Chủ nhật, 24/11/2024 10:41 (GMT+7)
Thứ năm, 07/10/2021 07:00 (GMT+7)

Người dân miền Nam chủ động trong hoạt động mua bán

Theo dõi KTMT trên

Bộ Công Thương nhìn nhận, việc khôi phục lại hoạt động các chợ đầu mối và siêu thị là cơ sở để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong những tháng cuối năm.

Xuất hiện chợ kiểu mới

Những ngày qua, nhiều chợ truyền thống, siêu thị trên địa bàn TP.HCM phải tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19, mặt khác người dân cũng không thể di chuyển sang các chợ lân cận nên việc mua thực phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày gặp nhiều khó khăn.

Bố trí xe lưu động, bán hàng theo combo, không tiếp xúc, đưa hàng thiết yếu lên chợ điện tử,…đây là những hình thức TP.HCM đưa ra trong thời gian giãn cách. Hình thức đi chợ sáng tạo này nhằm cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cần thiết để mỗi nhà, mỗi người có đủ dinh dưỡng trong bữa ăn, góp phần nâng cao sức khỏe, thể trạng để phòng, chống dịch bệnh.

Người dân miền Nam chủ động trong hoạt động mua bán - Ảnh 1
Điểm bán hàng lưu động gần chợ Bà Chiểu (Ảnh: Quỳnh Trần)

Đối với hình thức “bán hàng theo combo”: Nhiều siêu thị như Bách Hóa Xanh, Vinmart/Vinmar+,...cũng đưa ra biển hướng dẫn cách mua hàng combo để người dân tiện mua sắm. Người tiêu dùng chỉ cần chọn hàng và điền đầy đủ vào phiếu thông tin; thanh toán và chuyển đơn đặt hàng đến cán bộ phụ trách trên địa bàn và nhận hàng theo lịch của cơ quan quản lý trên địa bàn.

Trong khi đó, nhiều tiểu thương lại chọn mô hình bán hàng lưu động bằng xe buýt hoặc chợ “dã chiến” lưu động. Trên các xe buýt, được bày bán với hơn trăm mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt, trứng, rau củ. Ngoài ra, chương trình có 1.000 phần quà, tổng trị giá 300 triệu gửi đến những hộ gia đình khó khăn. Quy mô của hình thức này sẽ được tăng lên 3-4 chiếc xe buýt, chủ yếu phục vụ tại quận, huyện vùng ven, mỗi chiếc bán tại 1-2 điểm.

Dịch bệnh kéo dài, đây là thời điểm kênh online lên ngôi. Nhận thấy được ưu điểm đó, Viettel Post tại TP.HCM áp dụng được khá tốt hình thức bán hàng này. Ngoài duy trì bán rau củ, đơn vị đã tăng lượng bán trứng lưu động lên hàng chục nghìn quả mỗi tuần bằng hình thức nhận đơn hàng trên kênh online và giao tận nơi cho khách. 

Tương tự, vừa tham gia bán thực phẩm lưu động, đại diện Bưu điện TP.HCM cho biết đơn vị bán ra khoảng 20.000 trứng gia cầm cho mỗi đợt và có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân như tặng gạo, giao hàng miễn phí.

Người dân nô nức đi chợ trở lại

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện tại, TP.HCM đã khôi phục hoạt động 15 chợ truyền thống (chợ Bình Thới, Quận 11 mở từ ngày 3/10), 105/106 siêu thị và 2.847/3.101 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn hoạt động phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền tiếp tục hoạt động. Ban quản lý chợ thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc ra vào khu vực chợ đầu mối, người dân khai báo y tế, có test nhanh Covd-19 và quét mã QR.

Người dân miền Nam chủ động trong hoạt động mua bán - Ảnh 2
Các sạp hàng tại chợ Bình Thới được chuyển hẳn ra ngoài sân (Ảnh: Báo Lao Động)

Ngay khi chính quyền Thành phố nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 1/10, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã mở cửa cho người dân có “thẻ xanh Covid”, người dân chỉ cần khai báo y tế và thực hiện quy tắc 5K được vào mua hàng trực tiếp.

Riêng trong ngày chủ nhật (3/10), sức mua hàng tại các hệ thống siêu thị tăng 10% so với hôm trước đó (thứ bảy) và tăng hơn 35% so với ngày thường. Giá hàng hóa tại siêu thị, điểm bán hàng tiện lợi ổn định. Giá hàng bán online, các điểm bán bên ngoài giảm nhẹ so với trước đó do thêm nhiều điểm bán hàng, người dân mua hàng thuận lợi, chi phí giao hàng giảm.

Bộ Công Thương dự báo, thời gian tới, nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng cho các tháng cuối năm. Dự kiến năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 3-4% so với năm 2020 (thấp hơn so với mục tiêu 8%).

Cho nên, để duy trì ổn định siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống cần tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm trong những tháng cuối năm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ, găm hàng, nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh… tạo môi trường thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển.

Thu Hà (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Người dân miền Nam chủ động trong hoạt động mua bán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới