Chủ nhật, 24/11/2024 11:07 (GMT+7)
Thứ ba, 30/03/2021 09:41 (GMT+7)

Rừng tại Đắk Lắk bị phá tràn lan trong sự bất lực của chủ rừng

Theo dõi KTMT trên

Việc phá rừng tại Đắk Lắk thời gian gần đây có thêm những thủ đoạn và đối tượng mới, rất tinh vi, liều lĩnh và có hệ thống.

Đắk Lắk đang trong cao điểm mùa khô, cũng là mùa đốt nương làm rẫy. Ở nhiều nơi, rừng bị phá tan hoang. Chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng gần như bất lực trước việc người dân xâm hại rừng. Những khoảng rừng bị phá năm trước, nay cây sắn, cây ngô đã cho thu hoạch, trong khi những khoảng rừng khác đang tiếp tục bị tàn phá. Đáng chú ý, việc phá rừng tại Đắk Lắk thời gian gần đây có thêm những thủ đoạn và đối tượng mới, rất tinh vi, liều lĩnh và có hệ thống.

Rừng tại Đắk Lắk bị phá tràn lan trong sự bất lực của chủ rừng - Ảnh 1
Khoảnh rừng bị phá năm 2020.

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi trở lại Tiểu khu 704, lâm phần Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, địa phận xã Cư Bông, huyện Ea Kar. Tại đây, gần như toàn bộ những diện tích rừng bị đốt phá nghiêm trọng của năm 2020 mà chúng tôi đã phản ánh, đều đã biến thành đất trồng sắn. Những rẫy sắn nối tiếp nhau, ngút cả tầm nhìn. Xen giữa cây sắn là những cây rừng chưa cháy hết, vẫn còn nằm ngổn ngang. Cây sắn ở đây cao quá đầu người, ước chừng đã trồng được gần 1 năm, chuẩn bị cho thu hoạch. Một cán bộ Công ty lâm nghiệp cho biết, việc phá rừng ở đây diễn ra suốt nhiều năm và hễ rừng bị phá là bị chuyển thành đất sản xuất. Việc ngăn chặn các đối tượng phá rừng lấy đất rất khó khăn. Ở đây, các đối tượng dùng phương thức mới, không cần cưa hạ cây, chỉ việc đốt 1-2 năm rồi tiến hành trồng tỉa, rất khó xác định hành vi phá rừng và cũng rất khó ngăn chặn người dân trồng tỉa trên đất rừng đã bị phá. 

Rừng tại Đắk Lắk bị phá tràn lan trong sự bất lực của chủ rừng - Ảnh 2
Năm nay đã biến thành rẫy sắn.

“Khu này bị xâm canh dần, như khu mấy cây khô kia, cháy xong là bị chết, họ làm rẫy. Sắn ở đây trồng 1 năm, chuẩn bị thu, chúng tôi đã có báo cáo. Trước có làm phương án xoá bỏ cây trồng này, nhưng trình lên huyện nhưng chưa quyết bởi vì nếu xoá bỏ thì cấp huyện trở lên, chúng tôi làm thì không thể được. Dân họ đốt là không cần chặt hạ, như này khoảng 3 tháng nữa là hết khu này.”- cán bộ công ty lâm nghiệp nói.

Là khu vực điểm nóng về phá rừng lấy đất sản xuất, ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, tình trạng phá rừng trên lâm phần công ty mỗi năm một phức tạp, và những tháng đầu năm nay là đặc biệt nghiêm trọng. Thủ đoạn phá rừng của các đối tượng ngày càng tinh vi, nguy hiểm, rất khó giữ được rừng. Đáng lo hơn là lâm phần của công ty giáp với khu vực Nhà nước đang thực hiện tái định cư lòng hồ Thuỷ lợi Krông Pách thượng. Hơn 700 hộ dân với gần 4.000 người chủ yếu là người dân tộc thiểu số phía bắc được di dời về khu vực giáp với rừng. Việc quản lý, bảo vệ sẽ trở nên rất khó khăn nếu không có những giải pháp ổn định sản xuất cho bà con.

Rừng tại Đắk Lắk bị phá tràn lan trong sự bất lực của chủ rừng - Ảnh 3
Cả ngọn đồi rừng bị đốt trụi năm 2020.

 “Số vụ phá rừng trên lâm phần của công ty càng ngày càng tăng, năm 2019 xảy ra 114 vụ,  năm 2020 là 204 vụ và đặc biệt là 2 tháng đầu năm 2021 này có đến 94 vụ phá rừng và khai thác gỗ trái phép. Thủ đoạn phá mới là phát, cưa những cây gỗ nhỏ, đến đỉnh mùa khô thì tiến hành đốt làm cho những cây gỗ lớn cũng chết theo.”- ông Bùi Quốc Tuấn cho biết. 

Cùng với các huyện Ea Kar, Krông Bông, việc phá rừng lấy đất sản xuất cũng diễn ra ồ ạt tại huyện Ea Suóp trong sự bất lực của chủ rừng. Ông Nguyễn Văn Quyến, Giám đốc Công ty TNHH HTV chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk cho biết, riêng trong năm 2020, trên lâm phần công ty có hơn 31ha rừng bị phá và bị lấn chiếm. Các đối tượng lâm tặc rất manh động, liều lĩnh, tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng chưa quyết liệt, triệt để, dẫn đến việc xâm hại rừng mỗi ngày một nghiêm trọng hơn. 

“Các đối tượng phá rừng chiếm đất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng bảo vệ rừng của công ty. Các vụ hành hung, đe doạ và phá hoại tài sản, các trạm bảo vệ rừng của công ty thì đã gửi hồ sơ tới các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Đặc biệt là các vụ chiếm đất làm nhà, lán trại trong diện tích công ty cũng đã tồn đọng rất nhiều.”- ông Nguyễn Văn Quyến cho biết. 

Rừng tại Đắk Lắk bị phá tràn lan trong sự bất lực của chủ rừng - Ảnh 4
Năm nay rẫy sắn đã ngút tầm nhìn.

Đáng báo động hơn tại Đắk Lắk thời gian gần đây, việc phá rừng chiếm đất không chỉ để sản xuất đơn thuần mà còn có dấu hiệu có tổ chức, có hệ thống. Có những đầu nậu thu gom số lượng lớn đất rừng để buôn bán, lừa đảo người dân thiếu hiểu biết. Việc mua bán đất rừng lấn chiếm trái phép càng khiến cho tình hình phá rừng tại các huyện trọng điểm như Ea Suóp, Ea Kar, Krông Bông thêm phức tạp. Ông Ngô Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, huyện đang tổ chức đấu tranh, truy quét và ngăn chặn loại tội phạm mới, rất nguy hiểm này. 

“Không chỉ có hành vi xâm lấn đất trái phép, mà còn diễn ra việc mua bán, lừa đảo. Những người dân từ nơi khác đến mà chưa biết nguồn gốc đất thế nào, các đối tượng vẫn tổ chức sang nhượng và cam kết sẽ làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở tại các tiểu khu này. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì các tổ trinh sát, các cơ quan, đặc biệt là cơ quan công an nắm bắt tình hình đã báo cáo rất nhiều về Huyện uỷ, UBND huyện.”- ông Ngô Văn Thắng cho biết.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, tính đến đầu năm 2021, có gần 20.000 ha rừng của các công ty lâm nghiệp, khoảng 5.400 ha rừng của các dự án nông lâm nghiệp và đặc biệt là hơn 25.000 ha rừng do UBND cấp xã quản lý đã và đang bị xâm chiếm trái phép. Việc lấn chiếm đất rừng ở Đắk Lắk đang rất nóng bỏng và liên tục gia tăng trong những năm gần đây. Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho rằng, cùng với năng lực hạn chế của chủ rừng thì tình trạng rừng bị xâm hại có nguyên nhân lớn từ cơ chế, chính sách. Nguồn lực đầu tư cho quản lý, bảo vệ rừng hiện nay rất hạn chế, đời sống cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng chưa đảm bảo, trong khi trách nhiệm lại quá nặng nề. 

Rừng tại Đắk Lắk bị phá tràn lan trong sự bất lực của chủ rừng - Ảnh 5
Xen giữa cây sắn là những rừng chưa cháy hết, còn nằm ngổn ngang.

“Tôi cho rằng phải rà soát lại và tăng cường hơn nữa nguồn lực đầu tư cho quản lý bảo vệ rừng tự nhiên. Rừng tự nhiên bây giờ tất cả đều là không được khai thác thì trách nhiệm của Nhà nước phải đầu tư kinh phí cho quản lý, bảo vệ. Đầu tư ở đây là phải đầu tư tương xứng mới có thể giữ được, chứ không là chúng ta bảo chỉ hỗ trợ còn bao nhiêu chủ rừng tự lo, dứt khoát rừng không thể giữ được. Mặt khác, phải xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm, đậu nậu lấn chiếm, mua bán đất rừng.”- ông Nguyễn Hoài Dương cho biết. 

Đã 5 năm Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đóng cửa rừng và thực hiện các giải pháp cấp bách bảo vệ, khôi phục rừng tự nhiên. Tuy nhiên, tại Đắk Lắk cho thấy, nhiệm vụ bảo vệ rừng đang hết sức gian nan trước nạn xâm canh, không chỉ từ người dân mà còn xuất hiện những đối tượng mới, những đầu nậu có dấu hiệu, có tính chất hệ thống, có tổ chức. Trong khi nguồn lực dành cho quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế, hàng loạt chủ rừng cũng cho thấy năng lực rất yếu kém, nhiều chủ rừng còn buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng phá rừng càng khó kiểm soát.

Công Bắc

Bạn đang đọc bài viết Rừng tại Đắk Lắk bị phá tràn lan trong sự bất lực của chủ rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới