Quản lý nhu cầu và điều chỉnh phụ tải điện
Tốc độ tăng trưởng phụ tải điện ở Việt Nam đang ở mức hơn hai con số và còn tiếp tục duy trì, trong khi đó, việc đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nguy cơ mất cân bằng cung cầu và có thể thiếu điện. Theo tính toán, chi phí giảm 1 MW phụ tải điện rẻ hơn chi phí đầu tư thêm 1 MW cho nhu cầu phụ tải.
Nhằm tăng cường quản lý nhu cầu điện, giảm nguy cơ thiếu điện, giảm áp lực đầu tư cũng như tăng giá điện, ngành điện đang nỗ lực triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải (DR), góp phần mang nhiều lợi ích thiết thực cho nền kinh tế.
Công nhân Tổng công ty Điện lực miền bắc hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm. Ảnh: Kim Ngân. |
Nguy cơ thiếu điện
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết, tính đến hết tháng 4/2019, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam đạt gần 50 nghìn MW. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra, mỗi năm cần đưa vào vận hành khoảng 5.000 MW nguồn điện và thu xếp bảy đến tám tỉ USD đầu tư hệ thống nguồn, lưới điện. Hiện nay, cường độ sử dụng năng lượng ở Việt Nam thuộc nước cao nhất trong khu vực và thế giới, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện bình quân khoảng 10% giai đoạn 2015-2020. Hệ số đàn hồi điện cao (để làm ra một đơn vị GDP, Việt Nam cần 1,6 đến 1,8 đơn vị điện, trong khi tỉ lệ này trên thế giới là 1:1 hoặc thấp hơn). Điều này cho thấy, việc sử dụng năng lượng chưa hiệu quả, nhất là một số ngành sản xuất công nghiệp.
Đáng lo ngại, trong vài năm trở lại đây, chưa có nguồn điện lớn nào được khởi công hoặc đưa vào khai thác. Các dự án nguồn điện (than, khí) theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ từ hai đến ba năm. Thêm vào đó, nguồn cung năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt, phải nhập khẩu một số loại nhiên liệu (than, dầu, khí); nguồn nước thủy điện ngày càng thấp do tác động của biến đổi khí hậu,... Trong khi đó, nhu cầu phụ tải vẫn tiếp tục tăng cao hơn hai con số, có thể kéo dài đến năm 2025, gây áp lực lớn trong cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Các chuyên gia cảnh báo, nguy cơ thiếu điện là có thật nếu không có giải pháp kịp thời. Biện pháp cấp bách, hữu hiệu hiện nay là quản lý nguồn cầu, đẩy mạnh sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, trong đó có chương trình DR. Những năm qua, EVN và các đơn vị đã tuyên truyền tiết kiệm điện, sản lượng tiết kiệm hằng năm đạt hơn 1,5% song vẫn chưa đạt mức kỳ vọng, nhất là ở khối doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp. Điện năng tiêu thụ của khối DN sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 55% tổng điện năng toàn quốc, tương đương 100 tỉ kW giờ năm 2018.
Do đó, chỉ cần tiết kiệm 1% (một tỉ kW giờ), chúng ta sẽ tiết kiệm gần 1.600 tỉ đồng. Cục trưởng Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, chi phí giảm 1 MW phụ tải điện rẻ hơn chi phí đầu tư thêm 1 MW cho nhu cầu phụ tải. Mặt khác, chi phí huy động, quản lý điều hành hệ thống điện trong giờ cao điểm cao hơn rất nhiều so với giờ thấp điểm dù nhu cầu phụ tải như nhau.
Nghiên cứu của ngành điện và chuyên gia đã chỉ ra rằng, nguyên nhân khiến sản lượng điện tiết kiệm của các DN sản xuất công nghiệp chưa cao vì giá điện cho khối sản xuất công nghiệp vẫn đang được ưu tiên, khuyến khích phát triển; dây chuyền công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp; nhiều chủ DN chưa thật sự quan tâm tiết kiệm năng lượng; công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị vi phạm sử dụng năng lượng còn hạn chế; nhiều giải pháp tiết kiệm điện có mức đầu tư cao trong khi các định chế tài chính, ngân hàng chưa sẵn sàng cho DN vay để đầu tư áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Giải pháp được kỳ vọng
Chương trình DR là một trong những nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng điện, góp phần bảo đảm cân bằng cung cầu điện, tối ưu hóa hệ thống điện, nâng cao độ tin cậy và an toàn cung cấp điện, giá trị dịch vụ và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; góp phần giảm tác hại môi trường; bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển bền vững. Chương trình DR sẽ góp phần giảm hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng điện của khách hàng, giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện vùng/miền hoặc tại các khu vực lưới điện bị quá tải/nghẽn mạch cục bộ.
Còn với ngành điện, DR sẽ giảm chi phí quản lý điều hành, chi phí phục vụ, nâng cao hiệu suất và tính linh hoạt trong vận hành; giảm nhu cầu về vốn đầu tư; nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Mục tiêu phấn đấu của chương trình là giảm công suất phụ tải đỉnh so với dự báo: 90 MW (năm 2020), 300 MW (năm 2025) và 600 MW (năm 2030); tăng hệ số phụ tải hệ thống điện quốc gia khoảng 1 đến 2% (2018-2020) và 3 đến 4% (2021-2030).
DR được bắt đầu triển khai từ năm 2007, tuy nhiên trước đây, do cơ chế, chính sách chưa đầy đủ và cụ thể, cho nên kết quả chưa đạt mục tiêu đề ra. Nhằm đẩy mạnh chương trình này, ngày 8/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030; Bộ Công thương đã phê duyệt lộ trình và kế hoạch thực hiện Chương trình DR; xây dựng và hoàn thiện thông tư hướng dẫn với bốn quy trình thực hiện, phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ DN.
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho biết, có ba loại hình gồm DR phi thương mại, tự nguyện; DR theo cơ chế khuyến khích tài chính trực tiếp (nhận tiền khuyến khích dựa trên sản lượng/công suất tiết kiệm được) và DR theo cơ chế giá điện (được áp dụng biểu giá điện hai thành phần; biểu giá điện cực đại thời gian thực). Khách hàng tham gia chương trình nào, sẽ có cơ chế ưu đãi tương ứng.
Cục Điều tiết Điện lực đang tích cực hướng dẫn các đơn vị ngành điện triển khai; phối hợp Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế ưu đãi cụ thể phù hợp từng giai đoạn. Trước mắt, ngành điện sẽ triển khai chương trình DR phi thương mại và tự nguyện trên cơ sở lựa chọn những DN có sản lượng tiêu thụ điện từ một triệu kW giờ/năm trở lên, đã được trang bị công-tơ điện tử đo xa và lưu trữ số liệu theo chu kỳ 30 phút/lần.
DN có khả năng tiết giảm tiêu thụ điện trong vòng 30 phút kể từ khi nhận được thông báo của ngành điện và có khả năng giảm từ 10 đến 20% tiêu thụ so với phụ tải thực tế trong chế độ vận hành bình thường; thời gian nhiều nhất cho mỗi lần điều chỉnh phụ tải không quá ba giờ. Các DN tự nguyện tham gia, chủ động quyết định quy mô, loại phụ tải để ngừng hoặc tiết giảm trên cơ sở lựa chọn dây chuyền sản xuất hoặc những phụ tải phù hợp.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) Lê Quang Thái cho biết, năm nay, EVNNPC tập trung thực hiện chương trình DR theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương và EVN, lựa chọn hơn 4.000 DN có sản lượng điện tiêu thụ từ một triệu kW giờ/năm trở lên để tư vấn, mời tham gia chương trình. EVNNPC đã thành lập ban chỉ đạo và xây dựng bộ máy để thực hiện nhiệm vụ; đào tạo chuyên môn, đầu tư thiết bị máy móc, ứng dụng công nghệ thông tin; tuyên truyền và tiếp cận DN, đề xuất cơ quan quản lý các cơ chế hỗ trợ...
Khi tham gia Chương trình DR phi thương mại, DN sẽ được hưởng nhiều lợi ích như được hưởng giá điện ưu đãi do chuyển phụ tải từ giờ cao điểm sang thấp điểm; tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. EVNNPC cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho DN tham gia bằng việc hỗ trợ nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; đưa vào danh sách khách hàng ưu tiên cấp điện; rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện; hỗ trợ các yêu cầu phát sinh trong quá trình sử dụng,… Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hưng Yên Hà Mỹ Hạnh cho biết, đây là chương trình thiết thực cho DN nhưng để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài nỗ lực của ngành điện, cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp và cộng đồng DN, nhất là cần có cơ chế hỗ trợ các bên tham gia.
Bước đầu, chương trình DR đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các DN. Việc tiết giảm và sử dụng năng lượng điện hiệu quả; giảm các công đoạn, dây chuyền phù hợp vào giờ cao điểm sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho DN và ngành điện, cũng như quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần vào sự phát triển bền vững. Tổng Giám đốc Công ty Dệt Hà Nam Nguyễn Hữu Vũ cho biết: DN có hai cơ sở sản xuất sợi để xuất khẩu, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 800 nghìn kW giờ điện với số tiền hàng chục tỉ đồng. Công ty rất quan tâm việc tiết kiệm điện, cho nên khi ngành điện giới thiệu chương trình DR, công ty ủng hộ và tham gia ngay vì ảnh hưởng trực tiếp lợi ích của DN. DN được ngành điện tư vấn kiểm tra, đánh giá hiệu suất sử dụng điện của hệ thống dây chuyền, thiết bị; đánh giá thời điểm sử dụng điện trong ngày cũng như khả năng tiết giảm điện trong giờ cao điểm, giúp DN lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh, bố trí sản xuất hợp lý; đầu tư dây chuyền, nhà xưởng…
Phó Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Chinfon Lê Minh Hiếu kiến nghị, đối với chương trình DR, DN cần chia sẻ với Nhà nước và ngành điện tuy nhiên cũng cần có giải pháp hợp lý. Hiện nay, tại TP Hải Phòng nơi công ty đứng chân có nhiều DN tham gia các lĩnh vực khác nhau, sản phẩm và thị trường khác nhau cho nên chu trình hoạt động sản xuất khác nhau, nhu cầu sử dụng điện cũng khác nhau từng thời điểm. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện cần xây dựng chương trình DR theo mùa, hoặc từng giai đoạn.