Nhiều khuất tất trong triển khai đầu tư xây dựng các khu - tuyến công nghiệp tỉnh Vĩnh Long
Chủ trương thành lập các khu - tuyến công nghiệp ở Vĩnh Long nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Thế nhưng trong quá trình triển khai tại địa bàn đã gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đền bù giải tỏa, thu hồi đất trái luật, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài. Ðó là câu chuyện đã hơn 10 năm qua chưa được giải quyết triệt để tại khu công nghiệp (KCN) Bình Minh và tuyến công nghiệp (TCN) Cổ Chiên, tỉnh Vĩnh Long.
Thu hồi đất của dân chưa thuyết phục
Nơi gây bức xúc và khiếu kiện kéo dài trong thời gian qua là KCN Bình Minh thuộc xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh. Ðược triển khai từ năm 2001, KCN được xem là khu đất vàng bởi địa thế nằm bên bờ sông Hậu, cạnh cầu Cần Thơ về phía hạ lưu với diện tích hơn 163 ha, trong đó, hơn 158,6 ha đất nông nghiệp, gần 2 ha đất thổ cư và 2,62 ha đất khác… Khi triển khai dự án KCN Bình Minh có 680 tổ chức, hộ gia đình bị giải tỏa, thu hồi đất. Theo ông Huỳnh Minh Truyền - người có hơn 10.000 m2 đất bị thu hồi, người dân ủng hộ việc thành lập KCN vì sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, người dân nhận thấy có nhiều bất thường. Cụ thể, UBND tỉnh Vĩnh Long không thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thu hồi đất nhưng sử dụng không đúng mục đích ban đầu, xuất hiện hiện tượng phân lô bán nền của nhà đầu tư không phù hợp với quy định của pháp luật, đơn giá đền bù thấp… Bức xúc nhất là khi mang đơn đi khiếu nại, các lý lẽ của người dân đều không được các cơ quan chức năng và tòa án xem xét. Mặc dù Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm ở KCN Bình Minh nhưng vẫn bị phớt lờ.
Theo nhiều hộ dân có đất bị giải tỏa trong KCN Bình Minh, tất cả các văn bản của UBND tỉnh Vĩnh Long thể hiện trên giấy tờ cũng như trong quy định đều chưa thuyết phục. Theo đó, ngày 19/3/2001, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 581/QÐ-UB thành lập Hội đồng để thực hiện công tác đền bù, GPMB xây dựng KCN Bình Minh. Trong quá trình áp giá đền bù, bố trí tái định cư đã phát sinh khiếu kiện của người dân do chính quyền tại đây chưa công bố Quyết định đủ tính pháp lý để thu hồi đất. Phải đến ngày 8/7/2004, UBND tỉnh Vĩnh Long mới có Quyết định số 2016/QÐ-UB thu hồi và giao hơn 163 héc-ta đất tại huyện Bình Minh (nay là thị xã Bình Minh) cho Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Long để xây dựng KCN. Người dân tiếp tục khiếu kiện vì thu hồi đất của dân làm KCN nhưng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chi tiết… Tiếp sau đó, ngày 26/12/2007, Thanh tra Chính phủ đã có Báo cáo số 2746 gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra việc giải quyết khiếu nại của 52 hộ dân liên quan đến KCN Bình Minh. Trong đó nêu rõ: Ngày 6/9/2000, Công ty Lumeka Trading (Xin-ga-po) có văn bản xin đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Bình Minh theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Vĩnh Long có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư xin chủ trương quy hoạch chi tiết và lập dự án khả thi KCN Bình Minh theo hình thức 100% vốn nước ngoài do Công ty Lumeka Trading làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, ngày 27/8/2003, Công ty Lumeka Trading có văn bản từ chối không thực hiện dự án đầu tư KCN Bình Minh.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Vĩnh Long có nhiều văn bản xin thay đổi hình thức đầu tư. Mặc dù đã được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư hướng dẫn cụ thể nhưng UBND tỉnh Vĩnh Long không thực hiện. Chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án và quyết định đầu tư nhưng UBND tỉnh Vĩnh Long đã tự quyết định thay đổi hình thức đầu tư và tự quyết chọn nhà đầu tư trong nước. Ðiều đáng nói, trước khi xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi hình thức đầu tư, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có Văn bản số 538/UB ngày 5/4/2003, chấp nhận cho Công ty Hoàng Quân đầu tư vào KCN Bình Minh. Như vậy, việc xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chỉ là hình thức, hợp thức hóa chuyện "đã rồi". Nghiêm trọng hơn, ngày 8/7/2007, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành hai quyết định: Quyết định 2016/QÐ-UB thu hồi đất và giao cho Ban Quản lý các KCN tỉnh để xây dựng KCN Bình Minh và Quyết định 2017/QÐ-UB thu hồi đất của Ban Quản lý các KCN tỉnh (được giao tại QÐ 2016) giao cho Công ty Hoàng Quân để xây dựng khu nhà ở phục vụ KCN. Thực chất, đây là một dự án độc lập với dự án KCN Bình Minh nhưng lại nằm trên diện tích đất đã giao cho Ban Quản lý KCN tỉnh. Việc tách gần 30 ha từ đất làm KCN ra để xây dựng khu đô thị mới khi chưa được phép của Thủ tướng Chính phủ là trái với quy định của Luật Ðất đai năm 2003.
Ðất của dân, chưa thu hồi đã cấp cho DN
Không chỉ có KCN Bình Minh, Dự án TCN Cổ Chiên (xã Thanh Ðức, huyện Long Hồ và xã Mỹ An, huyện Mang Thít) cũng xảy ra nhiều khuất tất gây bức xúc trong nhân dân. Ðược phê duyệt tổng thể có bảy khu chức năng, tuy nhiên, từ năm 2003 đến nay, mới có hai khu (4 và 5) được triển khai xây dựng với diện tích hơn 46 ha, ảnh hưởng hơn 300 hộ dân sinh sống. Và sau hơn 15 năm triển khai, nơi đây chỉ có lác đác vài doanh nghiệp (DN), nhiều nơi bị bỏ hoang, cỏ dại cao lút đầu người. Nhìn lên trần nhà xập xệ, thủng lỗ chỗ, ông Quan Tứ Cao (60 tuổi) cho biết, gia đình hiện có 10 người sinh sống, mỗi ngày phải chui vào chui ra căn nhà mục nát này, không biết lúc nào sập. Ðã hơn 15 năm qua, người dân mệt mỏi lặn lội khắp nơi đi tìm công lý nhưng vô vọng. Ðã vậy, trong tháng 8 vừa qua, người dân lại phải đối mặt với một vụ kiện liên quan đến việc tranh chấp Quyền sử dụng đất giữa Công ty TNHH một thành viên Biofeed 2 (gọi tắt là Công ty Biofeed 2) với Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân. Qua làm việc, mới vỡ lẽ đất hương hỏa của người dân đã và đang sinh sống mấy đời nay chưa được thu hồi nhưng cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long đã giao cấp cho Công ty Biofeed 2.
Qua tìm hiểu, trong khi người dân đang khởi kiện quyết định hành chính của UBND tỉnh Vĩnh Long, năm 2011, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long đã cấp Quyền sử dụng đất cho Công ty Biofeed 2 với diện tích hơn 3 ha tại TCN Cổ Chiên để thực hiện dự án nhà máy chế biến thức ăn thủy sản và nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Ðiều đáng nói là trong phần đất cấp cho Công ty Biofeed 2 đã bao gồm cả phần đất của những hộ dân đang khởi kiện (có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp). Sau khi được cấp sổ đỏ khu đất nêu trên, Giám đốc Công ty Biofeed 2 Trương Thanh Phương không triển khai thực hiện dự án mà đem thế chấp ngân hàng để vay một triệu USD. Từ đó đến nay, vẫn không thấy ông Phương triển khai xây dựng dự án như cam kết ban đầu. Và hiện ông Phương đã bị Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân khởi kiện ra TAND thành phố Vĩnh Long vì mất khả năng thanh toán. Tổng số nợ gốc và lãi của Công ty Biofeed 2 đến ngày 12/3/2019 lên đến hơn 1,707 triệu USD.
Theo phản ánh của người dân nơi đây, ngày 16/10/2003, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 3565/QÐ-UB về việc phê duyệt phương án đền bù, GPMB xây dựng khu 4, TCN Cổ Chiên. Tiếp đến ngày 9/4/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định 908/QÐ-UB để thu hồi hơn 30 ha đất tại xã Thanh Ðức, huyện Long Hồ và xã Mỹ An, huyện Mang Thít cho Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Long quản lý để xây dựng khu 4 TCN Cổ Chiên. Tuy nhiên, Quyết định này kèm theo danh sách dự kiến thu hồi và lý do thu hồi để làm KCN chứ không phải TCN như tên gọi. Phải đến ngày 18/3/2008, tức bốn năm sau, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long mới ban hành Quyết định số 437/QÐ-UB thống nhất bảng tổng hợp danh sách các trường hợp thu hồi đất theo các quyết định nêu trên. Ông Quan Nhựt Linh, người dân sống trong TCN Cổ Chiên bức xúc cho biết: Do Quyết định 908/QÐ-UB của UBND tỉnh Vĩnh Long thu hồi làm KCN cho nên chúng tôi yêu cầu phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng không có, trong khi đó, người dân không hề nhận được bất cứ quyết định thu hồi cá nhân nào. UBND huyện Long Hồ đã cho lực lượng đến cưỡng chế, đốn cây cối vườn tược của người dân và bơm cát vào, khiến cuộc sống của chúng tôi càng khó khăn hơn. Sở Tài nguyên và Môi trường cấp sổ đỏ cho Công ty Biofeed 2 trên phần đất của chúng tôi đang ở là đúng hay sai? Còn theo Trưởng phòng Quy hoạch xây dựng và môi trường Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Long Trương Văn Tuấn, ngay từ đầu triển khai áp giá bồi thường GPMB, người dân cho rằng quá rẻ cho nên không nhận đền bù, dẫn đến khu vực này giải tỏa chậm, doanh nghiệp vì thế không thực hiện dự án, xây nhà xưởng. Doanh nghiệp chờ đất, còn dân khiếu kiện chờ bồi thường là những vấn đề nóng nhất hiện chưa được giải quyết.