Chủ nhật, 24/11/2024 08:02 (GMT+7)
Thứ tư, 10/11/2021 16:00 (GMT+7)

Quy hoạch tài nguyên nước đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia

Theo dõi KTMT trên

Việc quy hoạch nước là chìa khóa để giải quyết những yêu cầu của thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Đồng thời, góp phần khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Sáng 10/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc xây dựng các quy hoạch tài nguyên nước góp phần tạo ra sự thay đổi và làm nên sức mạnh tổng hợp của các đơn vị tài nguyên nước trong việc thực hiện quy hoạch. Đồng thời là chìa khóa để giải quyết những yêu cầu của thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước. 

Theo đó, mục tiêu chung của Quy hoạch là đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia, chủ động về nguồn nước cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong mọi tình huống; Bảo đảm phân bổ, điều hòa tài nguyên nước một cách công bằng.

Quy hoạch tài nguyên nước đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia - Ảnh 1
Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến. (Ảnh: Báo TN&MT)

Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, góp phần đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%/năm.

Thêm vào đó, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra và hướng tới quản trị ngành nước trên cơ sở chuyển đổi số; Đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng là cơ sở cho việc xây dựng, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vinh thông tin, về tiến độ lập quy hoạch tài nguyên nước, Cục đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, các chuyên gia và đặc biệt được sự hỗ trợ của Tổ chức cộng tác vì nước của Australia tài trợ đã hoàn thành Dự thảo 1. Tiếp đó, Bộ đã tổ chức Hội đồng thẩm định cấp Bộ, trên cơ sở kết luận của Chủ tịch Hội đồng, Cục đã tổ chức, nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Dự thảo 2.

Cục đã trình Bộ ban hành văn bản gửi 85 đơn vị, trong đó, 20 đơn vị là Bộ, cơ quan ngang Bộ; 63 địa phương và 2 đơn vị khác là VCCI và EVN. Đến nay, Cục đã nhận được 50 ý kiến, trong đó, có 10 Bộ, ngành là Bộ: GTVT, GD&ĐT, Y tế, Nội vụ, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, VCCI và 40 địa phương. Cục cũng đã liên hệ với 13 Bộ, ngành còn lại để lấy ý kiến góp ý.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đang tiến hành tổng hợp ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, chủ động hoàn thành Hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ thành lập và tổ chức họp Hội đồng cấp Quốc gia, thành phần hồ sơ gồm: Tờ trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng; Dự thảo Công văn gửi các Bộ, ngành cử thành viên tham gia Hội đồng thẩm định; Hồ sơ quy hoạch.

Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị có liên quan trong công tác xây dựng quy hoạch tài nguyên nước. Công tác xây dựng quy hoạch tài nguyên nước phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tính liên kết tổng thể trên phạm vi từng vùng, từng lưu vực sông; Phải liên kết với các ngành sử dụng nước khác nhau để phát triển bền vững, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu.

Thứ trưởng đề nghị, Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan rà soát bổ sung, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình lãnh đạo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Theo nhận định của ông Nguyễn Hồng Hiếu - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Điều tra cơ bản tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước, để đạt được những mục tiêu của Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, cần phải giải quyết được các vấn đề về điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra.

Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp với đặc điểm tài nguyên nước, hiện trạng, nguồn lực ngành nước, giải quyết thấu đáo các thách thức thông qua các chính sách pháp luật đồng bộ, hiệu quả, hiệu lực. Trong đó, cần thiết phải đặt vấn đề an ninh tài nguyên nước quốc gia, an ninh tài nguyên nước cấp lưu vực lên hàng đầu, đặc biệt là an ninh nước cấp cho sinh hoạt, các hoạt động thiết yếu của người dân.

Đồng thời, phải xây dựng các chính sách liên quan đến xã hội hóa ngành nước, tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế trong việc ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm nguồn nước, cung ứng các dịch vụ nước, đặc biệt là chính sách tính đúng, tính đủ, nâng cao giá trì của nước trong các hoạt động sản xuất và đây cũng là cơ sở để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả...

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch tài nguyên nước đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới