NOAA: Tháng 7/2021 là tháng nóng nhất trong 142 năm qua
Ngày 13/8, cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) công bố dữ liệu mới cho thấy, tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất của thế giới, qua đó một lần nữa báo động về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đang diễn ra.
Theo NOAA, nhiệt độ bề mặt Trái Đất (kết hợp nhiệt độ bề mặt đại dương và đất liền) trong tháng 7 vừa qua cao hơn 0,93 độ C so với nhiệt độ trung bình là 15,7 độ C của thế kỷ 20, khiến tháng 7 năm nay trở thành tháng nóng nhất trong 142 năm ghi nhận nhiệt độ trên toàn cầu.
NOAA nhấn mạnh, tháng 7 năm nay được xếp hạng trong Top 10 tháng 7 nóng nhất đối với Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương. Người đứng đầu NOAA, ông Rick Spinrad nhận định, tháng 7 thường là tháng nóng nhất thế giới trong năm, nhưng tháng 7 năm nay đã trở thành tháng nóng nhất trong 142 năm có trong lịch sử dữ liệu.
NOAA chỉ rõ châu Á vừa trải qua tháng 7 nóng nhất trong lịch sử, vượt qua độ nóng của năm 2010. Trong khi độ nóng của châu Âu trong tháng 7 vừa qua chỉ xếp thứ 2, sau độ nóng kỷ lục của năm 2018.
Theo ông Spinrad, biến đổi khí hậu đã đưa thế giới vào "con đường đứt gãy và gián đoạn", trong đó kỷ lục tháng 7 nóng nhất của Trái Đất là diễn biến mới nhất theo hướng đó.
So với nhiệt độ của những tháng 7 nóng nhất được ghi nhận trong những năm 2016, 2018 và 2019, nhiệt độ của tháng 7 năm nay cao hơn 0,02 độ F.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của Cơ quan biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), tháng 7 là tháng có nền nhiệt độ cao thứ 3 của thế giới. Trong khi đó, Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đánh giá tháng 7 là tháng nóng thứ 2 trong lịch sử ghi nhận.
Ông Zeke Hausfather, nhà khoa học chuyên về khí hậu thuộc Viện Breakthrough cho rằng giữa các cơ quan có sự chệnh lệch nhỏ về số liệu tổng hợp không phải là điều bất thường. Bởi phạm vi mà NOAA thu nhập dữ liệu còn nhiều hạn chế tại khu vực Bắc cực.
Song theo ông, dù là kết quả nào cũng đều phản ánh một thực trạng rằng độ nóng mà Trái đất trải qua trong mùa Hè này rõ ràng là hậu quả của biến đổi khí hậu do các loại khí thải sản sinh từ hoạt động của con người.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc (LHQ) được công bố ngày 9/8 dự báo rằng, biến đổi khí hậu sẽ gia tăng ở tất cả các vùng trong những thập kỷ tới. Đối với mức nhiệt 1,5 độ C của sự nóng lên toàn cầu, sẽ có các đợt nóng ngày càng tăng, mùa ấm dài hơn và mùa lạnh ngắn hơn. Trong khi đó, ở mức 2 độ C của sự ấm lên toàn cầu, nhiệt độ cực đoan có nhiều khả năng đạt đến ngưỡng chịu đựng quan trọng đối với nông nghiệp và sức khỏe.
Các nhà khoa học của IPCC cảnh báo hiện tượng nóng lên toàn cầu 2 độ C sẽ không dừng lại trong thế kỷ 21. Nếu không giảm mạnh phát thải CO2 và các khí nhà kính khác trong những thập kỷ tới, việc đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015 “sẽ nằm ngoài tầm với”.
Nguyễn Luận (T/h)