Nhiều công trình thuỷ điện Hà Giang vi phạm, ngang nhiên khai thác 'chui' hồ nước?
Báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ ra hàng loạt tồn tại của các nhà máy thủy điện như: vận hành phát điện nhưng chưa có giấy phép khai thác nước mặt, không duy trì dòng chảy tối thiểu; chưa phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp... gây lo ngại về rủi ro an toàn vận hành nhà máy.
Theo báo cáo số 522/BC-UBND về tình hình thực hiện các dự án thủy điện vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ký ban hành ngày 3/12/2019, tỉnh Hà Giang hiện có 32 nhà máy thuỷ điện đang phát điện vào lưới điện quốc gia, với tổng công suất lắp máy là 634,8 MW. Việc vận hành các nhà máy thuỷ điện này đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho Hà Giang và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, hiện có hàng chục công trình thủy điện ở Hà Giang, dù đã hòa lưới điện quốc gia nhiều năm, nhưng vẫn thiếu hàng loạt giấy tờ pháp lý, cũng như mắc vào các vi phạm trong hoạt động điện lực.
Báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ ra hàng loạt tồn tại của các nhà máy thủy điện như: không duy trì dòng chảy tối thiểu; không cắm mốc giới; chưa phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; chưa lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát khai thác tài nguyên nước. Nhiều nhà máy thuỷ điện đã đi vào vận hành phát điện nhưng chưa có giấy phép khai thác nước mặt…
Nhà máy thủy điện Nho Quế 3 đã vận hành được 8 năm nhưng vẫn chưa phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp (Ảnh: Tâm Am/Lao động) |
Có thể kể đến một loạt các nhà máy thủy điện đã đi vào vận hành, phát điện nhưng chưa có giấy phép khai thác nước mặt, gồm: Nậm Mạ 1, Sông Chảy 5, Thanh Thủy 1, Thanh Thủy 2, Suối Sửu 1.
Ngay cả những nhà máy thủy điện có công suất lắp máy lớn như Nhà máy thủy điện Thái An (82 MW); Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3 (110 MW) cùng phát điện từ năm 2012 nhưng đến nay cũng chưa phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; không duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập theo quy định.
Trong đó, Nhà máy thuỷ điện Nho Quế 3 do Công ty TNHH 1 Thành viên Thuỷ điện Nho Quế 3 đầu tư, với mức vốn gần 2.296 tỉ đồng và bắt đầu phát điện từ năm 2012. Qua rà soát, UBND tỉnh Hà Giang cho biết dự án Nho Quế 3 về cơ bản đã thực hiện theo quy định, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại như: nhà máy chưa duy trì xả dòng chảy tối thiểu sau đập theo quy định của giấy phép đã được phê duyệt, chưa phê duyệt phương án phó với tình huống khẩn cấp trong 7 năm vận hành nhà máy.
Trong khi đó, Nhà máy thuỷ điện Nho Quế 2 (công suất 48MW) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Nho Quế đầu tư từ năm 2008. Với mức vốn 1.709,2 tỉ đồng, công trình này đã phát điện từ năm 2012. Nhưng suốt 7 năm vận hành nhà máy, đến thời điểm rà soát, Nhà máy thuỷ điện Nho Quế 2 vẫn chưa được phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Nhà máy thuỷ điện Nho Quế 1 do Công ty cổ phần Điện Nho Quế 1 đầu tư từ năm 2008, với mức vốn 1.076,4 tỉ đồng đã chính thức phát điện lên lưới điện quốc gia năm 2017. Thế nhưng, nhà máy này lại chưa thực hiện kiểm tra, đánh giá thiết bị an toàn đập, chưa điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai và tình huống khẩn cấp theo quy định pháp luật...
Nhà máy thuỷ điện Nho Quế 1 chưa điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai và tình huống khẩn cấp theo quy định pháp luật... |
Có tổng mức vốn đầu tư "khủng" tới 2.394,4 tỉ đồng, Nhà máy thủy điện Bắc Mê (công suất lắp máy 45MW) dù là nhà máy thuỷ điện nhỏ nhưng cũng mắc hàng loạt sai phạm như chưa bàn giao mốc chỉ giới vùng phụ cận cho địa phương, chưa cắm mốc giới vùng lòng hồ; chưa thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn đầy đủ. Đây cũng là thủy điện gây ra vụ xả nước bất ngờ làm sạt lở nhiều nhà dân và quốc lộ 34 vào ngày 31/12/2018.
Một số dự án có mức đầu tư từ vài trăm tỉ đến hàng nghìn tỉ đồng đều bị chỉ ra hàng loạt vi phạm, như chưa thực hiện kiểm tra đánh giá thiết bị an toàn đập, chưa thực hiện quan trắc công trình đập, hồ chứa nước, chưa đảm bảo các nội dung theo quy định như Sông Chừng, Sông Lô 4, Nậm Mạ 1, Sông Con 2…
Việc tích nước để phát điện mà không tuân thủ việc duy trì dòng chảy đã dẫn đến hiện tượng những đoạn sông, suối bị trơ đáy. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Chia sẻ báo chí, ông Lục Quang Hùng, đại diện chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thanh Thủy 1 và Thanh Thủy 2 cho biết, nhà máy đã phát điện vào năm 2011 nhưng Nghị định về vấn đề khai thác nước mặt ra đời sau thời điểm đó. Doanh nghiệp đã hoàn thiện bổ sung hồ sơ về việc này và hồ sơ vẫn đang trình Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh sản xuất thuỷ điện phải có giấy phép khai thác nước mặt, trong đó quy định phải duy trì dòng chảy tối thiếu phía sau thân đập, để đảm bảo nguồn nước cho hạ du. Việc tự tích nước để phát điện của doanh nghiệp mà không tuân thủ việc duy trì dòng chảy sẽ dẫn đến thay đổi dòng chảy, những đoạn sông, suối trơ đáy, người dân thiếu nước, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng... Đây cũng là tình trạng xảy ra phổ biến ở nhiều đoạn sông trên địa bàn tỉnh Hà Giang, nhất là sông Lô, sông Miện… Đáng nói hơn, việc doanh nghiệp đã đi vào phát điện, bán điện thu tiền nhưng chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước mặt là hành vi khai thác tài nguyên gần như trái phép. Bởi, thực tế này có thể dẫn đến việc gian lận trong việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế, phí tài nguyên, cũng như “ăn gian” sản lượng. |
Theo quy định hiện hành, các nhà máy thuỷ điện được bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì phải đảm bảo đầy đủ các giấy tờ pháp lý, như: giấy phép xây dựng, giấy phép hoạt động khai thác nước mặt, báo cáo tác động môi trường, kết quả quan trắc hàng năm (quan trắc không khí, quan trắc mặt nước, quan trắc cao trình)... Nhà máy thuỷ điện cũng phải được UBND tỉnh phê duyệt phương án phòng, chống lũ lụt hàng năm. Sau khi khắc phục hoàn thiện đầy đủ, thì doanh nghiệp mới được cấp giấy phép.
Thế nhưng, trong khi hàng loạt nhà máy thuỷ điện vẫn có thiếu nhiều thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về các điều kiện cần thiết để khai thác vận hành và kinh doanh bán điện, nhưng doanh nghiệp vẫn được bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam là điều khó hiểu. Rõ ràng, hoạt động vận hành nhà máy, khai thác nguồn tài nguyên nước khi còn nhiều tồn tại, vi phạm không chỉ gây rủi ro mất an toàn, ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, mà có thể dẫn tới hệ luỵ khôn lường khi xảy ra thảm hoạ thiên tai.
Dưới đây là danh sách các dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Hà Giang, trong đó chỉ rõ hàng loạt sai phạm đang tồn tại của các dự án:
Mai Anh