Chủ nhật, 24/11/2024 08:42 (GMT+7)
Thứ ba, 05/10/2021 14:15 (GMT+7)

Nhiệt độ nước biển ngày càng tăng nhanh do biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Dữ liệu trong hàng chục năm quan sát hiện tượng ánh sáng phản chiếu từ Trái Đất làm sáng bề mặt Mặt Trăng cho thấy nước biển ấm lên nhanh chóng và số lượng mây ít đi làm giảm độ phản xạ ánh sáng của Trái Đất.

Một nghiên cứu vừa được xuất bản trên tạp chí Geophysical Research Letters ngày 3/10 cho thấy, sau khi sử dụng dữ liệu trong hàng chục năm quan sát hiện tượng ánh đất (earthshine) - ánh sáng phản chiếu từ Trái Đất làm sáng bề mặt Mặt Trăng, kết hợp với dữ liệu vệ tinh và phát hiện độ phản xạ của Trái Đất giảm trong hai thập kỷ qua, các nhà khoa học đã nhận thấy mối liên hệ mật thiết giữa biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển nóng lên.

Theo đó, Trái Đất hiện phản xạ ít hơn khoảng 0,5 watt ánh sáng trên mỗi m2 so với 20 năm trước, phần lớn sự sụt giảm này diễn ra trong ba năm cuối của kho dữ liệu về ánh đất. Điều này tương đương với độ phản xạ của Trái Đất giảm 0,5%. Thông thường, Trái Đất phản xạ khoảng 30% ánh sáng Mặt Trời chiếu tới.

Nhiệt độ nước biển ngày càng tăng nhanh do biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Hiện tượng nước biển nóng lên đang xảy ra với tần suất và cường độ cao hơn do biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa).

Hai yếu tố ảnh hưởng đến lượng ánh nắng cuối cùng chạm tới Trái Đất là độ sáng của Mặt Trời và độ phản xạ của hành tinh. Thay đổi trong độ phản xạ của Trái Đất mà nhóm nghiên cứu quan sát được không tương ứng với những thay đổi định kỳ về độ sáng của Mặt Trời. Điều này đồng nghĩa rằng sự thay đổi về độ phản xạ do chính yếu tố nào đó trên Trái Đất gây ra.

Cụ thể, những đám mây có tính phản xạ tốt và lơ lửng ở độ cao thấp phía trên khu vực Đông Thái Bình Dương đang giảm trong vài năm gần đây, theo dữ liệu vệ tinh thuộc dự án CERES của NASA. Tại khu vực này, các dữ liệu chứng minh cho thấy nhiệt độ mặt biển đang tăng lên, có khả năng liên quan đến biến đổi khí hậu.

Sụt giảm độ phản xạ cũng khiến hệ thống khí hậu của Trái Đất giữ lại nhiều năng lượng Mặt Trời hơn. Khi tích tụ trong khí quyển và đại dương, phần năng lượng bổ sung này có thể góp phần làm nghiêm trọng thêm tình trạng ấm lên toàn cầu.

Các nhà khoa học cũng dự báo về nhiệt độ nước biển dựa trên 2 kịch bản là đến năm 2100, nhiệt độ Trái Đất tăng dưới 2 độ C theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và tăng 3,5 độ C. Theo nghiên cứu, số ngày xảy ra hiện tượng nước biển nóng lên tăng từ khoảng 33 ngày hiện tại lên lần lượt 84 và 150 ngày nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 2 độ C và 3,5 độ C.

Khu vực có các điểm nóng đại dương vốn tăng gấp 3 lần, được dự báo sẽ tăng lần lượt 9 và 21 lần theo kịch bản 2 độ C và 3,5 độ C. Số ngày trung bình xảy ra hiện tượng nước biển nóng lên cũng sẽ kéo dài hơn, từ 25 ngày hiện nay lên 55 ngày nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2 độ C và 112 ngày nếu nhiệt độ tăng thêm 3,5 độ C.

Nghiên cứu cho rằng hiện tượng nước biển nóng lên cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng đại dương hấp thu các khí nhà kính. Đến nay, các đại dương đã hấp thu hơn 90% lượng nhiệt do biến đổi khí hậu mà con người gây ra. Nếu không nhờ khả năng này của đại dương, nhiệt độ không khí sẽ cao hơn 10 độ C.

Linh Chi (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Nhiệt độ nước biển ngày càng tăng nhanh do biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới