Phát triển sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường
Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới những giải pháp thân thiện với môi trường từ mọi hoạt động của đời sống xã hội thì nhiều doanh nghiệp sản xuất còn lấy đó làm tiêu chí để được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mục tiêu hỗ trợ các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, ổn định và phát triển sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo quy hoạch, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường... UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Cụ thể, đối tượng áp dụng là các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh) đăng ký di dời và nằm trong danh mục các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp di dời vào cụm công nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đó, địa điểm di dời đến là các cụm công nghiệp đã được thành lập theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả Khu xí nghiệp tiểu thủ công nghiệp thuộc Cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề theo Quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp La Sơn tại Quyết định số 525/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) Khu công nghiệp La Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, và Quyết định số 669/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc điều chỉnh (cục bộ) Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) Khu công nghiệp La Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ ưu tiên hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị đăng ký di dời thuộc danh mục các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp di dời vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025 theo kế hoạch này.
Năm 2023 hỗ trợ di dời cho 7 cơ sở sản xuất; Năm 2024 hỗ trợ di dời cho 12 cơ sở sản xuất; Năm 2025 hỗ trợ di dời cho 40 cơ sở sản xuất. Đồng thời, tiếp tục rà soát, khảo sát, đánh giá các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn; ban hành danh mục các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp di dời vào cụm công nghiệp đến năm 2025. Hướng dẫn các cơ sở xây dựng phương án di dời đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện; vận động, tuyên truyền, và hỗ trợ các cơ sở thực hiện đúng tiến độ.
Nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch trên, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao Sở Công Thương chủ trì theo dõi đánh giá và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định. Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tham mưu lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện; phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện Kế hoạch hàng năm gửi Sở Tài chính để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Cùng với đó, chủ trì phối hợp tham mưu thành lập, mở rộng cụm công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng phục vụ di dời; hướng dẫn quy trình, thủ tục thực hiện. Tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện hằng năm theo quy định; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30/12 hằng năm.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công Thương bố trí lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác; xúc tiến kêu gọi đầu tư kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp các thủ tục triển khai dự án đầu tư vào cụm công nghiệp theo quy định; Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các thủ tục về đất đai, bảo vệ môi trường theo quy định...
Đáng chú ý, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao các huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng kế hoạch hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp và dự toán kinh phí thực hiện gửi Sở Tài chính, Sở Công Thương vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Tiếp tục rà soát, khảo sát, đánh giá các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn và ban hành danh mục các cơ sở công nghiệp tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn cấp huyện được hỗ trợ di dời vào cụm công nghiệp.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp có hành vi gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất di dời vào khu, cụm công nghiệp để thuận lợi trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đối với các cơ sở sản xuất phải xây dựng phương án di dời đảm bảo có tính khả thi, hiệu quả. Tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng kinh phí được hỗ trợ đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả và thanh toán, quyết toán theo đúng quy định hiện hành. Chủ động phối hợp với Sở ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tìm địa điểm di dời đến phù hợp.
Toàn tỉnh có 6 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế và 17 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Các loại hình hoạt động tại các khu công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đều có phát sinh chất thải, trong đó có chất thải nguy hại.
Lượng chất thải rắn công nghiệp ngày càng gia tăng tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm tiểu thủ công nghiệp. Thành phần chất thải rắn công nghiệp thường bao gồm: rác thải hữu cơ (30-40%), tro xỉ (10-15%), kim loại (5-10%), bao bì (2-4%) và các thành phần vô cơ khác như: thủy tinh, cao su, giẻ lau (20-30%). Ngoài ra, thành phần chất thải nguy hại như: dầu thải, sơn keo, dung môi… cũng thường chiếm không quá 20%, tùy thuộc loại hình sản xuất.
Bên cạnh các khu công nghiệp và cụm tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp cũng đang phát sinh các nguồn thải công nghiệp từ các loại hình sản xuất đa dạng, nhiều ngành nghề. Quy mô xả thải của các cơ sở thường không lớn, nhưng do số lượng các cơ sở khá nhiều, nằm xen lẫn trong khu dân cư, nên tổng lượng chất thải phát sinh chiếm tỷ trọng đáng kể.
Phát triển bền vững và sản xuất thân thiện với môi trường không chỉ là xu thế kinh doanh trên toàn cầu đang hướng tới. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động hướng tới phát triển kinh tế xanh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Huyền Diệu