Chủ nhật, 24/11/2024 08:23 (GMT+7)
Thứ bảy, 13/03/2021 09:28 (GMT+7)

Nhiều chính sách cho vùng đất dễ tổn thương

Theo dõi KTMT trên

UNDP đánh giá cao nhiều chính sách quan trọng đã được Chính phủ Việt Nam đưa ra để giúp ĐBSCL - một trong những vùng dễ bị tổn thương nhất ở Việt Nam vượt qua những tác động tiêu cực của BĐKH.

Đó là chia sẻ của bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về vấn đề BĐKH tại khu vực ĐBSCL.

Nhiều lần đến thăm ĐBSCL, nơi sinh sống của 20 triệu người, bà Caitlin Wiesen đánh giá, ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam và đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực không chỉ của Việt Nam mà còn của các nước láng giềng trong khu vực. Tuy nhiên, theo bà Caitlin Wiesen, ĐBSCL là một trong những vùng dễ bị tổn thương nhất ở Việt Nam.

“Tại khu vực, các loại hình BĐKH diễn ra rất phức tạp, từ xâm nhập mặn, lốc xoáy, lũ lụt, hạn hán, đến nước biển dâng” - Bà Caitlin Wiesen cho biết.

Theo các nghiên cứu do Chính phủ Việt Nam, UNDP và các đối tác khác thực hiện về việc xem xét một số kịch bản BĐKH tương lai, ước tính rằng 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị nhấn chìm dưới mặt nước vào năm 2100, ảnh hướng tới 55% dân số tại khu vực này.

Trưởng Đại diện Thường trú UNDP đánh giá cao những biện pháp mà Chính phủ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triển khai để giúp ĐBSCL vượt qua những tác động tiêu cực của BĐKH. Nhiều chính sách quan trọng đã được đưa ra, trong đó có Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH và thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL nhằm xử lý các vấn đề quản trị phức tạp ở ĐBSCL.

Nhiều chính sách cho vùng đất dễ tổn thương - Ảnh 1

UNDP đã tham gia phục hồi và tái sinh khoảng 3.000 ha rừng ngập mặn.

Để đối phó với vấn đề BĐKH trong thời gian tới, bà Caitlin Wiesen cho rằng, Việt Nam cần xem xét quy hoạch và quản trị tích hợp các nguồn lực, không phải từ một huyện hay một vùng trong ĐBSCL mà huy động sự tham gia của tất cả các bên.

Trưởng Đại diện Thường trú UNDP cũng đề cập tới việc phát triển hệ thống thông báo rủi ro cũng như huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc ứng phó với BĐKH.

“Cộng đồng tại tuyến đầu và khu vực tư nhân là những đối tượng đầu tiên chịu tác động của BĐKH. Họ cần tham gia vào xây dựng Quy hoạch tổng thể ĐBSCL cho các giai đoạn” - Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Theo một nghiên cứu do UNDP phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, ước tính khu vực tư nhân đầu tư tới 32 tỉ USD vào ĐBSCL trên nhiều lĩnh vực, từ năng lượng tái tạo cho đến nông nghiệp, chế biến thực phẩm và các lĩnh vực khác.

“Tuy nhiên, khu vực tư nhân cần được cho phép đầu tư theo hướng vừa thúc đẩy sự phát triển của họ vừa mang lại lợi ích cho người dân địa phương” - Bà Caitlin Wiesen khuyến nghị. Bên cạnh đó, theo bà, nông nghiệp thông minh, trí tuệ nhân tạo và những công cụ có sẵn khác có thể mang lại lợi ích cho các cộng đồng địa phương theo hướng phát triển xanh hơn, bền vững hơn và có khả năng phục hồi.

Chia sẻ về những thành công chính trong mô hình hợp tác giữa UNDP và Chính phủ Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cho biết, UNDP rất vinh dự làm việc cùng với Chính phủ Việt Nam, các đối tác phát triển, tổ chức phi Chính phủ và người dân địa phương để giải quyết những thách thức BĐKH ở ĐBSCL.

UNDP đã thực hiện một số nghiên cứu phân tích về thủy văn, lập bản đồ, dự báo và lập kế hoạch tích hợp để giữ nước tại khu vực này.

Về quản lý thiên tai, UNDP phối hợp rất chặt chẽ với Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) trong năm 2016 và gần đây nhất là năm 2020 để giải quyết các tác động của xâm nhập mặn và hạn hán nghiêm trọng.

UNDP đã cung cấp bồn nước và nước uống, cũng như nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hơn 6.000 hộ dân ở ĐBSCL và hỗ trợ sinh kế cho hơn 300.000 người bị ảnh hưởng do BĐKH. Thêm vào đó, UNDP đã làm việc cùng với Tổng cục Phòng chống thiên tai trong việc tìm kiếm các giải pháp dài hạn để thích ứng với BĐKH.

Tại ĐBSCL, trong những năm qua, UNDP đã tham gia phục hồi và tái sinh khoảng 3.000 ha rừng ngập mặn để bảo vệ cộng đồng, sinh kế của người dân địa phương khỏi triều cường. Đây là một vùng đệm quan trọng khi có bão hoặc nước biển dâng.

Đối với các chính sách dài hạn, UNDP liên tục cập nhật và xem xét tình trạng dễ bị tổn thương cùng với bản đồ thủy văn và xem xét sự cân bằng cần có giữa một mặt là giữ nước, mặt khác là quản lý lũ lụt theo cách đưa ra các giải pháp tích hợp.

“UNDP cũng đang phối hợp rất chặt chẽ với cộng đồng địa phương, chính quyền cấp tỉnh và các đối tác để tăng cường quản trị khu vực. Đây là một trong những cách quan trọng nhất để cải thiện tình trạng này, nhằm phát triển bền vững ĐBSCL” - Trưởng Đại diện UNDP cho biết.

Bà Caitlin Wiesen cũng cho rằng, cần có kế hoạch đầu tư vì người nghèo và xem xét những cách thức sáng tạo hơn để có sự tham gia của khu vực tư nhân, xem xét các công nghệ khí hậu thông minh, tích hợp chúng với nông nghiệp, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc trong sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hoạt động kinh doanh của họ theo chuỗi cung ứng xanh và sạch.

Thêm vào đó, UNDP đang tập trung vào việc xem xét thúc đẩy nguồn sáng tạo cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và vừa. Hướng tới sự phát triển bền vững và bao trùm của ĐBSCL, cần đảm bảo rằng những người đang chịu các tác động của BĐKH sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển ở tương lai, trong bối cảnh của Quy hoạch tổng thể mới cho ĐBSCL từ năm 2021 đến năm 2030.

Thùy Dung

Bạn đang đọc bài viết Nhiều chính sách cho vùng đất dễ tổn thương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới