Chủ nhật, 24/11/2024 05:38 (GMT+7)
Thứ ba, 20/07/2021 17:56 (GMT+7)

Phát minh loại nhựa mới có thể phân hủy chỉ sau 1 tuần

Theo dõi KTMT trên

Theo các nhà khoa học, khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và oxy, loại nhựa mới này sẽ phân hủy hoàn toàn chỉ trong vòng một tuần, không để lại các mảnh vi nhựa gây hại cho môi trường.

Mới đây, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung (Trung Quốc) đã phát minh ra một loại nhựa hoàn toàn mới. Nghiên cứu này được xuất bản trên tạp chí Journal of the American Chemical Society.

Theo đó, loại nhựa đặc biệt này có thể tự phân hủy hết chỉ sau một tuần trong môi trường có ánh sáng và oxi. Đây có thể được coi là bước phát triển mới trong cuộc chiến chống lại rác thải nhựa của toàn nhân loại. 

Phát minh loại nhựa mới có thể phân hủy chỉ sau 1 tuần - Ảnh 1
Chế tạo thành công loại nhựa mới dễ dàng bị phân hủy hoàn toàn chỉ sau một tuần. (Ảnh: vtc.vn)

Thực tế, mục đích ban đầu là nghiên cứu một loại cảm biến hóa học tiên tiến dưới dạng màng bọc polyme, có khả năng thay đổi màu sắc tùy thuộc vào mức độ pH của môi trường. Quá trình này diễn ra nhờ cấu trúc phân tử độc đáo của nó. Các chuỗi monomer tạo màu đỏ đậm cho màng polymer và màu sắc này biến mất khi các liên kết bị phá vỡ. 

Qua nhiều thí nghiệm, Liang Luo, chuyên gia tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Trung cùng đồng nghiệp nhận thấy màu đỏ đậm của màng polymer nhanh chóng phai đi, tấm màng cũng vỡ ra sau vài ngày đặt dưới ánh sáng mặt trời. Việc phá vỡ các liên kết như vậy là mục tiêu chung trong những nghiên cứu nhằm tái chế nhựa. Qua đó, ông đã vô tình tạo ra một loại vật liệu tiềm năng thân thiện với môi trường.

Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và oxy, loại nhựa này sẽ phân hủy hoàn toàn chỉ trong vòng một tuần, không để lại các mảnh vi nhựa gây hại cho môi trường. Trong quá trình phân hủy, loại nhựa này đồng thời giải phóng một phụ phẩm - axit succinic tự nhiên, có thể tái chế để sử dụng trong ngành công nghiệp dược phẩm hoặc thực phẩm. 

Cấu trúc phân tử của loại nhựa mới không phù hợp để làm chai nước ngọt hay túi đựng đồ vì nó chỉ ổn định trong môi trường tối và không có oxy. Tuy nhiên, đây có thể là một giải pháp mới, thân thiện với môi trường cho các linh kiện điện tử - nơi không có ánh sáng và ít tiếp xúc với không khí xung quanh. Trong môi trường này, linh kiện làm từ loại nhựa mới có thể tồn tại trong vòng nhiều năm, góp phần làm bớt nguồn rác thải nhựa từ ngành công nghiệp điện tử đầy tiềm năng.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, cứ mỗi phút trôi qua, có khoảng 1 triệu chai nhựa sẽ được bán ra trên khắp thế giới. Trong khi đó, chỉ 14% chúng được tái chế. Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rác thải từ chai nhựa là loại ô nhiễm nhựa phổ biến thứ hai trong các đại dương, sau túi nhựa. Việc tiêu thụ quá nhiều nhựa, đi kèm với khả năng quản lý chất thải nhựa yếu kém, đang trở thành mối đe dọa lớn, khiến các bãi đất tràn ngập rác thải, làm tắc nghẽn dòng chảy ở các sông và đe dọa hệ sinh thái biển.

Ngoài ra, có đến 8.300 triệu tấn vi nhựa đã được sản sinh cho đến nay trong đó chỉ có 9% được tái sử dụng, 12% được đốt, 79% được tập kết trong bãi rác hoặc trôi nổi ngoài môi trường. Dự báo đến năm 2050, khoảng 12 tỉ tấn rác nhựa sẽ được chôn lấp hoặc thải ra môi trường tự nhiên.

Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về xả rác thải nhựa

Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất với khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm. Nhựa và nilon chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Mỗi hộ gia đình sử dụng 1kg túi nilon mỗi tháng. Mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Dự tính đến 2050, khoảng 99% loài chim biển sẽ ăn nhựa. Rác thải nhựa sẽ gây hại cho hơn 600 loài động vật biển và 15% trong số đó gặp nguy hiểm do mắc vào rác thải nhựa hoặc bị ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Phát minh loại nhựa mới có thể phân hủy chỉ sau 1 tuần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới