Chủ nhật, 24/11/2024 11:10 (GMT+7)
Thứ bảy, 24/10/2020 09:02 (GMT+7)

Sau lũ, Hà Tĩnh đối diện với nguy cơ dịch bệnh bùng phát

Theo dõi KTMT trên

Tình trạng nhà cửa bị ngập sâu, nước lũ chứa nhiều tạp chất ô nhiễm, xác động vật, thực vật chết nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối….đang đẩy người dân vùng lũ Hà Tĩnh vào tình cảnh phải đối diện với nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Rác thải bủa vây dân vùng lũ

Theo ghi nhận của phóng viên VOV, 3 ngày nay Hà Tĩnh đã không còn mưa. Nhiều khu vực thấp trũng tại huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh nước đã rút. Tuy nhiên, ngày 23/10, nhiều xã như Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Thạch, Cẩm Quang, Cẩm Quan, Cẩm Vịnh (thuộc huyện Cẩm Xuyên) và Tân Lâm Hương, Thạch Thắng (huyện Thạch Hà) đang ngập trong lũ, hàng ngàn nhà dân vẫn chìm trong nước từ 0,5-1m. Tài sản nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi, nhà cửa tan hoang, trâu bò, lợn, gà chết vì lũ.

Nước rút xuống nhưng “bão” rác lại đang bủa vây khu dân cư, nhà cửa, làng mạc. Rác thải nhựa, nilon, xác thực vật, thậm chí xác gia súc, gia cầm trôi lềnh bềnh trên sông, ao, hồ, ngập sâu trong bùn đất, “bủa vây” trên các tuyến đường, chợ búa … vùng lũ Hà Tĩnh.

Sau lũ, Hà Tĩnh đối diện với nguy cơ dịch bệnh bùng phát - Ảnh 1
Tình trạng nhà cửa bị ngập sâu, nước lũ chứa nhiều tạp chất ô nhiễm, xác động vật, thực vật chết nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối….đang đẩy người dân vùng lũ Hà Tĩnh vào tình cảnh phải đối diện với nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Tại các xã bị ngập lụt nặng như Cẩm Mỹ, Cẩm Quang, Cẩm Quan, Cẩm Duệ, Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên) đến trưa 23/10 vẫn có hàng ngàn người dân trong tình trạng thiếu nước uống, nước sạch để nấu nướng, sinh hoạt. Thiếu nước, nhiều gia đình đành phải uống tạm nguồn nước ít ỏi tích trữ còn lại trong can, lu, ấm hoặc nước cứu trợ từ các đoàn thiện nguyện. Riêng nước giặt quần áo, lau dọn đồ đạc, thậm chí rửa chén bát, nhiều nhà phải dùng nguồn nước lũ đục ngầu, tanh hôi, chứa vô số tạp chất, vi khuẩn dễ gây bệnh.

Bà Đặng Thị Nhân (57 tuổi, thôn 8, xã Cẩm Quang) cho biết nước vừa rút, gia đình bà bắt tay ngay vào việc dọn bùn non, lau chùi nhà cửa, đồ đạc, bàn ghế, quần áo bị đã bị ngâm nhiều ngày trong lũ lụt. “Nước lũ đã rút nhưng người dân nơi đây đang phải đối diện với thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là thiếu nước sạch”, bà Nhân nói.

Sau lũ, Hà Tĩnh đối diện với nguy cơ dịch bệnh bùng phát - Ảnh 2
Nước lũ rút dần người dân bắt đầu lau dọn, vệ sinh nhà cửa.

Chủ động kiểm soát đề phòng dịch bệnh bùng phát

Trước thực trạng rác thải tràn ngập khắp nơi, người dân và chính quyền Hà Tĩnh, đặc biệt là lực lượng công an, quân đội đã huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ làm vệ sinh môi trường, thu dọn rác thải trong nhiều ngày qua. 

Tuy nhiên, theo thống kê của tỉnh Hà Tĩnh, đợt lụt lịch sử này toàn tỉnh có hơn 45.580 hộ dân, trên 30.503 giếng nước, 34.530 công trình vệ sinh, 119 trường học, 35 trạm y tế và nhiều cơ quan hành chính bị ngập sâu trong nước. Ngoài nguồn rác thải, xác động thực vật chết trôi dạt thì đây cũng là yếu tố tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh bùng phát, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Nhằm kiểm soát dịch bệnh sau lũ lụt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC Hà Tĩnh) đã chủ động, khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn chặn, đề phòng.

Với phương châm “nước rút tới đâu làm vệ sinh môi trường tới đó”, CDC Hà Tĩnh đã cử cán bộ chuyên môn đến các địa phương bị ngập lụt để giám sát, tiến hành công tác phòng dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt, các công trình vệ sinh, chuồng trại.

Ông Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc CDC Hà Tĩnh cho biết, đơn vị này đã phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế các huyện, xã trên địa bàn để tiến hành khảo sát thực tế, nắm bắt các địa điểm ngập lụt, ô nhiễm, dễ phát sinh bệnh tật. Từ đó đề ra các phương án, hướng dẫn người dân tổng dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, lấp ổ nước đọng, thu gom rác và xác động vật chết; tiến hành xử lý hóa chất để sát trùng, tẩy uế môi trường cho tất cả điểm bị ô nhiễm sau bão lụt; giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ.

Sĩ Đức-Nguyên Dũng

Bạn đang đọc bài viết Sau lũ, Hà Tĩnh đối diện với nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới