Nhiều người dân chưa chấp hành quy định chống dịch
Việc TP.HCM phát hiện nhiều ca dương tính Covid-19 không đáng lo ngại bằng việc có nhiều ca F0 đang ở trong cộng đồng mà chưa được phát hiện.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM phát đi, trong ngày 14/7 thành phố ghi nhận 2.229 trường hợp mới nhiễm Covid-19 (trong đó 1.891 ca tiếp xúc được truy vết, đã cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa và 338 ca đang điều tra dịch tễ), nâng tổng số bệnh nhân trong đợt dịch thứ 4 lên con số 18.802 bệnh nhân.
Nói về việc TP.HCM phát hiện ra hàng nghìn ca dương tính Covid-19 mỗi ngày, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn cho rằng, đây là điều không có giá quá lo lắng. Bởi chúng ta không sợ phát hiện ra nhiều F0 trong cộng đồng, mà chỉ sợ có nhiều F0 trong cộng đồng mà ta không phát hiện ra.
Hiện TP.HCM đang triển khai cho các bệnh nhân F0 không triệu chứng cách ly tại nhà. Vấn đề này cũng đã được Bộ Y tế chấp thuận.
Điều này khiến nhiều người lo ngại, việc để F0 sẽ dẫn tới khó kiểm soát. Bác sĩ Trần Sĩ Tuấn bày tỏ, đưa F0 vào bệnh viện là cắt đứt nguồn lây, đảm bảo an toàn cho cộng đồng trong điều kiện nước ta nhà cửa chật chội, nhiều thế hệ sống chung trong một ngôi nhà, không có không gian riêng. Ý thức phòng dịch của nhiều người còn chưa tốt.
Ông Tuấn đưa thêm lý do, theo ý kiến của Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp, trong tuần đầu tiên bệnh diễn biến bất thường, đưa bệnh nhân vào bệnh viện để theo dõi cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có nhiều cơ hội sống hơn.
Vấn đề ý thức người dân trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng khiến Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn lo ngại.
"Khó khăn nhất là nhiều người dân chưa có ý thức chấp hành nghiêm quy định chống dịch. Dù Bộ Y tế đã nới lỏng một số điều kiện, nhưng không phải tất cả các hộ gia đình có thể đáp ứng được.
Bộ cho phép cách ly ở căn hộ trong khu chung cư, như hiện nay rất nhiều chung cư có sử dụng điều hòa trung tâm, gây nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, nhiều khu chung cư không đáp ứng yêu cầu", ông Tuấn băn khoăn.
Về việc Bộ Y tế khuyến khích hộ gia đình lắp camera giám sát, ông Tuấn lo ngại, không may có sự cố mất điện hoặc người dân cố ý cắt tín hiệu, trốn ra ngoài thì khó giám sát. Có ý kiến đề xuất khóa cửa ngoài các gia đình đang cách ly tại nhà, nhưng khi có sự cố như cháy nổ thì sẽ không kịp cứu chữa.
"Hà Nội chưa xúc tiến thực hiện chủ trương này ngay, sẽ cần nghiên cứu, tính toán thêm", ông Tuấn nhắc lại quan điểm.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng lại có ý kiến ngược lại. Theo ông Phu, các tỉnh, thành trên toàn quốc cần sớm thực hiện cách ly F1 và F0 không triệu chứng tại nhà.
"Việc này vừa để tiết kiệm nguồn lực cho các địa phương, vừa là sự chuẩn bị cần thiết để có kế hoạch ứng phó nếu dịch bùng phát diện rộng", ông Phu nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích, gần hai năm chống dịch vừa qua, Việt Nam áp dụng triệt để cách ly tập trung F1 và điều trị F0 tại cơ sở y tế. Chủ trương này phù hợp ở những đợt dịch trước, bởi số ca nhiễm ít, cơ sở y tế và nguồn lực có thể đáp ứng.
Tuy nhiên, trong đợt dịch thứ tư, biến thể virus mới lây lan nhanh, liên tiếp ba ngày qua, mỗi ngày cả nước ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm. Một số địa phương là tâm dịch như TP HCM đã quá tải. Hơn nữa, nhiều nước châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á đã cách ly F1 và F0 triệu chứng nhẹ tại nhà từ lâu.
Vì vậy, ông Phu nhìn nhận, hướng dẫn mới đây của Bộ Y tế "là bước đi thận trọng và cần thiết". F0 vẫn được đưa vào cơ sở y tế, khi có kết quả xét nghiệm, tải lượng virus thấp hoặc âm tính thì mới cho về nhà. Điều này hạn chế nguy cơ lây nhiễm, không gây quá tải cho bệnh viện, vừa tiết kiệm nguồn lực.
"Dù cách ly, điều trị ở đâu thì mỗi người đều phải đề cao trách nhiệm cá nhân với cộng đồng, thực hiện đúng quy định và hướng dẫn của ngành y tế, thì việc chống dịch mới đạt hiệu quả", ông Phu lưu ý.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng nhận định việc cách ly tại nhà đối với F0 không có triệu chứng là điều cần thiết.
Các F0 không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng chuyển nặng. Vì thế, ông Khanh lưu ý, F0 cách ly tại nhà phải tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan y tế về chế độ theo dõi bệnh và cách ly theo đúng 5K.
Đặc biệt phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi. Uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, sinh hoạt điều độ, giữ tinh thần lạc quan, cố gắng vận động dù trong không gian hẹp.
"Nếu xuất hiện những dấu hiệu như thở nhanh, khó thở, đau tức ngực, da, niêm nhợt nhạt hơn bình thường... người bệnh cần thông báo với người nhà để thông tin ngay cho nhân viên y tế để được cấp cứu và chuyển tuyến điều trị kịp thời", ông Khanh đưa ra lời khuyên.
Bộ Y tế hướng dẫn quản lý điều trị F0 tại nhà
Ngày 14/7, Bộ Y tế đã ban hành văn bản có nội dung hướng dẫn quản lý điều trị F0 tại nhà. Theo đó, với các bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế: Có thể cho xuất viện vào ngày thứ 10 khi đảm bảo 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc tải lượng vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày.
Với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2) không có triệu chứng lâm sàng: Nếu có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) thì đưa vào cơ sở y tế cách ly và theo dõi, sau 24 giờ làm lại xét nghiệm nếu tiếp tục có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) hoặc kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 thì cho bệnh nhân xuất viện và thực hiện giám sát y tế như trên.
Đối với người bệnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện theo quy định của Bộ Y tế và trong thời gian tự theo dõi tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày, nếu có tái dương tính thì không cần cách ly điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và không cần thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục được theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.
Nguyễn Thật