Chủ nhật, 24/11/2024 12:24 (GMT+7)
Thứ tư, 22/12/2021 10:00 (GMT+7)

Nhật Bản: Xử lý nước nhiễm xạ bằng đường hầm ngầm

Theo dõi KTMT trên

Ngày 21/12, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã lên kế hoạch xây dựng một đường hầm ngầm để xả khoảng 1,3 triệu tấn nước nhiễm xạ từ một thảm họa hạt nhân ra biển và đang chờ được cấp phép.

Thảm họa kép tại Nhật Bản 2011 khiến khoảng 1,3 triệu tấn nước nhiễm xạ

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (Fukushima Daiichi) - ngày 21/12 thông báo đã lên kế hoạch xây dựng một đường hầm ngầm để xả nước thải từ nhà máy nói trên ra biển và đang chờ được cấp phép.

Kế hoạch trên là một phần trong dự án xử lý nước nhiễm xạ tích lũy tại đây sau sự cố hạt nhân 10 năm về trước.

Ngày 11/3/2011, một trận động đất độ lớn 9,0 đã kéo theo sóng thần tàn phá vùng biển phía Đông Nhật Bản, làm tê liệt nhà máy hạt nhân Fukushima số 1 và gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sự cố Chernobyl vào năm 1986.

Hiện, khoảng 1,3 triệu tấn nước nhiễm xạ - một lượng đủ để lấp đầy khoảng 500 bể bơi có kích thước theo tiêu chuẩn Olympic - đang được lưu trữ trong các bể chứa lớn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Nhật Bản: Xử lý nước nhiễm xạ bằng đường hầm ngầm - Ảnh 1
Các bể chứa nước nhiễm xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Okuma, Fukushima, Nhật Bản ngày 21/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lượng nước này đã bị nhiễm xạ do tiếp xúc với nhiên liệu urani nóng chảy từ các lò phản ứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thảm họa kép động đất-sóng thần nói trên.

Theo TEPCO, việc lưu trữ lượng nước này tiêu tốn khoảng 100 tỷ Yen (tương đương 880 triệu USD) mỗi năm. Ngoài ra, không gian của các bể chứa cũng không còn nhiều khi tiếp tục có thêm nước mưa và nước ngầm chảy vào hàng ngày, do đó cần phải tiến hành xả thải ra đại dương.

Ông Junichi Matsumoto, đại diện của TEPCO cho biết lượng nước nhiễm xạ trong bể chứa sẽ được pha loãng tới hơn 100 lần cùng với nước biển, để đảm bảo rằng dư lượng phóng xạ nằm trong ngưỡng an toàn trước khi được bơm ra đường hầm để đến điểm xả thải nằm ở độ sâu 12 m dưới đáy biển, cách nhà máy khoảng 1 km.

Công tác xây dựng đường hầm dự kiến sẽ được triển khai vào tháng 3/2022, sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng.

Ngày 21/12, TEPCO đã trình bản kế hoạch cho cơ quan quản lý để được thông qua.

Nỗ lực xả nước thải nhiễm phóng xạ của Nhật Bản nhận được ủng hộ của các cơ quan chức năng quốc tế, nhưng lại khiến các nước láng giềng như Hàn Quốc và Trung Quốc quan ngại. Cư dân Nhật Bản sống gần khu vực nhà máy cũng lo lắng dự án này sẽ ảnh hưởng đến môi sinh của họ.

Ông Matsumoto cho biết, TEPCO sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này với các bên liên quan trước khi chính thức khởi công đường hầm trên.

Nước nhiễm xạ ở Fukushima có thể hủy hoại ADN người

Trong một báo cáo công bố ngày 23/10, tổ chức môi trường quốc tế Greenpeace cảnh báo nước nhiễm xạ tại Fukushima chứa carbon phóng xạ có khả năng làm hủy hoại ADN của con người.

Nhật Bản: Xử lý nước nhiễm xạ bằng đường hầm ngầm - Ảnh 2
1,23 triệu tấn nước lưu trữ ở nhà máy chứa lượng đồng vị phóng xạ carbon-14 và nhiều đồng vị độc hại ở mức nguy hiểm. (Ảnh: Năng lượng Việt Nam Online)

Theo Greenpeace, 1,23 triệu tấn nước lưu trữ ở nhà máy chứa lượng đồng vị phóng xạ carbon-14 và nhiều đồng vị độc hại ở mức nguy hiểm. Việc xả nước nhiễm xạ ra Thái Bình Dương có thể gây hậu quả nghiêm trọng về lâu dài cho cộng đồng và môi trường. Cụ thể, ngoài đồng vị tritium, nước làm mát tại Fukushima còn chứa đồng vị carbon-14.

Shaun Burnie – tác giả báo cáo đồng thời là chuyên gia hạt nhân cấp cao của tổ chức Greenpeace – cho biết tổng cộng 63,6GBq (gigabecquerels) đồng vị carbon-14 đang có trong các bể chứa. "Những hạt này cùng với các hạt nhân phóng xạ khác trong nước sẽ gây ra tổn hại về di truyền kéo dài đến nghìn năm sau", chuyên gia Burnie nhận xét.

Trả lời phỏng vấn kênh CNN, Ryounosuke Takanori – người phát ngôn Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) – cho rằng, nồng độ carbon-14 có trong nước đã qua xử lý dao động trong khoảng 2 đến 220 becquerels/lít. "Ngay cả khi mỗi người uống liên tục 2 lít nước mỗi ngày, mức phơi nhiễm hàng năm rơi vào khoảng 0,001 đến 0,11 milisieverts. Đây không phải là mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe".

Phát ngôn viên Takanori khẳng định, TEPCO sẽ tiến hành xử lý thứ cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn quy định về xả thải nước nhiễm xạ cũng như giảm thiểu càng nhiều càng tốt các hạt đồng vị phóng xạ nguy hại như carbon-14.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nhật Bản: Xử lý nước nhiễm xạ bằng đường hầm ngầm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới