Chủ nhật, 24/11/2024 09:47 (GMT+7)
Chủ nhật, 02/08/2020 07:00 (GMT+7)

Rừng keo nguyên liệu trước nguy cơ bệnh hại

Theo dõi KTMT trên

Keo là cây trồng chính trong trồng rừng sản xuất ở nước ta với diện tích khoảng 1,6 triệu hecta, chiếm 45% diện tích rừng trồng cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, bệnh hại trên cây keo, điển hình là bệnh chết héo đang có chiều hướng diễn ra ở nhiều địa phương.

Nguy cơ bệnh chết héo phát dịch trên quy mô lớn ở Việt Nam chưa cao nhưng loại bệnh này gần như đã xoá sổ hơn 1 triệu hecta rừng trồng keo ở Indonesia đang đòi hỏi các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan quản lý trong nước phải sớm vào cuộc để bảo đảm nguồn nguyên liệu bền vững cho chế biến và xuất khẩu.

Rừng keo nguyên liệu trước nguy cơ bệnh hại - Ảnh 1
Vườn cây keo lai khoảng 10 hecta của ông Nguyễn Văn Hùng, người dân tộc Mường thuộc xóm Máy 4, xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN)

Không chỉ Indonesia, trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia cũng đã có khoảng 300.000 hecta và Việt Nam cũng đang có gần 100 hecta keo bị bệnh chết héo. Tuy diện tích còn nhỏ nhưng bệnh đã xuất hiện nhiều trong một số năm gần đây và trên nhiều địa phương cả nước.

Trước tình hình này, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, cây keo không chỉ đang có bệnh chết héo mà cùng với đó là bệnh phấn hồng, vàng lá. Nếu để các bệnh lan ra khoảng 500.000 hecta thì tăng trưởng của ngành lâm nghiệp sẽ thụt lùi. Do đó, các Viện, Trường cần tập trung vào cuộc xử lý nhanh và không phải bây giờ mới đi nghiên cứu.

“Không để xảy ra tình trạng như một số nước hiện nay, các đơn vị cần bắt tay làm cương quyết ngay từ bây giờ. Những khuyến cáo từ giống sạch bệnh, biện pháp xử lý đất, xử lý khi cây chết… hay quy trình sản xuất cần phải có để người trồng rừng áp dụng”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nêu rõ.

Ông Đào Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, bệnh chết héo trên cây keo xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2008, với một vài điểm nhưng nay nhiều vùng trồng keo bị nhiễm bệnh này, đặc biệt là những nơi có lượng mưa nhiều như Tuyên Quang, Quảng Ngãi...

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay bệnh chết héo cây keo xuất hiện và gây hại ở nhiều địa phương trên cả nước như Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Phước, Cà Mau...

Tỉ lệ bị bệnh trên những lô bị bệnh từ 20 - 45%. Cùng với đó là bệnh vàng lá đã ghi nhận vườn ươm, vườn vật liệu và rừng trồng ở Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định với tỉ lệ từ 20 - 90% diện tích.

Tổng cục Lâm nghiệp đã kiểm tra tại tỉnh Tuyên Quang cho thấy, diện tích rừng trồng là keo tai tượng bị chết héo và bệnh vàng lá là 98,5 hecta, tỉ lệ bị bệnh trên 70%, do đó địa phương phải phá bỏ và trồng lại diện tích này. Hiện nay, bệnh xảy ra rải rác ở nhiều nơi nhưng chưa có thống kê cụ thể, đầy đủ về diện tích bị hại.

Ngành đã xác định được 14 loài sinh vật gây bệnh hại chính trên các loài keo; trong đó, 3 bệnh có khả năng bùng phát thành dịch: bệnh do nấm Ceratocytis manginecans gọi là bệnh chết héo; bệnh phấn hồng hại thân do nấm Corticium salmonicolor; bệnh vàng lá do các loài nấm thuộc chi Phytophthora, chưa xác định được loài và cơ chế gây bệnh.

Kết quả điều tra của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho thấy, bệnh chết héo xuất hiện ở tất cả các loài keo là keo tai tượng, keo lai, keo lá tràm và keo lá liềm. Bệnh đã xuất hiện ở cả 3 miền trên cả nước, chủ yếu bị bệnh ở giai đoạn cây keo từ 1-3 năm tuổi, gây thiệt hại lớn cho người trồng rừng.

Ở những địa phương có lượng mưa cao thì mức độ bị hại thường cao hơn. Thời gian xuất hiện triệu chứng bệnh nặng nhất từ các tháng sau mùa mưa. Nấm gây hại và lây lan mạnh trên các lập địa đã canh tác liên tục nhiều luân kỳ keo, đặc biệt là các khu vực trồng keo với diện tích lớn, nơi có lượng mưa cao.

Ông Đào Ngọc Quang cho rằng, tuy diện tích bị thiệt hại chưa nhiều, nhưng một số điểm bị nhiễm gây hại từ 10-20%. Nếu chủ quan, lơ là, không tập trung phòng trừ thì bệnh sẽ lan rộng, thành dịch và gây thiệt hại kinh tế cho người trồng rừng.

“Vấn đề cơ bản nhất của loại bệnh này là nếu cây bị tổn thương sẽ rất dễ bị xâm nhiễm bệnh. Do đó, trong quá trình chăm sóc, tỉa thưa hay một số vùng trồng bà con khó kiểm soát gia súc chăn thả, làm cây bị tổn thương thì cây keo sẽ rất dễ bị bệnh tấn công”, ông Đào Ngọc Quang lưu ý.

Ông Đào Ngọc Quang cho biết, nếu tỉ lệ cây bị ít với mức độ bệnh thấp có thể dùng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu cây bị nặng sẽ phải chặt bỏ và mang ra khỏi khu rừng đó tiêu hủy để tránh nguồn bệnh lây lan. Những diện tích rừng nào bị quá nặng sẽ phải thanh lý.

Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, việc nghiên cứu về chọn giống keo kháng bệnh đã xác định được một số giống như: với giống keo lai là BV584, BV523, BV434, BV350, BB055, BV10, BV16…; keo lá tràm là CLT7, CLT18, CLT25, CLT26, CLT43, CLT57, CLT64, CLT98, CLT171, AA1, AA9...

Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, ngành lâm nghiệp đã xây dựng dự thảo quy trình phòng trừ bệnh chết héo và đang triển khai thử nghiệm tại các đơn vị sản xuất, hiệu quả ban đầu đạt trên 75%. Đó là việc sử dụng giống có khả năng chống chịu bệnh và sạch bệnh; trước khi trồng phải thu dọn xác thực vật, tiêu hủy những cây keo hoặc cây trồng khác đã bị bệnh, đào hố trồng trước ít nhất 1 tháng; bón vôi, sử dụng các chế phẩm phòng chống mối, kiến... và tuân thủ theo đúng hướng dẫn kỹ thuật trồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, Tổng cục đang phối hợp với các đơn vị nghiên cứu sớm tổng kết các nhiệm vụ nghiên cứu đang triển khai, trên cơ sở đó xây dựng và ban hành quy trình hướng dẫn cụ thể từ khâu chuẩn bị cây giống, hiện trường trồng rừng, trồng và chăm sóc rừng để giảm thiểu tác động của bệnh hại. Tổng cục tiếp tục khảo sát, nắm bắt tình hình bệnh hại và đôn đốc các địa phương triển khai theo khuyến cáo của Bộ.

Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề nghị địa phương rà soát, phát hiện, đồng thời khoanh vùng kịp thời những diện tích rừng trồng bị bệnh hại và thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phòng trừ bệnh hại cây rừng.

Bích Hồng

Bạn đang đọc bài viết Rừng keo nguyên liệu trước nguy cơ bệnh hại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới