Phân khúc BĐS nào được dự báo phục hồi nhanh hậu Covid-19?
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam vẫn có dấu hiệu phục hồi tích cực. Thậm chí, một số phân khúc vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt hậu Covid-19 như BĐS công nghiệp, nhà ở, đất nền và du lịch nghỉ dưỡng.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trong quý II/2021, cả nước có 29.949 giao dịch bất động sản (BĐS) thành công. Tổng lượng giao dịch bình quân bằng khoảng 118% so với quý trước và bằng khoảng 101% so với cùng kỳ năm 2020.
Các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS nhận định, BĐS vẫn là nơi trú ẩn tài sản vừa bảo đảm tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ trong thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa BĐS và các kênh khác.
Do đó, các chuyên gia dự báo khó có thể xảy ra tình trạng thị trường BĐS mất thanh khoản và giảm giá. Mức giá BĐS sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu, sắt thép vẫn còn khá cao.
Bất động sản công nghiệp giữ đà tăng trưởng
Trong bối cảnh hầu hết các phân khúc bất động sản đều chịu tác động của dịch Covid-19, phân khúc bất động sản khu công nghiệp được ghi nhận là một mảng sáng hiếm hoi của thị trường. Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp ghi nhận mức lãi lớn.
Theo đánh giá của Công ty JLL Việt Nam, triển vọng thị trường bất động sản công nghiệp vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng, trong đó khu vực Đông Bắc đang được đánh giá là điểm sôi động trong phân khúc bất động sản công nghiệp.
JLL dự báo giá bất động sản khu công nghiệp, đặc biệt là khu vực Đông Bắc sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8-10% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường nhà xưởng xây sẵn cũng được dự báo sẽ sôi động, với nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường.
Báo cáo quý 2/2021 của JLL cũng cho thấy thị trường đất công nghiệp cho thuê ở miền Bắc ghi nhận thêm nguồn cung mới từ khu công nghiệp Yên Mỹ tại Hưng Yên của chủ đầu tư Viglacera Yên Mỹ, nâng tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại miền Bắc lên 9.700ha.
Đối với nhà xưởng xây sẵn, khoảng 940.000 m2 mới sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm 2021 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát và thị trường hồi phục trở lại.
Giá nhà ở và đất nền chưa có dấu hiệu giảm
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, đối với nhà ở, thị trường trong quý 2 cơ bản vẫn phát triển ổn định, giá giao dịch tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM.
Nguồn cung vẫn tập trung chủ yếu là nhà ở trung cấp và cao cấp, nguồn cung nhà ở xã hội và giá thấp còn rất hạn chế. Trong đó, nguồn cung nhà ở sơ cấp từ các dự án mở bán tiếp tục giảm so với năm 2020.
Cũng theo số liệu từ Bộ Xây dựng, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý II/2021 tiếp tục hấp thụ tốt trên thị trường BĐS, với 92 dự án, bao gồm 29.557 căn hộ.
Trước đó, trong báo cáo về thị trường bất động sản công bố vào tháng 5/2021, Bộ Xây dựng cũng nhận định, giá nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương tiếp tục có xu hướng tăng so với quý trước.
Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai là những địa phương có mức giá bình quân tăng khá cao so với mặt bằng chung cả nước. Mức giá bình quân tại các địa phương tăng khoảng 5-10% so với quý 4/2020.
Bên cạnh phân khúc nhà ở, các dự án đất nền vùng ven cũng được dự báo sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nhờ sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của hệ thống cơ sở hạ tầng.
BĐS du lịch, nghỉ dưỡng kỳ vọng hồi phục hậu Covid-19
Do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng gần như "đóng băng".
Theo báo cáo của DKRA Việt Nam, trong quý 2/2021, đối với biệt thự biển, cả nước ghi nhận thêm 241 sản phẩm mới mở bán, giảm 69% so với quý trước, nhưng tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ tiêu thụ đạt 25% (khoảng 60 căn), bằng 30,6% so với quý 1/2021 nhưng tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Nguồn cung và lượng tiêu thụ mới sụt giảm mạnh so với quý trước do tác động tiêu cực từ đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ tư, DKRA Việt Nam giải thích.
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản cho thấy, trong những tháng đầu năm 2021, sức cầu chung của thị trường tiếp tục thấp. Trừ một số dự án bản chất là nhà ở nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch - nghỉ dưỡng có tỉ lệ hấp thụ khoảng 30-40%, các dự án còn lại, có giao dịch nhưng không đáng kể.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của thực trạng này không chỉ do tác động của dịch bệnh mà còn do những vướng mắc về pháp lý, chưa thực sự được tháo gỡ khiến bất động sản du lịch thiếu sức hút đầu tư.
Do đó, các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, nếu như giải quyết được các điểm nghẽn này thì phân khúc này sẽ trở thành một trong những điểm sáng của thị trường.
Mặt khác, kỳ vọng đặt ra sau khi dịch bệnh được đẩy lùi, ngành du lịch sẽ hoạt động trở lại sau một thời gian dài "đóng cửa" sẽ kéo theo sự phục hồi của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Nguyễn Luận