Chủ nhật, 24/11/2024 08:44 (GMT+7)
Thứ sáu, 26/03/2021 14:38 (GMT+7)

Nhiều đợt nắng nóng chết người sẽ xảy ra ở Nam Á

Theo dõi KTMT trên

Theo Liên minh Địa vật lý Mỹ, các đợt nắng nóng gây chết người ở Nam Á có thể xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai nếu không kiểm soát được tình trạng ấm lên toàn cầu.

Theo một nghiên cứu của Liên minh Địa vật lý Mỹ công bố trong tuần này, các đợt nắng nóng gây chết người ở Nam Á có thể xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai nếu không kiểm soát được tình trạng ấm lên toàn cầu, với nguy cơ tình trạng nền nhiệt ở mức gây chết người ở khu vực này có thể tăng gần gấp 3 lần.

Nhiều đợt nắng nóng chết người sẽ xảy ra ở Nam Á - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng nguy cơ này có thể giảm một nửa nếu các nước trên thế giới đáp ứng mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.   

Trong một tuyên bố, nhà khoa học về khí hậu Moetasim Ashfaq thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (Mỹ), tác giả nghiên cứu, nêu rõ: "Tương lai dường như không sáng sủa cho Nam Á, nhưng có thể tránh được điều tồi tệ nhất bằng cách kiềm chế sao cho mức tăng nhiệt độ Trái Đất càng thấp càng tốt".

Theo ông, với nhiệt độ Trái Đất đã tăng hơn 1 độ C, khu vực này không có sự lựa chọn nào khác là phải tập thích nghi ngay từ bây giờ chứ không phải trong tương lai.

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, để hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng dưới 2 độ C, lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất ấm lên vào năm 2030 phải giảm khoảng 45% so với mức của năm 2010. Đây là mục tiêu cao hơn trong Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.

Đến nay, nhiều nghiên cứu đều cho rằng con người đã sử dụng quá mức các loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt, phát thải khí CO­2 hoặc phá hủy các bể hấp thụ khí CO­2 từ khí quyển (mất rừng, thảm thực vật) làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Quá trình tác động của con người đã làm cho tốc độ nóng lên toàn cầu diễn ra nhanh hơn nhiều so với sự biến đổi một cách tự nhiên. Do đó, để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, trước tiên phải giảm phát thải CO2 vào khí quyển.

Tuy nhiên, một báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) công bố hồi tháng trước cho biết theo các kế hoạch cập nhật về giảm khí thải mà ít nhất 75 quốc gia đã đệ trình trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ (COP-26) vào tháng 11 tới, hầu như không có tiến triển trong việc cắt giảm mạnh lượng khí thải cần thiết để đáp ứng được mục tiêu giảm lượng khí thải toàn cầu.

Nghiên cứu mới đã sử dụng mô phỏng về khí hậu và ước lượng mức tăng trưởng dân số để đưa ra dự báo số người có thể gặp nguy cơ căng thẳng về nhiệt khi nhiệt độ Trái Đất tăng từ 1,5-2 độ C.

Nghiên cứu cũng xem xét "nhiệt độ bầu ướt", được xác định bằng nhiệt kế có bầu thủy ngân được thấm ướt nước để ước tính ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm và phản ánh chính xác những gì con người trải qua vào một ngày nóng nực.

Các chuyên gia y tế và các nhà khoa học cho rằng ở nhiệt độ bầu ướt 32 độ C là không an toàn đối với người lao động và khi lên đến 35 độ C, cơ thể không còn có thể tự làm mát.

Nếu nhiệt độ Trái Đất ấm lên 2 độ C, số người ở Nam Á phơi nhiễm mức nhiệt không an toàn có thể tăng gấp 2 lần, thậm chí gần gấp 3 lần khi nhiều người phải chống chọi với nắng nóng chết người.

Tại khu vực Nam Á, nơi sinh sống của 1/4 dân số thế giới, các đợt nắng nóng có thể ảnh hưởng lớn tới năng suất lao động của người nông dân tại các vùng trồng ngũ cốc như bang Tây Bengal và Uttar Pradesh ở Ấn Độ, bang Punjab và Sindh ở Pakistan.

Trong khi đó, tại các thành phố chật chội đông đúc như Karachi, Kolkata, Mumbai và Peshawar, người lao động cũng có thể bị ảnh hưởng, nhất là những người không có khả năng mua máy điều hòa nhiệt độ.

Pakistan và Ấn Độ đã hứng chịu các đợt nắng nóng gây chết người, trong đó một đợt nắng nóng vào năm 2015 đã khiến khoảng 3.500 người tử vong.

Việt Nam nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Là quốc gia chịu nhiều tác động, Việt Nam đang thể hiện nỗ lực cao nhất trong góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu.

Sau 5 năm nỗ lực thực hiện, Việt Nam là 1 trong 20 nước đầu tiên trên thế giới cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong đó, Việt Nam đề ra cam kết cao hơn và nêu rõ trách nhiệm thực hiện NDC của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện NDC.

Theo ThS.Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, so với NDC đầu tiên năm 2015, bản NDC cập nhật có 2 điểm mới nổi bật về nội dung và cách làm. Nội dung bản cập nhật bao gồm 3 hợp phần chính: Giảm nhẹ, thích ứng và đồng lợi ích. 

Theo đó,về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong trường hợp quốc gia tự thực hiện, lượng giảm phát thải khí nhà kính tăng thêm 21,2 triệu tấn CO2 tương đương (từ 62,7 triệu tấn lên 83,9 triệu tấn) và tương ứng với tỉ lệ giảm phát thải tăng thêm 1% (từ 8% lên 9%). Mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khi có hỗ trợ quốc tế tăng từ 25% lên 27% và lượng giảm phát thải khí nhà kính tăng 52,6 triệu tấn CO2 tương đương (từ 198,2 triệu tấn lên 250,8 triệu tấn).

Tuy mức đóng góp bằng nguồn lực trong nước tăng 1% nhưng giảm lượng phát thải gần bằng 35% của tổng mức đóng góp giảm phát thải trong NDC năm 2015.

Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít các nước tăng mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật. 

Đáng chú ý, các hoạt động của Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá cao thông qua những báo cáo, chương trình ngay sau khi Việt Nam trình bản NDC cập nhật.

Đặc biệt, bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành UNFCCC và ông Pablo Vieira, Giám đốc Tổ chức Đối tác NDC đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ TN&MT về đánh giá cao tình hình cập nhật NDC của Việt Nam. “Việt Nam đã hoàn thành việc rà soát, cập nhật NDC theo Quyết định của COP21 trong bối cảnh phức tạp đầy thách thức do đại dịch Covid-19. Đặc biệt, Việt Nam đã nâng cao đóng góp ứng phó với biến đổi khí hậu thể hiện trong NDC cập nhật”- bà Patricia Espinosa cho biết.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Việt Nam luôn tăng cường đóng góp trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và mong muốn các quốc gia và các đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ và tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện NDC cập nhật vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước góp phần thực hiện các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

“Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các chiến lược, kế hoạch và các hành động cụ thể; ví dụ như giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đẩy mạnh phát triển năng lược tái tạo, phát triển tài chính xanh và thị trường carbon trong tương lai. Những nỗ lực này sẽ góp phần thực hiện NDC cập nhật từ năm 2021” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngọc Ánh

Bạn đang đọc bài viết Nhiều đợt nắng nóng chết người sẽ xảy ra ở Nam Á. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới