Chủ nhật, 24/11/2024 06:40 (GMT+7)
Thứ bảy, 20/08/2022 07:00 (GMT+7)

Phát triển tín dụng xanh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo dõi KTMT trên

Trước việc ĐBSCL dễ bị tổn thương bởi BĐKH, các chuyên gia cho rằng, tài chính xanh đóng vai trò quan trọng nhằm ngăn chặn BĐKH bằng cách tài trợ cho các dự án năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo, cũng như hỗ trợ phát triển các công trình xanh.

Ngày 19/8, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội thảo khoa học “Tín dụng xanh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Cơ hội, thách thức và xu hướng phát triển” tại tỉnh Vĩnh Long.

Trình bày tại Hội thảo các chuyên gia cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu (BĐKH). Do là vùng có vị trí thấp nên việc mực nước biển dâng cao do BĐKH đã và đang bắt đầu tác động tiêu cực đến khu vực này, nhất là tình trạng xâm nhập mặn. Biến đổi khí hậu đang có tác động tàn phá đến người dân sống ở ĐBSCL, cũng như môi trường tự nhiên vùng đấy chín rồng này.

Một trong những giải pháp hữu hiệu để ĐBSCL ứng phó với BĐKH được các chuyên gia đưa ra đó là tài chính xanh. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tài chính xanh có thể giúp ngăn chặn BĐKH bằng cách tài trợ cho các dự án năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo, cũng như hỗ trợ phát triển các công trình xanh. Bên cạnh đó, ngân hàng xanh có thể giúp nâng cao nhận thức về BĐKH và phát triển bền vững, đồng thời khuyến khích mọi người áp dụng các thực hành thân thiện với môi trường hơn.

Phát triển tín dụng xanh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tại Hội thảo Tín dụng xanh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Cơ hội, thách thức và xu hướng phát triển, các chuyên gia đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến tác động của tín dụng và tài chính xanh tại Việt Nam và ĐBSCL; giới thiệu tài chính xanh ở Việt Nam và ĐBSCL; thực trạng tín dụng xanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; một số giải pháp phát triển tài chính xanh nhằm ngăn chặn BĐKH và thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.

Chia sẻ về rủi ro môi trường trong hoạt động tín dụng tại ĐBSCL, Thạc sỹ Nguyễn Quốc Bình, Khoa Tài chính-Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Vĩnh Long cho rằng, tại ĐBSCL, các hoạt động kinh tế vẫn còn phụ thuộc vào khai thác tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ; chưa có những yếu tố hấp dẫn như năng lực kỹ thuật và môi trường đầu tư tốt để thu hút các dự án công nghệ cao. Nhiều địa phương hiện nay vẫn chủ yếu đặt các ưu tiên cho phát triển kinh tế ngắn hạn hơn là mục tiêu dài hạn mang tính bền vững gắn với vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Cũng theo Thạc sỹ Nguyễn Quốc Bình, một trong những khó khăn lớn nhất của việc thực hiện chính sách tín dụng xanh là việc thiếu đi một hệ thống đánh giá đáng tin cậy về các ngành nghề và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường để làm cơ sở phân loại dự án. Đặc biệt là khi nhiều ngành gây ô nhiễm cũng đang là những ngành mang lợi nhuận cao cho nhiều địa phương. Đối với những chương trình, dự án, mô hình này không được đánh giá một cách đầy đủ dễ dẫn đến rủi ro cho hoạt động tín dụng ngân hàng.

“Với vai trò của ngân hàng là cung ứng vốn cho các chủ thể trong nền kinh tế, thông qua đó tạo ra những tác động gián tiếp đến môi trường, khi ngân hàng tăng cường quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng sạch hơn. Khi đó, hoạt động tín dụng xanh sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường, tích cực hỗ trợ cộng đồng”, Thạc sỹ Nguyễn Quốc Bình nhận định.

Phát triển tín dụng xanh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2
Tài chính xanh sẽ giúp ngăn chặn ảnh hưởng của BĐKH đến vùng ĐBSCL

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long Lý Nhật Trường nhận định, tín dụng xanh được hiểu là các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh mà không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung.

Trên cơ sở các quy định tín dụng hiện hành, các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện cho vay các lĩnh vực tín dụng xanh như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, cho vay tiêu dùng xanh.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến 30/6/2022, dư nợ tín dụng xanh trên địa bàn đạt khoảng 700 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào 2 lĩnh vực chính là nông nghiệp sạch và năng lượng tái tạo.

 
“Để thúc đẩy phát triển tín dụng xanh tại địa bàn trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long chú trọng nâng cao nhận thức về phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh trong ngành ngân hàng, doanh nghiệp và người dân để phối hợp triển khai thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh và tiêu dùng xanh.

Bên cạnh đó, phối hợp các ngành, các cấp trong quy hoạch, phát triển đồng bộ các lĩnh vực nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh, thương mại dịch vụ xanh... tạo nền tảng vững chắc cho tín dụng xanh phát triển”, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long thông tin.  

Phát triển tín dụng xanh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 3
Hội thảo Tín dụng xanh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Cơ hội, thách thức và xu hướng phát triển” diễn ra tại tỉnh Vĩnh Long

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định, có mối quan hệ chặt chẽ giữa ngân hàng xanh và BĐKH tại ĐBSCL. Do đó, thực hành ngân hàng xanh có thể giúp giảm thiểu tác động của BĐKH.

Theo phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, mực nước biển dâng cao, lũ lụt gia tăng và các hiện tượng thời tiết cực đoan hơn đều được cho là sẽ có tác động lớn đến vùng ĐBSCL. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến lĩnh vực ngân hàng, vì các ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro gia tăng đối với hoạt động và tài sản của mình. Thực hành ngân hàng xanh có thể giúp giảm thiểu tác động của BĐKH tại ĐBSCL.

“Bằng cách tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường, quảng bá các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng bền vững và thúc đẩy các hoạt động ngân hàng bền vững, các ngân hàng có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân chia sẻ.

Theo các chuyên gia, BĐKH sẽ tác động không nhỏ đến nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng ở ĐBSCL. Khi khu vực trở nên dễ bị tổn thương hơn bởi BĐKH, người dân sẽ ngày càng cần được tiếp cận với các dịch vụ tài chính có thể giúp họ đối phó với các tác động của BĐKH. Điều này sẽ tạo cơ hội mới cho các ngân hàng trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Do đó, ngân hàng xanh nếu được thực hiện tốt sẽ có tác dụng ngăn chặn các ngành công nghiệp gây ô nhiễm lớn ngay từ khi các dự án mới hình thành, và được xem là một giải pháp hữu hiệu để chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang nền kinh tế xanh ở Việt Nam.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng với BĐKH. 

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (các tổ chức tín dụng), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ, các văn bản sửa đổi, bổ sung và Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; tích cực tham gia, triển khai các chương trình, chính sách tín dụng khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ tái cơ cấu, phát triển bền vững ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống người nông dân vùng ĐBSCL.  

Bên canh đó, rà soát, nắm bắt các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, và đề xuất, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung chính sách (nếu có) phù hợp với thực tế triển khai, đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH. 

Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước các tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trên địa bàn các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị. 

Thư Anh

Bạn đang đọc bài viết Phát triển tín dụng xanh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới