Ngày Môi trường Thế giới 2006 với chủ đề “Đừng từ bỏ các vùng đất khô cằn”
Năm 2006, Ngày Môi trường Thế giới được Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề “Đừng từ bỏ các vùng đất khô cằn”. Đây cũng là dịp kỷ niệm 10 năm Công ước Chống sa mạc hóa của Liên Hợp Quốc (UNCCD) chính thức có hiệu lực.
Thoái hoá đất và hoang mạc hoá là những vấn đề bức xúc mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt.
Năm 2006, Ngày Môi trường Thế giới được Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề “Đừng từ bỏ các vùng đất khô cằn”. Đây là năm quốc tế về sa mạc hóa và hoang mạc hóa và là dịp kỷ niệm 10 năm Công ước Chống sa mạc hóa của Liên Hợp Quốc (UNCCD) chính thức có hiệu lực, thu hút gần 200 quốc gia thành viên tham gia, trong đó Việt Nam là thành viên thứ 134.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, trên thế giới hiện có khoảng 30% diện tích bề mặt trái đất là hoang mạc hoặc đang bị hoang mạc hóa. Hàng năm trên toàn thế giới có từ 11 đến 13 triệu ha rừng bị chặt phá, hàng chục triệu ha đất bị suy thoái, biến đổi thành hoang mạc với hệ quả là hệ sinh thái và môi trường ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng.
Công bố của Liên Hợp Quốc cho thấy, hơn 70% hệ sinh thái tự nhiên đã bị chuyển đổi, dự kiến vào năm 2050, con số này có thể đạt 90%. Bên cạnh đó, dự kiến đến năm 2030, sản xuất lương thực sẽ cần thêm 300 triệu ha đất để có thể đảm bảo an ninh lương thực cho cư dân toàn cầu.
Tuy nhiên, tài nguyên hữu hạn là đất đai lại đang bị đe dọa sụt giảm nghiêm trọng. Mỗi năm, hơn 12 triệu ha đất bị mất do suy thoái đất, sa mạc hóa và hạn hán tái diễn. Đây là quá trình đất đai vốn màu mỡ, bị suy thoái do hạn hán, phá rừng hoặc bị canh tác quá mức, hoặc bởi biến đổi khí hậu.
Ước tính hàng năm hoang mạc hóa và hạn hán trên thế giới gây tổn thất về năng suất lương thực tới 42 tỷ USD, chưa kể đến những điều kiện khắc nghiệt, thậm chí là thiệt hại về tính mạng do nghèo đói mà hàng tỷ cư dân trong vùng bị ảnh hưởng phải gánh chịu.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đã đưa ra thông điệp kêu gọi phối hợp hành động nhằm hạn chế hoang mạc hóa trên phạm vi toàn cầu: “Hoang mạc hóa rất khó đảo ngược, nhưng có thể ngăn chặn được. Bảo vệ và phục hồi các vùng đất khô hạn còn gìn giữ được các cảnh quan và các nền văn hóa có từ buổi bình minh của nền văn minh và là một phần cốt yếu của di sản văn hóa nhân loại”.
Việt Nam trong cuộc chiến chống sa mạc hóa
Hoang mạc hóa tạo nên những hậu quả tác động về sinh thái và môi trường ngày càng nghiêm trọng, khiến cho việc sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực bị đe doạ. Chính vì vậy, năm 1996 Liên Hợp Quốc đã đưa ra Công ước chống sa mạc hoá và Việt Nam đã ký Công ước này vào năm 1998.
Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, cả nước hiện có khoảng 7,85 triệu ha đất trống bị thoái hoá mạnh, chiếm trên 30% tổng diện tích đất canh tác nông lâm nghiệp cả nước, bao gồm các loại đất cát bay, khô hạn, xói mòn, nhiễm mặn, phèn... tập trung tại các tỉnh ven biển miền Trung, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, tứ giác Long Xuyên.
Theo bà Phạm Minh Thoa - phụ trách Văn phòng UNCCD, hiện nước ta vẫn còn khoảng 9,3 triệu ha đất bị hoang hóa, trong đó có 7,3 triệu ha đất trống, đồi núi trọc và 2 triệu ha đất đang sử dụng bị thoái hóa nặng nề làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân. Do vậy, “đừng từ bỏ các vùng đất khô cằn” và hãy phục hồi chúng.
Nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2006, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện một số hoạt động trọng tâm.
Trong đó, phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng Trung ương và địa phương giới thiệu về các vấn đề liên quan đến tài nguyên đất và môi trường đất ở nước ta hiện nay.
Tùy điều kiện cụ thể và đặc thù của ngành và địa phương để tiến hành các hoạt động truyền thông thích hợp thu hút nhiều người tham gia, như: Mít tinh, hội thảo, tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn nghệ, các cuộc triển lãm, xây dựng phim phóng sự về bảo vệ tài nguyên và môi trường đất, treo biểu trưng, áp phích và tranh cổ động về chủ đề này tại các cơ quan, địa phương, tổ chức phát động phong trào bảo vệ môi trường, phong trào trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh...
Lan Anh