Chủ nhật, 24/11/2024 10:01 (GMT+7)
Thứ tư, 12/01/2022 11:00 (GMT+7)

Ông chủ Tân Hoàng Minh, tập đoàn vừa bỏ cọc 'đất vàng' ở Thủ Thiêm là ai?

Theo dõi KTMT trên

Tập đoàn Tân Hoàng Minh của ông Đỗ Anh Dũng mới đây đã có tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, UBND TP.HCM… xin rút khỏi dự án Thủ Thiêm đã đấu giá thành công vào giữa tháng 12/2021.

Vụ trúng đấu giá lô đất có diện tích 10.060m2 với giá 24.500 tỷ đồng (tính ra 2,45 tỷ đồng/m2) ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM) của Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã gây "choáng" cho giới đầu tư và xôn xao trong dư luận suốt thời gian qua. Đặc biệt, vụ đấu giá này tiếp tục "nóng" bởi thông tin ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh gửi tâm thư xin tự nguyện đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất đã trúng trên.

Ông chủ "có tiếng" trên thị trường bất động sản

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng là cái tên rất quen trên thị trường bất động sản Việt Nam với rất nhiều dự án nghìn tỷ. 

Ông Đỗ Anh Dũng sinh ngày 30/7/1961. Ông là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh (từ năm 1993 đến nay). Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Minh Việt (từ năm 2015 đến nay).

Ông chủ Tân Hoàng Minh, tập đoàn vừa bỏ cọc 'đất vàng' ở Thủ Thiêm là ai? - Ảnh 1
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Từ năm 1984 – 1986, ông Dũng công tác tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước Hà Nội. Từ năm 1986 – 1989, ông công tác tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước tại Tp.HCM.

Từ năm 1989 – 1993, ông giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Liên hiệp xuất khẩu điện tử quang học ELOPI (thuộc Viện Khoa học Việt Nam phân viện Tp.HCM).

Đến ngày 16/6/1993, ông Đỗ Anh Dũng thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) tại TP.HCM.

Đến năm 1995, ông Dũng bắt đầu kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng thương hiệu Taxi V20. Đến tháng 9/2001, số lượng xe phục vụ khách hàng đạt gần 1.000 xe, chiếm 25% thị phần trên 3 thành phố HCM, Nha Trang, Hà Nội.

Đến năm 1998, ông Dũng thành lập nhà máy sản xuất mây tre đan thủ công mỹ nghệ với thương hiệu RATEX. Những sản phẩm mây tre đan này được xuất khẩu sang các nước châu Âu như: Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Ý,… và mang lại nguồn lợi nhuận từ 35 triệu USD mỗi năm cho Tân Hoàng Minh.

Từ năm 2006 trở lại đây, nắm bắt được xu thế thị trường, ông Dũng định hướng cho Tân Hoàng Minh trở thành một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chú trọng vào thị trường bất động sản cao cấp.

Liều lĩnh chuyển đổi một cách có hiệu quả giúp Tân Hoàng Minh định vị thương hiệu trên thị trường bất động sản.

Một số dự án lớn của Tập đoàn này tại Hà Nội có thể kể đến như: D’. Palais Louis – Nguyễn Văn Huyên, D’. Le Roi Soleil – Quảng An, D’. Le Pont D’or – Hoàng Cầu, D’. El Dorado – Phú Thanh, Phú Thượng, D’. Capitale – Trần Duy Hưng,….

Tình hình kinh doanh không mấy "sáng sủa"

Tân Hoàng Minh Group có vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, trong đó ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT đang sở hữu 51,48%, tương ứng số tiền 5.148 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020 tổng tài sản của Tân Hoàng Minh đang là 20.051 tỷ đồng.

Dù sở hữu vốn điều lệ khủng vs tổng tài sản khổng lồ. Tuy nhiên trong giai đoạn 2016 – 2020, Tân Hoàng Minh đem về gần 4.200 tỷ đồng, song thua lỗ hơn 1.800 tỷ đồng.

Ông chủ Tân Hoàng Minh, tập đoàn vừa bỏ cọc 'đất vàng' ở Thủ Thiêm là ai? - Ảnh 2
Biểu đồ: Quang Dân

Cụ thể, các năm 2016, 2017 và 2020 Tân Hoàng Minh lần lượt lỗ -16,35 tỷ đồng, -531 tỷ đồng và -2.480 tỷ đồng. 2 năm còn lại 2018 và 2019 số lãi mang về cũng chỉ đạt 103,6 tỷ đồng và 22,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, về doanh thu, năm đạt đỉnh nhất về doanh thu của Tân Hoàng Minh là năm 2018 với 2.080 tỷ đồng, trước khi giảm sâu về hơn 190 tỷ đồng trong năm 2020.

Chưa kể, tính đến cuối năm 2020, nợ phải trả Tân Hoàng Minh lên đến 13.119 tỷ đồng.

Như vậy, cả đơn vị phát hành trái phiếu cũng như đơn vị bảo lãnh thanh toán của Tân Hoàng Minh đều ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan khi có nhiều năm thua lỗ.

Vì sao doanh nghiệp bất ngờ "quay xe"?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế đánh giá, việc Tân Hoàng Minh muốn hủy đã đoán từ đầu, vì mức giá đó là bất hợp lý.

Về những tác động của việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích: "Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp đấu giá rất cao. Một là họ đẩy giá lên thông qua đó đẩy giá thị trường. Họ có thể bán, mua những mảnh đất xung quanh đó. Giá đất tăng bù thừa so với mức cọc. Hai, họ cũng có thể có bài toán chiến đấu với đối tác là những người muốn mua mảnh đất đó. Họ làm lỡ nhịp của nhà đầu tư khác".

Về hệ lụy cho thị trường bất động sản, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá của Tân Hoàng Minh sẽ làm cho giá cả thị trường khu vực Thủ Thiêm sẽ xuống và dần dần trở lại mặt bằng cũ.

"Thực ra, trong những ngày vừa qua, những người bán đất Thủ Thiêm "hét" giá tăng 30,40 đến 60%, đẩy thị trường bất động sản nơi đây vào ngõ cụt. Vì giá bị đẩy lên trên cao, chẳng ai mua, mà cũng không ai bán.

Bên cạnh đó, người mua cũng như người bán đều lắng nghe cả. Người bán xem có bán có hớ không? Người mua càng thấy mình phải "lắng nghe" nhiều hơn vì tự dưng phải bỏ ra một đống tiền thì lại tăng vậy xem có vô lý không?", ông Thịnh nêu.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Ông chủ Tân Hoàng Minh, tập đoàn vừa bỏ cọc 'đất vàng' ở Thủ Thiêm là ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới