Thứ năm, 09/01/2025 13:01 (GMT+7)
Thứ năm, 19/12/2024 06:18 (GMT+7)

Sau năm 2027 TP.HCM mới có đầy đủ các nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại

Theo dõi KTMT trên

Tại TP.HCM hiện đang có 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang đốt phát điện đang triển khai.

Phải đến sau năm 2027, TP.HCM mới có đầy đủ các nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại, chấm dứt tình trạng chôn lấp rác.

Sau năm 2027 TP.HCM mới có đầy đủ các nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại - Ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thông tin trên được TP.HCM báo cáo trong Tổng kết kết quả thực hiện đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có nội dung chuyển đổi công nghệ xử lý rác hiện đại, giảm chôn lấp rác.

Tại TP.HCM hiện có 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang đốt phát điện đang triển khai.

Trong đó UBND TP.HCM đã quyết định chủ trương đầu tư đối với 2 dự án của Công ty cổ phần Vietstar (2.000 tấn/ngày) và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày).

3 đơn vị còn lại đang thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ gồm Công ty cổ phần Tasco (500 tấn/ngày), Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày) và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP (1.000 tấn/ngày).

Dự án của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã được cấp giấy phép xây dựng và đang triển khai thi công xây dựng.

Dự án của Công ty cổ phần Vietstar đã được Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng thông báo kết quả thẩm định và đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục liên quan để thực hiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà máy.

Dự án của Công ty cổ phần Tasco đang trong giai đoạn phê duyệt điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Dự án của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP đang thực hiện hồ sơ cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Dự án của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đã nộp hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Bên cạnh đó, TP cũng kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới theo phương thức đối tác công tư (PPP).

UBND TP đã giao Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về tiến độ triển khai dự án.

Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện các thủ tục để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Báo cáo tổng kết cho biết, tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt không thu hồi năng lượng, compost, tái chế vẫn còn thấp, chỉ đạt 33%. Còn lại 67% đang được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.

Phải đến năm 2027, khi các nhà máy hoàn thành thì tỉ lệ xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện mới tăng lên đạt 80,9% (tương đương 8.500/10.500 tấn/ngày).

Giai đoạn từ năm 2026-2030, TP có thêm dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy mô công suất 2.000 tấn/ngày.

Như vậy, sớm nhất phải sau năm 2027, tỉ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện đạt 100% (tương đương 10.500/10.500 tấn/ngày). Qua đó chấm dứt chôn lấp rác.

Có nhiều hệ lụy từ việc xử lý rác bằng chôn lấp đã, hiện TP.HCM mỗi ngày phát thải khoảng 10.000 tấn rác nhưng đa số chôn lấp.

Mùi hôi đã phát sinh gây ra ô nhiễm môi trường, đặc biệt xảy ra ở bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh. Mỗi năm người dân khu Nam TP lại hứng chịu mùi hôi nồng nặc mỗi khi gió tây nam hoạt động.

Bạn đang đọc bài viết Sau năm 2027 TP.HCM mới có đầy đủ các nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ô nhiễm không khí gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm
Ô nhiễm không khí là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.

Tin mới