Chủ nhật, 24/11/2024 05:07 (GMT+7)
Thứ năm, 04/03/2021 11:44 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí khiến số người tử vong tăng cao

Theo dõi KTMT trên

Trong năm 2020, ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của khoảng 160.000 người và gây thiệt hại kinh tế tổng cộng khoảng 85 tỉ USD tại 5 thành phố đông dân nhất thế giới.

Theo Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) khu vực Đông Nam Á và Công ty đo lường chất lượng không khí IQAir đã đo mức độ ô nhiễm ở 28 thành phố. Kết quả cho thấy tại 5 thành phố đông dân nhất là New Delhi (Ấn Độ), Mexico City (Mexico), Sao Paulo (Brazil), Thượng Hải (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản), ô nhiễm không khí đã gây ra khoảng 160.000 cái chết và thiệt hại kinh tế tổng cộng 85 tỉ USD trong năm 2020.

Trong đó, nơi bị ảnh hưởng nặng nhất là New Delhi, với khoảng 54.000 ca tử vong vì bụi mụn PM2.5. Còn tại Tokyo, số người tử vong là 40.000 ca, thiệt hại kinh tế cao nhất là 43 tỉ USD trong năm 2020.

Theo các chuyên gia của Cơ quan bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA) nhận định, hạt PM2.5 chứa nhiều hợp chất độc hại (như sunfat, nitrat và bụi carbon), gây ra nguy cơ lớn nhất cho sức khỏe con người. Nó có thể thâm nhập qua thành phế nang và đi vào máu, ảnh hưởng đến những cơ quan thiết yếu như phổi, hệ miễn dịch, tim, não.

WHO khuyến cáo các quốc gia cắt giảm ô nhiễm không khí xuống tới mức trung bình hàng năm là 20 μg/m3 đối với PM10 và 10 μg/m3 đối với PM2.5.

Ô nhiễm không khí khiến số người tử vong tăng cao - Ảnh 1
Ô nhiễm không khí khiến số người tử vong tăng cao trong năm 2020. (Ảnh minh họa)

Ô nhiễm không khí cũng trở thành mối đe dọa của các nước châu Á. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người. Ước tính rằng cứ 9/10 người trên thế giới đang hít thở bầu không khí có nồng độ chất gây ô nhiễm cao, dẫn tới 7 triệu người chết trẻ trên toàn cầu do ô nhiễm không khí xung quanh (bên ngoài) và không khí trong hộ gia đình (bên trong).

Các thành phố đông dân ở châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nguyên nhân chính bao gồm khí thải xe cộ, nhà máy điện than, xây dựng, phá rừng. Hơn nữa, phát thải do đốt nhiên liệu hóa thạch đã tạo ra 10,65 tỉ tấn carbon dioxit (CO2) mỗi năm vào bầu khí quyển, là nguyên nhân chủ yếu gây nên hiệu ứng nhà kính trầm trọng hơn.

Trong năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan bệnh dịch ở các thành phố lớn đã buộc hàng triệu người làm việc tại nhà, trong khi nền kinh tế phát triển chậm lại, đã giảm lượng khí thải CO2.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Aidan Farrow, nhà khoa học về ô nhiễm không khí tại phòng nghiên cứu Greenpeace ở ĐH Exeter của Anh , việc phong tỏa chỉ mang lại sự thay đổi trong giao thông đường bộ, hàng không… còn các nguồn ô nhiễm chính vẫn tiếp tục hoạt động như trước đây. Ông kêu gọi Chính phủ các nước cần chấm dứt xây mới nhà máy nhiệt điện, đóng cửa những nhà máy đang hoạt động và đầu tư vào sản xuất năng lượng sạch như phong năng và quang năng để bầu không khí thực sự sạch hơn.

Tiến sỹ Maria Neira, Giám đốc của Ban Các yếu tố xã hội và môi trường ảnh hưởng tới Sức khỏe cộng đồng của WHO chia sẻ: “Nhiều thành phố lớn trên thế giới đã vượt quá 5 lần mức khuyến cáo của WHO về chất lượng không khí. Điều này gây ra nguy cơ rất cao đối với sức khỏe con người. Chúng ra có thể thấy chính phủ các nước ngày càng quan tâm tới thách thức sức khỏe cộng đồng toàn cầu này. Số lượng các thành phố đang thu thập số liệu ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Điều đó cho thấy sự cam kết đối với việc theo dõi và đánh giá chất lượng không khí".

CO2 là khí nhà kính quan trọng nhất tồn tại lâu dài trong khí quyển liên quan đến hoạt động của con người, đóng góp khoảng 2/3 lực bức xạ. Hàng năm mức CO2 trung bình trên toàn cầu là khoảng 410,5 ppm vào năm 2019, tăng từ 407,9 ppm vào năm 2018, đã vượt qua mốc 400 ppm ở 2015. Mức tăng CO2 từ năm 2018 đến năm 2019 lớn hơn mức tăng từ năm 2017 đến 2018 và cũng lớn hơn mức trung bình trong thập kỷ qua.

Phát thải do đốt nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng, phá rừng và các hoạt động thay đổi sử dụng đất khác đã đẩy CO2 trong khí quyển năm 2019 lên 148% so với 278 ppm ở giai đoạn tiền công nghiệp khi có một sự cân bằng giữa khí quyển, đại dương và sinh quyển đất liền.

Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí khiến số người tử vong tăng cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới