Chủ nhật, 24/11/2024 09:39 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/01/2021 06:40 (GMT+7)

Nghị quyết Hội nghị Chính phủ với địa phương và họp Chính phủ tháng 12

Theo dõi KTMT trên

Thiên tai, dịch bệnh, nhất là COVID-19, bão, lũ, sạt lở đất... đã tác động nghiêm trọng đến tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ, các đại biểu dự Hội nghị và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2020, tổ chức vào ngày 28 và 29/12/2020, Chính phủ đã ra Nghị quyết.

Năm 2020 thành công nhất trong 5 năm qua

Về tình hình kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Chính phủ thống nhất đánh giá, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là ngay từ đầu năm 2020 đến nay đại dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, tác động mạnh mẽ, toàn diện đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, làm cho kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trầm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929-1933.

Nghị quyết Hội nghị Chính phủ với địa phương và họp Chính phủ tháng 12 - Ảnh 1
Quang cảnh phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 12/2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong nước, thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19, bão, lũ, sạt lở đất... đã tác động nghiêm trọng đến tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016-2019 bình quân đạt 6,8%/năm, nằm trong 10 quốc gia có tăng trưởng cao nhất thế giới. Năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,91%, thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 6%; quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015, trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong ASEAN.

Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, từng bước chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, ngày càng dựa vào khoa học, công nghệ. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,89%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,27%) và vượt mục tiêu đề ra (5%).

Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 45,72%, vượt mục tiêu đề ra (30-35%).

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Lạm phát được kiểm soát tốt qua các năm; chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bình quân năm 2020 tăng 2,23%, bình quân giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 3,15%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 (7,82%).

Tỉ giá, thị trường ngoại hối khá ổn định; lãi suất có xu hướng giảm dần; hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Năm 2020, thu ngân sách đạt trên 98% dự toán; bội chi ngân sách nhà nước dưới 4% GDP. Nợ công giảm từ 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống còn 55,8%, dưới ngưỡng an toàn do Quốc hội quy định (65%).

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 đạt kỷ lục 543,9 tỉ USD; xuất siêu 5 năm liên tiếp, trong đó năm 2020 đạt trên 19 tỉ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 tương đương 33,7% GDP, đạt mục tiêu đề ra (32- 34%), trong đó tỉ trọng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng nhanh từ mức 38,7% năm 2015 lên khoảng 44,9% năm 2020.

tỉ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước đạt trên 28,5%. Giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt, đạt cao nhất trong năm; nhiều công trình trọng điểm quốc gia được khởi công.

Nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; tăng trưởng năm 2020 đạt 2,68%, cao hơn năm 2019 (2,01%); có trên 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt xa mục tiêu đề ra (50%). Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng vẫn tăng 3,36%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 tăng 2,6%, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng trên 9%.

Mỗi năm có trên 100.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký bình quân tăng hơn 1,8 lần so với năm 2015; đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Trong năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt, đời sống của nhân dân được cải thiện; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm chỉ đạo. Chất lượng giáo dục phổ thông và giáo dục đại học tiếp tục được nâng lên; tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông, bảo đảm nghiêm túc, công bằng, an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19.

Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, người cao tuổi, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được đẩy mạnh; thể thao thành tích cao có bước tiến bộ.

Nghị quyết Hội nghị Chính phủ với địa phương và họp Chính phủ tháng 12 - Ảnh 2Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài với 8 làn xe kết nối 3 quận nội thành Hà Nội giúp người dân phía tây thủ đô đi lại thuận tiện hơn. (Ảnh: TTXVN)

Đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin phát triển mạnh, tích cực triển khai các ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số thích ứng nhanh trong điều kiện dịch bệnh. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131 nước, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế có cùng mức thu nhập.

Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến rõ nét; chỉ đạo kịp thời hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, xâm nhập mặn, sớm ổn định đời sống và sản xuất của người dân vùng bị ảnh hưởng.

Chỉ số về phát triển bền vững của Việt Nam năm 2020 tăng lên thứ 49 so với thứ 88 năm 2016. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chuyển biến tích cực; môi trường kinh doanh được cải thiện; công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt.

Quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường; chủ quyền quốc gia được giữ vững, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, toàn diện, sáng tạo và linh hoạt ngay cả khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA 41 và Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần khẳng định và nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đánh giá chung về tình hình kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt.

Những kết quả, thành tích đó đã góp phần làm nên những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ khóa XII và thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay.

Bên cạnh kết quả đạt được, nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thực sự bền vững; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa được phát huy mạnh mẽ.

Khoảng cách phát triển giữa các vùng chậm được thu hẹp; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn. Bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tình hình tội phạm trên một số lĩnh vực, địa bàn diễn biến phức tạp. Tham nhũng, lãng phí ở một số nơi còn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, vẫn còn những vụ việc khiếu kiện về đất đai phức tạp, kéo dài. Việc làm của một bộ phận người dân chưa được bảo đảm, nhất là ở vùng nông thôn, khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức. Ô nhiễm môi trường cải thiện còn chậm. Dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu ngày càng bất thường.

Về phương châm hành động, định hướng chỉ đạo điều hành và nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021: Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: năm tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; năm đầu quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu và những thách thức lớn đối với thương mại, đầu tư, tăng trưởng và các vấn đề xã hội.

Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu...

Chính phủ thống nhất phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”; yêu cầu từng Thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020, khẩn trương khắc phục những hạn chế, yếu kém của ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách; tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, trong đó phấn đấu điều hành tăng trưởng kinh tế đạt từ 6-6,5%; tạo nền tảng vững chắc để thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động tiếp thu và xử lý các kiến nghị của địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao; kịp thời, quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc xử lý kiến nghị của địa phương.

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 9/12/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết năm 2021; Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công điện số 1711/CĐ-TTg ngày 7/12/2020 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội xuân 2021.

Chính phủ đề cao tinh thần đoàn kết, kỷ cương

Về kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết nêu rõ, với phương châm xuyên suốt xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; luôn đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tích cực đổi mới, sáng tạo, năng động, quyết liệt trong quản lý, điều hành; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ.

Nghị quyết Hội nghị Chính phủ với địa phương và họp Chính phủ tháng 12 - Ảnh 3
Hội nghị Chính phủ với địa phương từ ngày 28/12 đến 29/12. (Ảnh: TTXVN)

Trong quản lý, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ luôn phát huy vai trò, trí tuệ của tập thể gắn với việc đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Chính phủ, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu Chính phủ, chủ động nắm chắc tình hình, vừa chỉ đạo xử lý kịp thời, nhạy bén những vấn đề phát sinh, vừa tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm.

Tích cực cải cách, hiện đại hóa phương thức làm việc; tăng cường sâu sát địa phương, cơ sở, tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp; chủ động tham mưu, đề xuất và kịp thời ban hành nhiều giải pháp, chính sách đúng đắn, quan trọng, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn.

Tuy nhiên, kỷ cương, kỷ luật hành chính, đổi mới lề lối làm việc trong một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc tổ chức thi hành pháp luật còn chậm. Trách nhiệm của một số bộ, ngành trong phối hợp xử lý công việc chưa cao; còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động tìm hướng đi mới, chậm phản ứng trước những vấn đề phát sinh.

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2021, Chính phủ tiếp tục đề cao tinh thần đoàn kết, kỷ cương; yêu cầu từng Thành viên Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, khơi dậy tinh thần hăng say, nhiệt huyết, cống hiến, đóng góp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong từng cơ quan, đơn vị; tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép,” không lơ là, chủ quan trước đại dịch COVID-19; tranh thủ thời cơ, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới với khát vọng phát triển, tinh thần đổi mới sáng tạo, cải cách mạnh mẽ, hành động quyết liệt hơn nữa, phấn đấu với quyết tâm cao nhất, thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP , 02/NQ-CP ngày 1/1/2020; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, các đại biểu tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 1/1/2021.

Nghị quyết Hội nghị Chính phủ với địa phương và họp Chính phủ tháng 12 - Ảnh 4
Công ty Cổ phần VinaTex Hồng Lĩnh tại cụm công nghiệp Hồng Lĩnh, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chuyên sản xuất các sản phẩm sợi xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Về cải cách thủ tục hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác năm 2020 và 5 năm (2016-2020) phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị định số 09/2019/NĐ-CP, số 45/2020/NĐ-CP ; các Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020, số 02/NQ-CP năm 2021; Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử.

Trong năm 2021, Chính phủ giao Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt là chuyên đề về hoàn thiện thể chế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tình hình xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính; việc thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2021, số 02/NQ-CP năm 2021, số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 và các Nghị quyết chuyên đề quan trọng, có phạm vi tác động lớn, liên quan đến chủ trương cải cách và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Về thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2020, nhiệm vụ năm 2021, Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo của Bộ Tư pháp về thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2020, nhiệm vụ năm 2021.

Năm 2020, Chính phủ tiếp tục đặt trọng tâm vào công tác xây dựng thể chế, pháp luật. Các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan liên quan đã có nhiều nỗ lực, chủ động trong công tác xây dựng thể chế, chính sách phục vụ phát triển đất nước; đã thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ với khối lượng công việc rất lớn, phục vụ sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, tình hình ban hành một số văn bản quy định chi tiết vẫn còn chậm, chưa được khắc phục triệt để.

Bộ trưởng trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo xây dựng pháp luật

Về thực hiện nhiệm vụ năm 2021, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, đồng thời quan tâm đến chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật.

Nghị quyết Hội nghị Chính phủ với địa phương và họp Chính phủ tháng 12 - Ảnh 5
Gia đình bà Thạch Thị Sô Kha, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang vừa thoát nghèo năm 2020 nhờ nguồn vốn vay ưu đãi để trồng ớt và nuôi bò. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Các bộ, ngành tập trung nguồn lực xây dựng các dự án luật, pháp lệnh theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội; chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo để xử lý những khó khăn, vướng mắc về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung cơ bản của dự án.

Đối với các dự án luật Quốc hội đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua, các bộ, ngành được giao chủ trì cần bám sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề lớn của dự thảo Luật trước khi Quốc hội thông qua; khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng. 

Đồng thời, tập trung nguồn lực xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực vào năm 2021; hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách và xây dựng các nền tảng công nghệ số hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, các loại hình kinh doanh mới, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số, dữ liệu số, nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh; các bộ, cơ quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.

Chính phủ giao Bộ Tư pháp thực hiện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các bộ, ngành trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, nhất là trong việc lồng ghép, cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; giao Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, trong đó làm rõ sự cần thiết ban hành, đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Chính phủ thống nhất thông qua Đề nghị xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi); Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, trình Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Về thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ nhất trí Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 có hiệu lực thi hành không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025, Chính phủ thống nhất về nội dung và chủ trương ban hành Nghị định quy định chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đối với huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo (không bao gồm phường, thị trấn hoặc xã đạt chuẩn nông thôn mới) như đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh vã Xã hội tại Báo cáo số 175/BC-BLĐTBXH ngày 28/12/2020. Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh vã Xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Về báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước và đề xuất giải pháp cụ thể nhằm huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp khác để tổ chức thực hiện Chương trình hiệu quả, thực chất; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tránh chồng chéo, trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động với các Chương trình mục tiêu khác theo yêu cầu của Quốc hội (tại Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020) và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tại văn bản số 4026/TTKQH-TH ngày 4/11/2020), báo cáo Chính phủ trước ngày 30/6/2021 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định tại Kỳ họp cuối năm 2021; rà soát, hoàn thiện bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành đồng thời với việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Chương trình.

Xử lý các vướng mắc của hai dự án xây dựng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh

Trong Nghị quyết, Chính phủ cũng cho ý kiến chỉ đạo về xử lý vướng mắc của Dự án Lotte Mall Hà Nội. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này.

Về Dự án Khu phức hợp thông minh - Thủ Thiêm Eco Smart City tại Khu chức năng số 2a trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ thống nhất với đề nghị của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giao Công ty trách nhiệm hữu hạn Lotte Properties HCMC tiếp tục thực hiện Dự án Khu phức hợp thông minh - Thủ Thiêm Eco Smart City tại Khu chức năng số 2a trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh theo các thủ tục về đầu tư xây dựng đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận trước đây; nhà đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Nghị quyết Hội nghị Chính phủ với địa phương và họp Chính phủ tháng 12 - Ảnh 6
Ngày 27/11/2020, tại TP Hồ Chí Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn và Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Hoan chủ trì buổi đối thoại trực tiếp với khoảng 20 người dân đang có khiếu nại về quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại 5 khu phố thuộc 3 phường (An Khánh, Bình Khánh và Bình An), Quận 2. (Ảnh: TTXVN phát)

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm chỉ đạo, giám sát nhà đầu tư triển khai, thực hiện Dự án theo đúng cam kết vị quy mô đầu tư, tiến độ, tuân thủ quy hoạch, các quy định pháp luật khác có liên quan, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Về dự thảo Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ cơ bản thống nhất với dự thảo Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục cập nhật số liệu, hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội theo quy định.

PV

Bạn đang đọc bài viết Nghị quyết Hội nghị Chính phủ với địa phương và họp Chính phủ tháng 12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới