Nigeria cấm đồ nhựa dùng một lần nhưng sẽ đối mặt với khó khăn khi thực thi
Bắt đầu từ năm 2025, quốc gia châu Phi Nigeria sẽ cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần như: ống hút, chai nhựa, bịch nước nhằm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên lệnh cấm này sẽ gặp nhiều thách thức do thói quen của người dân.
Reuters cho biết lệnh cấm nhựa dùng một lần được thông báo từ tháng 6, được cho là gây chấn động tại quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào nhựa.
Có nhiều số liệu khác nhau về tình trạng của đất nước ô nhiễm nhựa bậc nhất thế giới. Theo báo cáo của đại diện chính phủ Nigeria tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2021, quốc gia này thải gần 13 triệu tấn nhựa năm 2020, chủ yếu ở khu vực đô thị. Trung bình mỗi người dân đô thị thải ra 87 kg rác nhựa một năm.
Để làm gương, chính quyền liên bang đã ngưng sử dụng loại nhựa này tại văn phòng của các nhà chức trách. Bộ Môi trường cho biết họ đang thiết lập "một khuôn khổ toàn diện giúp nâng cao nhận thức, tiến tới thực thi lệnh cấm trên toàn quốc một cách hiệu quả".
Dẫu vậy, thách thức để lệnh cấm này được thực thi nghiêm túc đến từ ý thức và thói quen của người dân. Những người bán thực phẩm từ thành phố Abeokuta, Calabar, Kaduna đến Onitsha vẫn sử dụng xốp và các loại nhựa dùng một lần khác. Người dân tập trung vào việc kiếm sống nhiều hơn là thời hạn cấm loại nhựa gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày. Mối bận tâm của họ là chuyện khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
"Tôi dành gần nửa thu nhập hàng ngày để mua nhiên liệu và đồ ăn. Nhựa rẻ và dễ kiếm, tại sao phải chi trả cho bao bì đắt đỏ hơn?", tài xế taxi 28 tuổi Amos Adeyanju kêu ca.
Tại khu chợ Obalende, trung tâm thủ đô kinh tế Lagos của Nigeria, cảnh tượng những túi nước đã qua sử dụng vứt rải rác trên mặt đất là điều thường thấy. Bà Lisebeth Ajayi - chủ một cửa hàng tạp hóa tại đây - cho biết mỗi ngày, bà chứng kiến hàng chục khách hàng dùng răng xé những túi nước nhỏ để uống, sau đó vứt bỏ chúng ngay trên đường phố.
Bà Lisebeth Ajayi - người bán túi nước rong tại Lagos, Nigeria - cho biết: "Chúng tôi có một giếng khoan ở chợ nhưng không thể dùng được vì nước không sạch. Bạn cần phải đun sôi nước thì mới uống được. Nhiều người không có tiền mua nước đóng chai, nên họ hay mua nước đựng trong túi nilon của tôi".
Kể từ khi xuất hiện vào những năm 1990, túi nước đã trở thành nguồn gây ô nhiễm chính ở nhiều khu vực tại châu Phi, nhưng chúng vẫn được người dân ưa chuộng để chứa nước cho các hoạt động ăn uống và giặt giũ. Hiện tại, có khoảng 200 công ty sản xuất túi nilon hoạt động ở Lagos, cùng hàng trăm công ty tái chế nhựa khác, song nguồn cung túi nhựa vẫn vượt xa khả năng xử lý của quốc gia này, nơi thiếu thốn thùng rác công cộng và chưa có chương trình giáo dục môi trường hiệu quả. Mặc dù Lagos đã cấm sử dụng nhựa dùng một lần từ đầu năm nay, biện pháp này chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Liên hợp quốc ước tính mỗi ngày có tới 60 triệu túi nước bị vứt bỏ khắp Nigeria.
Tại lục địa châu Phi, ít nhất 34 quốc gia đã cấm nhiều loại nhựa và bao bì dùng một lần — 99% trong số đó được làm từ nhiên liệu hóa thạch gây ra biến đổi khí hậu .
Rwanda là quốc gia tiên phong trong những nỗ lực này vào năm 2008 với lệnh cấm túi nhựa và chai nhựa dùng một lần, và những con phố sạch sẽ ở thủ đô Kigali chính là thước đo thành công trên toàn khu vực.
Trong khi đó tại Hoa Kỳ, lệnh cấm nhựa đang có tác động, với lệnh cấm tại riêng năm tiểu bang và thành phố của Hoa Kỳ đã cắt giảm việc sử dụng túi khoảng 6 tỷ túi mỗi năm.
Và Liên minh Châu Âu đã cấm nhiều loại nhựa dùng một lần như ống hút và hộp đựng thức ăn mang về.
Minh Thành