Quý I/2022, rừng Amazon bị tàn phá cao nhất trong 6 năm
Theo thống kê mới đây của Brazil, nạn phá rừng nhiệt đới Amazon đã giảm 15% vào tháng 3, nhưng nạn phá rừng tại khu vực này trong quý đầu tiên của năm 2022 lại tăng cao nhất trong ít nhất 6 năm.
Số liệu từ Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE) cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, nạn phá rừng Amazon của Brazil đã tăng 64% so với một năm trước, lên 941 km2. Diện tích đó - lớn hơn cả Thành phố New York (Mỹ) - là khu vực có độ che phủ rừng bị mất nhiều nhất trong khoảng thời gian kể từ khi chuỗi dữ liệu bắt đầu từ giai đoạn 2015 - 2016.
Một báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu mới đây cảnh báo rằng, Brazil chưa nỗ lực kiềm chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo báo cáo, nguyên nhân chủ yếu là sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhưng nạn phá rừng cũng chiếm khoảng 10% lượng khí thải toàn cầu.
Một số nhà khoa học dự đoán nạn phá rừng sẽ tiếp tục gia tăng trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới của Brazil. Theo Carlos Souza Jr, một nhà nghiên cứu tại Viện Imazon, việc thực thi môi trường thường yếu đi trong những năm bầu cử và số lượng tội phạm phá rừng có thể gia tăng trước khi chính phủ mới nhậm chức.
Trước đó, Liên Hợp Quốc khẳng định đã đến lúc thế giới nhìn thấy những hành động cụ thể và đáng tin cậy trên mặt đất, dưới hình thức chấm dứt các mô hình khai thác rừng không bền vững.
Theo Liên Hợp Quốc cho biết, trong 10 năm tổ chức Ngày Quốc tế bảo vệ rừng (21/3), nhiều cam kết ngăn chặn phá rừng đã được thực thi và ở một số nơi, tình trạng phá rừng đã giảm. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có khoảng 10 triệu ha rừng biến mất.
Rừng Amazon chiếm hơn 50% rừng nhiệt đới còn lại của Trái Đất và phong phú nhất về loài cây, động vật trên thế giới. Amazon là một khu bảo tồn thiên nhiên trên thế giới, một khu dự trữ sinh quyển cho loài người. Chính vì vậy, sự bảo tồn các loài động vật quý hiếm và các loại tài nguyên, nhất là nguồn tài nguyên sinh vật, tại khu vực này cũng chính là nhằm bảo vệ sự tồn tại và phát triển của thế giới loài người.
Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất của rừng Amazon đối với sự sống còn của nhân loại đó là chức năng hấp thụ khí CO2, khí gây hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt độ Trái Đất ngày càng nóng lên.
Trong khi lượng khí phát thải carbon đã tăng 50% trong 50 năm, vượt qua ngưỡng 40 tỷ tấn năm 2019, rừng Amazon đã hấp thụ một phần đáng kể lượng khí này ( gần 2 tỷ tấn mỗi năm ). Vấn đề là trong nửa thế kỷ qua, con người đã không ngừng đốt phá rừng Amazon để lấy đất canh tác và nuôi gia súc. Chính trong khoảng thời gian đó, Brazil đã trở thành quốc gia xuất khẩu thịt bò nhiều nhất thế giới.
Có thể nói tầm quan trọng của phát triển và bảo vệ rừng từ lâu đã được thế giới quan tâm. Năm 2015, tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã thông qua chính sách phát triển bền vững, xoay quanh 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), trong đó Mục tiêu 15 liên quan đến việc sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên đất liền, quản lý bền vững rừng, chống sa mạc hóa và phục hồi đất suy thoái.
Được biết, Amazon bao phủ phần lớn của Nam Mỹ và là nơi sinh sống của khoảng 25% tổng đa dạng sinh học trên Trái Đất. Hơn nữa, cánh rừng này còn là “lá phổi xanh” hấp thu phần lớn CO2 trong khí quyển. Nếu không có “lá phổi” này, nhiệt độ toàn cầu nhất định sẽ tăng lên. Nếu tính tổng diện tích rừng trên thế giới, lượng CO2 do rừng hấp thụ đủ để bù đắp gấp rưỡi lượng carbon mà nước Mỹ thải ra mỗi năm.
Tuy nhiên, nạn phá rừng toàn cầu vẫn tiếp diễn ở mức báo động. Theo đó, khi rừng bị mất hoặc suy thoái, khí thải carbon mà cây cối đã thu nhận từ khí quyển và lưu trữ trong nhiều thế kỷ sẽ được giải phóng. Vào năm 2020, 2,5 tỷ tấn CO2 đã được thải lại vào khí quyển do việc mất rừng nhiệt đới.
Ngoài ra, các khu rừng trên thế giới đóng vai trò như "lá chắn" ngăn các bệnh truyền nhiễm từ động vật, có nghĩa là đánh mất rừng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Lan Anh