Chủ nhật, 24/11/2024 08:42 (GMT+7)
Thứ sáu, 28/02/2020 14:58 (GMT+7)

Nông sản trong dịch Covid-19: Không thể chỉ kêu 'giải cứu'

Theo dõi KTMT trên

Dịch Covid-19 và trước đó là dịch tả lợn châu Phi đã “tàn phá” ngành nông nghiệp. Qua đây cũng thể hiện những điểm yếu cố hữu là chuỗi tiêu thụ, chế biến sâu và sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu.

Dịch bệnh “tàn phá” ngành nông nghiệp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết tháng 1/2020, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản ước đạt 3 tỉ USD, bằng 84,3% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể: gạo đạt 203 triệu USD (tăng 5,4%) rau đạt 50 triệu USD ( tăng 17,2%) một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ (các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 42 triệu USD, bằng 93,6%; xuất khẩu thủy sản ước đạt 644 triệu USD, bằng 87,5%, xuất khẩu lâm sản chính ước đạt 883 triệu USD, bằng 84,4%).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nhiều mặt hàng nông sản bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp do virus Corona. Hầu hết các sản phẩm trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến, tồn đọng hàng chục nghìn tấn.

Hàng hóa xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), nhất là trái cây, do được ưu đãi về thuế VAT khi vào Trung Quốc, nên vẫn còn chiếm tỉ trọng khá lớn, dù đã khuyến nghị các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch trong suốt 2 năm qua.

Những ngày giữa tháng 2/2020, mặc dù nhiều cửa khẩu biên giới hoạt động trở lại nhưng vẫn còn hơn 700 xe nông sản đang xếp hàng chờ thông quan. Tiến độ thông quan chậm do 2 bên phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nên khó tránh khỏi tình trạng ùn ứ.

Phạm vi ảnh hưởng của dịch và biện pháp chống dịch tới xuất nhập khẩu tương đối rộng, trong đó, thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hoạt động xuất nhập khẩu sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn (có thể là 6 - 8 tháng). Trung Quốc là thị trường lớn, chiếm 24% giá trị trong tổng số lượng hàng nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới.

Nông sản trong dịch Covid-19: Không thể chỉ kêu 'giải cứu' - Ảnh 1

Ông Nguyễn Tôn Quyền, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những lô hàng xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc ngay lập tức giảm mạnh nhưng đây là cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ bởi xuất khẩu dăm gỗ mang lại giá trị không cao, không phát triển bền vững vốn rừng”.

Thị trường nông sản xuất khẩu cần hỗ trợ

TS. Đặng Kim Sơn nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cho rằng, dịch Covid-19 tác động tới nông nghiệp theo 2 hướng. Hiện tại thị trường gần nhất và lớn nhất của chúng ta là Trung Quốc bị tác động trực diện từ corona. Điều này khiến cầu của thị trường sẽ trở về với những sản phẩm cơ bản như lương thực thực phẩm và bỏ qua những sản phẩm khác như hoa quả... Giao thương bị gián đoạn do dịch bệnh, “ngăn sông cấm chợ” khiến chi phí giao dịch cao, mặt hàng tươi sống của Việt Nam sẽ không bảo quản được.

Tiêu dùng trong nước trong ngắn hạn không thể thay đổi ngay được để đáp ứng được sản lượng lớn hàng dư thừa do không xuất khẩu được. Thị trường nông sản sẽ bị “nghẽn” cục bộ và thời điểm.

Dịch Covid-19 nổi lên tác động trực tiếp đến thị trường nông sản xuất khẩu và cùng với dịch tả lợn châu Phi đã gây ra những thiệt hại, khó khăn cho ngành nông nghiệp và nền kinh tế trong năm nay.

Ngành nông nghiệp, người nông dân không thể mãi trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng trong ngắn hạn, Chính phủ có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại bởi dịch Covid-19 như nông nghiệp, du lịch vốn vay, tạm thời khoanh nợ, giảm lãi suất. Không chỉ ngân hàng mà ngành thuế cũng cần nhanh chóng nghiên cứu các quy định để có thể miễn, giảm thuế cho những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh như du lịch, thương mại, hàng không, nông nghiệp...

TS. Đặng Kim Sơn: Những biện pháp “giải cứu” chỉ là trước mắt, về dài hạn cần làm căn cơ như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển sản xuất manh mún sang quy mô lớn… Tất cả đều là những vấn đề đã được ngành nông nghiệp nhắc đến rất nhiều mà chưa làm được.

Thứ trưởng Bộ Công Thương ông Đỗ Thắng Hải nhận định, việc kết nối hỗ trợ cho thu mua, tiêu thụ nông sản không chỉ đối với các sản phẩm cần ngay lập tức, phải có kế hoạch dài hạn trong trường hợp tình hình bệnh dịch kéo dài. Như đối với quả vải phải tính trước, vì không chỉ ở Bắc Giang còn có thể các địa phương khác như Hải Dương, Hưng Yên… Đến thời điểm đó, nếu dịch bệnh tại Trung Quốc đã được khống chế, thị trường được giải tỏa thì rất tốt. Nhưng với tình huống xấu, chúng ta vẫn phải chủ động, không thể lúc nào cũng hô khẩu hiệu “giải cứu”.

Một số doanh nghiệp siêu thị, cung ứng như Vincommerce, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)… đã ký cam kết tiêu thụ nông sản hỗ trợ người dân trong khi dịch Covid-19 diễn ra. Ngoài việc tiêu thụ nội địa các mặt hàng nông sản cũng đang huớng đến các thị trường châu Á như Campuchia, Myanmar… vì với thị trường như Mỹ, EU thì yêu cầu tiêu chuẩn rất khắt khe.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hạn chế phụ thuộc vào thị trường lớn

Theo ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tiềm năng thị trường nội địa của Việt Nam là 100 triệu dân. Nhu cầu tiêu thụ trong nước rất lớn nhưng chúng ta lại chưa chú trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng. Hapro đã đưa rất nhiều nông sản đặc sản của Hà Giang, Hoà Bình, Hải Dương… giới thiệu tại Hà Nội tiêu thụ rất tốt.

“Cần thay đổi việc tiếp cận thị trường cả xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, còn để như hiện nay thì điệp khúc “giải cứu, hỗ trợ” năm nào cũng lặp lại” - ông Nguyễn Tiến Vượng nói.

Hiện tại nông sản xuất khẩu đang quá phụ thuộc vào một số thị trường lân cận, vẫn dựa vào thị trường Trung Quốc. Năm nào thị trường Trung Quốc có vấn đề thì nông sản dư thừa, dù đây là thị trường rất tiềm năng và luôn yêu cầu số lượng lớn. Nếu nông sản xuất khẩu hướng tới thị trường trong nước và các nước khác như Đông Nam Á, châu Âu… sẽ phải tính toán sản lượng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, không phải sản xuất số lượng nhiều. Khi xảy ra biến động ở một thị trường nào đó, lượng sản phẩm dư thừa không tăng quá đột biến, ông Nguyễn Tiến Vượng phân tích.

Nông sản trong dịch Covid-19: Không thể chỉ kêu 'giải cứu' - Ảnh 2

Ở tầm quản lý vĩ mô, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, qua ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành nông nghiệp cần nhìn nhận lại và tập trung tái cơ cấu vùng sản xuất, gia tăng chế biến, liên kết chặt chẽ, phát triển chuỗi giá trị dài và mở ra nhiều thị trường mới, đặc biệt là “không để trứng vào một giỏ”. Các sản phẩm nông sản Việt phát triển và tăng được giá trị cần phải chú trọng phát triển logistics vùng nguyên liệu.

Bộ NN&PTNT cũng tính toán các biện pháp dài hạn căn cứ tình hình tái cơ cấu một số đối tượng sản xuất nông nghiệp. Ví dụ, các vùng hiện nay đang trồng dưa hấu, tới đây không trồng dưa hấu mà chuyển sang cây trồng khác dễ tiêu thụ hơn.

Đây cũng là cơ hội tạo một áp lực bức bách để đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở chuỗi liên kết. Không thể để mãi tình trạng đưa ra thị trường sản phẩm thô, sản phẩm chưa qua chế biến, có rủi ro lại tập trung vào giải quyết. Qua việc này, chúng ta cần nhìn nhận và xác định tập trung tái cơ cấu vùng hàng hoá, chế biến sâu, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị và mở ra nhiều thị trường mới.

Hoài Lam

Bạn đang đọc bài viết Nông sản trong dịch Covid-19: Không thể chỉ kêu 'giải cứu'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới