gồm: Một xe múc hiệu Hitachi 0,5m3 đang hoạt động, một cối trộn bê tông, một máy dập nền (móng). Lực lượng xây dựng gồm hai người phụ trách kỹ thuật và ba công nhân đang làm việc…

Tại vị trí thứ hai, vào tháng 10/2019, hộ ông Trần Quang Vinh, sinh năm 1962, trú tại thôn 14, xã Ea Ô, huyện Ea Kar có mua đất của hai hộ dân gồm Nguyễn Văn Lương và Bùi Văn Thắng, không rõ địa chỉ cư trú với diện tích khoảng 27,8 ha với số tiền khoảng một tỷ đồng, đây là diện tích phần đất thuộc đất lâm nghiệp tại tiểu khu 1147 và phần đất 5% của xã Cư Pui, huyện Krông Bông quản lý, phần đất này đã được Nhà nước đền bù xây dựng hồ chứa nước Ea Rớt.

Ngang nhiên mua bán, san ủi và xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp - Ảnh 2
Các ngành chức năng của huyện Krông Bông phối hợp với UBND xã Cư Pui tổ chức họp dân tuyên truyền, vận động không được phá rừng lấn chiếm đất đai ở khu vực giáp ranh với huyện Ea Kar.

Tại thời điểm kiểm tra, hiện trạng đất mà ông Trần Quang Vinh đứng tên mua lại đã cải tạo, san lấp mặt bằng hai bậc với diện tích 70m2, một hố để chứa nước sâu khoảng 2m với diện tích 24m2; đã dựng một chuồng bò cột gỗ, nền đất, mái lợp tôn Prô xi-măng với diện tích 16m2; rào lưới B40 khoảng 90m, nhà gỗ hai gian, mái lợp ngói và tôn chưa hoàn thiện. Vật liệu tập kết tại hiện trường gồm 3.000 viên gạch nung, ba khối cát và 30 thùng gạch lát nền…

Theo UBND xã Cư Pui, các trường hợp trên tự ý mua, bán sang nhượng đất và xây dựng các công trình trên đất không thông qua chính quyền địa phương, trái quy định của pháp luật và lấn chiếm vào đất của địa phương đang quản lý. Vì vậy, UBND xã Cư Pui đã lập biên bản tạm dừng các hoạt động tác động làm thay đổi hiện trạng đất và xây dựng các công trình trái phép trên đất đối với ông Lê Hồng Sơn và Trần Quang Vinh.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, UBND xã sẽ mời hai trường hợp này lên UBND xã để làm rõ việc mua bán đất, san ủi và xây dựng công trình trên đất, đồng thời cử người thường xuyên theo dõi để ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi tiếp tục vi phạm của hai ông này.

UBND xã cũng đã báo cáo sự việc lên UBND huyện và các phòng, ban chức năng của huyện để có biện pháp xử lý.

Cũng trong ngày 25/5, UBND huyện Ea Kar và Krông Bông cùng đại diện Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp khẩn ngay tại một phân trường bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp (Công ty lâm nghiệp) Ea Kar để bàn biện pháp ngăn chặn nạn phá rừng đang diễn ra ở khu vực giáp ranh giữa hai huyện. Thời gian gần đây, tình trạng đốt phá rừng đang diễn ra nghiêm trọng ở các tiểu khu 701, 703 và 704 thuộc lâm phần Công ty lâm nghiệp Ea Kar, một số diện tích thuộc Công ty lâm nghiệp Krông Bông và diện tích đã bàn giao cho UBND xã Cư Pui, huyện Krông Bông quản lý bảo vệ. Mặc dù, các công ty lâm nghiệp và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn, nhưng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất sản xuất ở khu vực giáp ranh này vẫn đang diễn biến phức tạp.

Theo phản ảnh của một số hộ dân thôn Ea Rớt, xã Cư Pui thì không chỉ có người dân địa phương mà còn có nhiều người ở các địa phương khác cũng tham gia phá rừng hoặc mua đất lâm nghiệp với diện tích lớn để làm trang trại.

Tại cuộc họp, chính quyền địa phương yêu cầu người dân dừng ngay việc phá rừng và chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương phối hợp chủ rừng tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng và mua bán, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.

Nguyễn Công Lý

Bạn đang đọc bài viết Ngang nhiên mua bán, san ủi và xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới