Phát triển năng lượng tái tạo ảnh hưởng môi trường sống loài chim
Các dự án điện gió, nhiệt điện ven biển khiến môi trường sống của các loài chim di cư bị mất đi hoặc suy giảm, nhiều cá thể chim bị chết vì va đập vào cánh quạt gió...
Đây là quan điểm của ông Nguyễn Hoài Bảo, giảng viên bộ môn Điểu học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM) nêu ra tại Hội thảo Hội thảo trực tuyến "Tầm quan trọng của các bãi triều ven biển Đồng bằng sông Cửu Long đối với các loài chim di cư" vừa mới được tổ chức.
Ông Bảo cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sống của nhiều loài chim di cư nằm trong sách đổ IUCN, trong đó có loài thuộc nhóm nguy cấp.
Bên cạnh nguy cơ bị săn bắt thì những loài chim này cũng đang bị ảnh hưởng môi trường sống từ những dự án phát triển điện gió, nhiệt điện ven biển.
"Việc thực hiện các dự án phát triển như điện gió, nhiệt điện ven biển cũng khiến môi trường sống các loài chim di cư bị mất đi hoặc suy giảm, nhiều cá thể chim chết vì bị va đập vào cánh quạt gió…", ông Bảo cho hay.
Vì vậy, ông Bảo đề nghị các cơ quan chức năng, đơn vị nghiên cứu và các bên liên quan cần tích cực phối hợp để bảo vệ các khu vực lưu trú cho các loài chim di cư.
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng từng lên tiếng cảnh báo về việc Việt Nam đang ồ ạt phát triển nhiều dự án năng lượng tái tạo nguy cơ tác động tái môi trường.
Thông thường, cánh đồng điện gió được xây dựng tại những nơi xa khu dân cư, ven bờ biển hoặc ngoài khơi. Tuy nhiên, những công trình này cũng ảnh hưởng đến cảnh quan và địa hình nên đã có những quy định phải giữ đúng khoảng cách cần thiết từ nơi đặt turbin đến những vùng bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ di tích, rừng phòng hộ hoặc khu dân cư.
Ngoài ra, cũng cần phải tính ảnh hưởng của hệ thống lưới điện đến cảnh quan. Bên cạnh đó, để loại bỏ ảnh hưởng do phản chiếu (disco effect) của lớp sơn hoặc nhựa bóng bảo vệ khi turbin hoạt động dưới ánh sáng mặt trời, người ta chọn cách sơn, hoặc tráng nhựa mờ (matt) cho turbin điện gió.
Khi mặt trời chiếu sáng, turbin điện gió hoạt động sẽ gây ra hiện tượng nhấp nháy, gây cảm nhận khó chịu. Bóng của các cách quạt khi quay có thể làm rối mắt. Tuy nhiên, tác động này chỉ có ảnh hưởng trong một phạm vi nhỏ dưới chân tuabin.
Ảnh hưởng đáng kể của turbin điện gió đặt ngoài khơi đến sinh thái biển là độ ồn và tần số rung trong nước biển khi lắp đặt chân đế và đóng trụ trên nền biển có thể ảnh hưởng đến sự sinh sống của sinh vật biển, cá voi và cá heo.
Việc đặt dây cáp dưới nền biển để dẫn điện về đất liền có thể xáo động sự sinh sống của những sinh vật sống dưới biển cũng như sinh thái biển, đặc biệt là tại những vùng biển cần bảo vệ.
Bên cạnh đó, turbin điện gió có thể là chướng ngại cho tàu thuyền đi biển hoặc việc đánh bắt hải sản nếu trang trại điện gió nằm gần tuyến hàng hải hoặc ngư trường.
Theo đánh giá của Tổ chức năng lượng gió toàn cầu (GWEC), hàng năm, 1 MW điện gió giúp giảm phát thải khoảng 1.800 tấn CO2, 9 tấn SOx và 4 tấn NOx.
Theo dự tính của GWEC, đến 2050 chương trình điện gió trên toàn thế giới sẽ làm giảm phát thải 1,5 tỉ tấn CO2. Nếu tính hàm lượng bình quân của CO2 trong khí quyển hiện nay khoảng 400 ppm thì lượng 1,5 tỉ tấn CO2 này của toàn thế giới chỉ tương đương 0,07%.
Theo mô phỏng của Đại học Stanford, Mỹ các trạm điện gió lớn ngoài khơi có thể làm suy yếu đáng kể các trận bão từ ngoài biển trước khi tràn vào đất liền.
Theo tính toán của các chuyên gia Mỹ, trong vòng 9 năm các trạm điện gió trong đất liền đang làm nhiệt độ cục bộ của mặt đất nóng lên 0,72 độ C. Như vậy, đối với những nơi có trạm điện gió trên đất liền thì sau 100 năm, nhiệt độ không khí sẽ nóng lên 8 độ C.
Nguyễn Thu