Chủ nhật, 24/11/2024 10:32 (GMT+7)
Thứ hai, 18/11/2019 06:16 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ ung thư não

Theo dõi KTMT trên

Mới đây các nhà khoa học Canada công bố nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa các hạt nano ô nhiễm không khí với ung thư não.

Các hạt siêu mịn (UFP) được tạo ra bằng cách đốt nhiên liệu, đặc biệt trong các động cơ diesel, cộng với mức phơi nhiễm cao làm tăng đáng kể khả năng mắc bệnh ung thư gây chết người.

Nghiên cứu cho thấy các hạt nano có thể xâm nhập vào não và mang hóa chất gây ung thư.

Ung thư não rất hiếm. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng sự gia tăng phơi nhiễm do ô nhiễm có thể gây thêm một trường hợp ung thư não cho mỗi 100.000 người bị phơi nhiễm.

Nghiên cứu mới được công bố trên chuyên san Epidemiology cho thấy mức tăng ô nhiễm 10.000 hạt nano/cm3 trong một năm làm tăng nguy cơ ung thư não hơn 10%.

"Rủi ro môi trường như ô nhiễm không khí không lớn về quy mô nhưng chúng nghiêm trọng vì mọi người trong môi trường ô nhiễm đều bị phơi nhiễm", Scott Weichenthal, tại Đại học McGill, Canada, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.

Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ ung thư não - Ảnh 1
Ô nhiễm không khí làm gia tăng nguy cơ ung thư não. Ảnh minh họa: Internet.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét mức độ phơi nhiễm ô nhiễm và hồ sơ y tế của 1,9 triệu người Canada trưởng thành từ năm 1991 đến năm 2016 và tìm thấy mối liên kết nhất quán giữa các bệnh ung thư não và các hạt nano ô nhiễm phát ra từ khí thải của xe hơi.

Các nhà nghiên cứu cũng không loại trừ các yếu tố gây ung thư khác, như mức độ béo phì và việc hút thuốc lá. Tuy nhiên, ô nhiễm khí thải phương tiện giao thông là một dữ liệu đáng báo động và nhất quán. Và vì đây là nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này, Weichenthal cho biết, cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để khẳng định các phát hiện này là có cơ sở.

Một đánh giá toàn cầu về ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến cơ thể con người, được công bố vào tháng 2 đầu năm trên Tạp chí Chest (chuyên san về Ngực), cho thấy ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hầu như tất cả các cơ quan trong cơ thể con người.

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 trên tạp chí Environmental Research Letters vào tháng 8 vừa qua, các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia đã phát hiện ra rằng tại New York, ước tính 5.660 sinh mạng đã được cứu bởi mức độ ô nhiễm không khí thấp hơn vào năm 2012 so với năm 2002.

Không chỉ gây nguy cơ ung thư não, từ lâu các chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo, ô nhiễm không khí còn là nguyên nhân gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm khác. Theo Guardian, một đánh giá toàn cầu trước đó vào năm 2019 đã kết luận rằng ô nhiễm không khí có thể gây hại cho mọi cơ quan và hầu như mọi tế bào trong cơ thể con người.

Các chuyên gia lưu ý thực tế đáng lo ngại rằng 147 triệu năm tuổi thọ đã bị giảm trên toàn thế giới trong năm 2017 do ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí sẽ khiến tuổi thọ của trẻ em ngày nay giảm trung bình 20 tháng, trong đó trẻ em ở khu vực Nam Á chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Đây là cảnh báo của các nhà khoa học Mỹ và Canada đưa ra trong báo cáo công bố ngày 3/4/2019.

Theo báo cáo Tình trạng Không khí toàn cầu do Viện nghiên cứu các tác hại đối với sức khỏe có trụ sở ở Mỹ và Đại học British Columbia (Canada) công bố, ô nhiễm không khí là nguyên nhân thứ 5 gây tử vong sớm trên toàn thế giới, nhiều hơn cả số trường hợp tử vong do sốt rét, tai nạn giao thông đường bộ, suy dinh dưỡng hoặc do đồ uống có cồn.

Cũng theo báo cáo trên, mặc dù đã thực thi nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí, Trung Quốc vẫn là nước có tỉ lệ tử vong do ô nhiễm không khí cao nhất, với khoảng 852.000 ca trong năm 2017.

Ngoài Trung Quốc, danh sách 5 nước có tỉ lệ tử vong do ô nhiễm không khí cao nhất còn có Ấn Độ, Pakistan, Indonesia và Bangladesh - đều là các nước châu Á.

Kết quả một nghiên cứu do WHO công bố hồi tháng 10 vừa qua cho thấy việc tiếp xúc với không khí độc hại ở cả trong nhà và ngoài đường khiến hơn 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong mỗi năm.

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ ung thư não. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới