Chủ nhật, 24/11/2024 05:36 (GMT+7)
Thứ hai, 22/11/2021 17:00 (GMT+7)

Ống khói từ phương tiện giao thông gây áp lực cho môi trường và sức khỏe

Theo dõi KTMT trên

Phương tiện giao thông đường bộ tăng với tốc độ chóng mặt tại các thành phố lớn. Vấn đề ô nhiễm môi trường do khí thải từ các phương tiện giao thông đường bộ gây ra để lại nhiều hệ lụy đòi hỏi phải sớm có giải pháp kiểm soát.

Áp lực từ phương tiện tăng cao

Tìm hiểu sự gia tăng phương tiện trên địa bàn Hà Nội những năm qua, ông Liên khẳng định đang có sự phát triển với tốc độ kỷ lục. Cụ thể, cuối năm 2008, Hà Nội có 2,2 triệu phương tiện, trong đó có 185 nghìn ôtô, nhưng chỉ sau 10 năm phát triển, con số này đến hết năm 2017 đã là 6 triệu phương tiện, tức là tăng gần 3 lần.

Từ đầu năm 2019 đến nay, trung bình mỗi tháng, Hà Nội đang có thêm khoảng 27 nghìn ôtô, xe máy, xe đạp điện được cấp biển số để đổ ra đường.

Ống khói từ phương tiện giao thông gây áp lực cho môi trường và sức khỏe - Ảnh 1
Tình trạng ùn tắc giao thông trên mọi tuyến đường Hà Nội. (Ảnh: Báo CAND)

Đó là chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh vào Hà Nội tham gia giao thông. Với taxi và xe ôtô chở khách dưới 9 chỗ, từ năm 2012, Hà Nội đã dừng gia tăng số lượng phương tiện mới. Tại thời điểm dừng, số lượng taxi trên địa bàn Hà Nội là 17.400 chiếc, tuy nhiên con số taxi thực tế được thống kê hiện nay là 20.000 xe.

Cùng với đó, số lượng xe chở khách dưới 9 chỗ tham gia loại hình taxi công nghệ hiện đã được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu lên đến 21.800 xe. Như vậy số lượng xe taxi và phương tiện hoạt động như taxi trên địa bàn Hà Nội hiện nay là 41.800 xe chứ không phải 17.400 xe.

Ống khói từ phương tiện giao thông gây áp lực cho môi trường và sức khỏe - Ảnh 2
Bất kể thời gian, đường phố vẫn tắc đường. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Đánh giá về gia tăng xe cá nhân tại Thủ đô, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, phương tiện giao thông được chia làm 3 nhóm, gồm xe cá nhân để người dân sử dụng đi lại (gồm ô tô, xe máy); xe taxi chở khách; xe ba, bốn bánh được hoán cải để chở hàng. Với phương tiện cá nhân người dân sử dụng để đi lại, ông Liên nêu thực tế, ngoài đi lại tự do, người dân có thể mua mới, đăng ký, sử dụng bất kỳ đâu.

Khí thải của phương tiện giao thông ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người

Đối với khí Hydro cacbon được thải ra ngoài môi trường từ các phương tiện giao thông, chúng là những chất rất độc gây rối loạn hô hấp ngay với nồng độ thấp. Chúng có thể làm sưng màng phổi, hẹp cuống phổi, làm viêm mắt, viêm mũi,… Bên cạnh đó chúng còn là nguyên nhân gây ung thư họng, phổi và đường hô hấp.

Ở các khu đô thị thì loại khí oxit nito được giao thông thải ra môi trường khoảng 50% mật độ khí trong không khí. Loại khí này là hỗn hợp của 2 khí NO và NO2, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra ô nhiễm không khí. Khi tiếp xúc với những loại khí này với nồng độ thấp có thể có những biểu hiện như rối loạn tiêu hóa, viêm phế quản hay là tổn thương răng.

Ống khói từ phương tiện giao thông gây áp lực cho môi trường và sức khỏe - Ảnh 3
Khí thải ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, với khí SO2 có trong không khí là chất hàng đầu được cho là nguyên nhân quan trọng gây hại cho sức khỏe của người dân đô thị. SO2 gây kích ứng niêm mạc mắt và các đường hô hấp trên. Với nồng độ cao, SO2 gây viêm kết mạc, trong trường hợp tiếp xúc ồ ạt với chất này có thể gây chết người do ngừng hô hấp.

Khói đen cũng là một loại khí thải gây nguy hiểm, chúng làm cản tầm nhìn của người đi đường, làm cho giao thông không an toàn. Chì là một trong những tác nhân gây ô nhiễm quan trọng. Chì có trong khí thải của động cơ xăng. Hơi chì theo khí thải phân tán vào không khí, rất có hại cho sức khỏe con người, gia súc và cây cối. Loại xe diesel không chứa chì nhưng lại thải ra nhiều loại hạt trong không khí, các hạt này kết hợp với khí khác gây viêm cuống phổi, hen suyễn. Có một số hạt còn có khả năng gây ung thư.

Giải pháp dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện ôtô đang lưu hành

Để góp phần giảm tình trạng ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến cho dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện ôtô đang lưu hành, dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2022.

Theo dự thảo, quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến phương tiện ôtô đang lưu hành tại Việt Nam.
Cụ thể là các loại phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ có từ bốn bánh xe trở lên và thường được dùng để chở người hoặc hàng hóa.

Phương pháp đo độ khói trong khí thải động cơ cháy do nén được thực hiện bằng phương pháp đo mẫu khí thải theo chu trình đo động cơ ở chế độ gia tốc tự do.

Ống khói từ phương tiện giao thông gây áp lực cho môi trường và sức khỏe - Ảnh 4
Khí thải ô tô cần được kiểm soát sớm. (Ảnh: Báo quốc tế)

Cụ thể, khí thải ôtô lắp động cơ cháy cưỡng bức sản xuất trước năm 1999, đang lưu hành phải đáp ứng giá trị giới hạn cho phép của các thông số CO ở mức 1 là 4,5% thể tích; thông số HC đối với động cơ 4 kỳ là 1.200, động cơ 2 kỳ là 7.800, động cơ đặc biệt là 3.300.

Khí thải phương tiện ôtô lắp động cơ cháy cưỡng bức sản xuất từ năm 1999 đến ngày 1/1/2017, đang lưu hành phải đáp ứng mức 2 - tương ứng với thông số CO là 3,5% thể tích; HC (động cơ 4 kỳ) là 800, động cơ 2 kỳ là 7.800, động cơ đặc biệt 3.300.

Khí thải phương tiện ôtô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén sản xuất sau ngày 1/1/2017 và ôtô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén đã qua sử dụng nhập khẩu phải thực hiện theo Lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chuẩn này.

Quy chuẩn này không áp dụng đối với các loại xe cơ giới đặc chủng của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ống khói từ phương tiện giao thông gây áp lực cho môi trường và sức khỏe. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới