Những cây cổ thụ lớn nhất thế giới vẫn an toàn trước thảm họa cháy rừng
Những cây cổ thụ lớn nhất thế giới, bao gồm cây cự xam General Sherman tuổi đời 2.700 năm tuổi ở Vườn Quốc gia Sequoia (Mỹ) vẫn an toàn, bất chấp một đám cháy rừng đã bùng phát trong khu vực gần đó suốt gần hai tuần.
“Cho đến hiện tại, không có thiệt hại đối với bất kỳ cây nào”, nhân viên thông tin cứu hỏa Mark Garrett của Vườn quốc gia Sequoia (California, Mỹ) cho biết.
Trước đó, hai đám cháy do tia chớp hợp nhất, đã lan rộng hơn 39 dặm vuông (101 km2), là khu vực nuôi dưỡng các loại cây sống trên các sườn núi cao thuộc Vườn quốc gia này.
Rừng khổng lồ thuộc Vườn quốc gia Sequoia là nơi sinh sống của khoảng 2.000 cây Sequoias, trong đó bao gồm cả General Sherman Tree, được coi là cây lớn nhất thế giới theo thể tích và là điểm tham quan không thể bỏ qua đối với du khách khi đến khu vực này.
Theo thể tích, đây là cây đơn thân lớn nhất còn tồn tại trên Trái Đất. Nó cao 83,8 m và có đường kính tối đa 11,1 m, được mệnh danh là "hóa thạch sống".
Nhờ các biện pháp bảo vệ như bọc phần gốc của những cây khổng lồ trong lớp phủ chống cháy, đồng thời dọn sạch những thảm thực vật khô có thể khiến đám cháy lan rộng, lực lượng chức năng đã giữ an toàn cho "những bảo vật quốc gia Mỹ" trước ngọn lửa.
Trong nhiều thập kỷ, khu rừng đã phải hứng chịu những đám cháy lớn. Kinh nghiệm của các lực lượng phòng, chữa cháy tại đây đã khiến cho việc kiểm soát cháy rừng ngày một tốt hơn, giảm thiểu thiệt hại tới môi trường và thiệt hại về con người.
“Người ta đã tìm thấy các phương pháp kiểm soát cháy rừng trong vài thập kỷ kể từ cuối những năm 60, để trang bị cho khu rừng luôn ở tình trạng sẵn sàng, có thể biến một đám cháy cường độ cao thành đám cháy cường độ thấp”, đại diện cơ quan chức năng địa phương cho biết.
Các nhân viên cứu hỏa đã tự tay làm các đường dây kiểm soát và phun nước để bảo vệ cây cối, song song với việc sơ tán một số cộng đồng dân cư.
Hơn 7.500 đám cháy rừng lớn nhỏ đã thiêu rụi khoảng 9.324 km2 ở California từ đầu năm cho đến nay trong năm nay.
Gần một nửa trong số đó, khoảng gần 4.000 km2 đã bị ngọn lửa Dixie thiêu rụi, trải dài khắp năm quận ở miền Bắc Sierra và miền Nam Cascades. Đây là đám cháy lớn thứ hai được ghi nhận ở California và đã được kiểm soát 90% sau khi phá hủy 1.329 ngôi nhà, cơ sở kinh doanh và các công trình kiến trúc khác kể từ ngày 13/7.
Hiện, về cơ bản, đám cháy này đã được khống chế. Mối nguy hại đối với các "bảo vật quốc gia Mỹ" đã được dẹp bỏ. Tuy nhiên, không ai có thể nói trước được điều gì vì những trận cháy rừng nguy hiểm trong tương lai vẫn có thể sẽ diện ra và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của con người. Nếu kịch bản đó xảy ra, sẽ thực sự là điều đáng tiếc.
Chống biến đổi khí hậu sẽ là phương pháp bền vững, an toàn mà hiệu quả cho tất cả chúng ta.
Mối đe dọa ngày càng nhiều hơn
Hạn hán kỷ lục gắn liền với biến đổi khí hậu đang khiến các đám cháy rừng trở nên khó chữa hơn. Chỉ riêng ở California, nó đã đốt cháy hàng triệu cây xanh. Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đã làm cho miền Tây nước Mỹ trở nên nóng hơn và khô hơn nhiều trong 30 năm qua. Tình trạng này sẽ tiếp tục làm cho thời tiết khắc nghiệt hơn và cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn, tàn khốc hơn.
Lan Anh