Chủ nhật, 24/11/2024 05:57 (GMT+7)
Thứ ba, 28/12/2021 17:00 (GMT+7)

Số phận rừng nhiệt đới Indonesia trong năm 2021

Theo dõi KTMT trên

Năm 2021 bắt đầu với tin tức về tỷ lệ phá rừng giảm kỷ lục vào năm 2020 mà Chính phủ Indonesia cho rằng do hiệu ứng từ các chính sách đúng đắn, phù hợp nhưng các chuyên gia khẳng định đó là do tác động từ các yếu tố bên ngoài.

Phá rừng giảm nhưng mối đe dọa vẫn còn

Phá rừng từ lâu đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở Indonesia. Kể từ năm 2001, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã mất gần 30 triệu ha độ che phủ cây – một diện tích bằng cả nước Ý và chỉ đứng sau tỷ lệ mất rừng của Brazil.

Tỷ lệ phá rừng hàng năm của Indonesia tăng đều trong suốt những năm 2000, đạt đỉnh vào năm 2016 trước khi giảm đáng kể vào năm 2017-2019, một vài năm sau khi Tổng thống Joko Widodo lên cầm quyền.

Số phận rừng nhiệt đới Indonesia trong năm 2021 - Ảnh 1
Cháy vùng đất than bùn ở Cengal, quận Ogan Komering Ilir, Nam Sumatra. (Ảnh: Nopri Isim / Mongabay-Indonesia)

Đáng chú ý, năm 2020 chứng kiến ​​tỷ lệ phá rừng ở Indonesia giảm mạnh. Theo số liệu của chính phủ, nạn phá rừng giảm 75% so với năm 2019. Chính quyền của Tổng thống Widodo cho rằng sự chậm lại của nạn phá rừng là do các chính sách đúng đắn đã được ban hành bao gồm lệnh cấm vĩnh viễn cấp giấy phép phát quang rừng già, tạm thời cấm cấp phép trồng cọ dầu mới, chương trình “lâm nghiệp xã hội” nhằm trao quyền cho cộng đồng địa phương, chiến dịch thực thi pháp luật nhằm vào các công ty và những người nông dân bị buộc tội gây ra cháy rừng và một chương trình phục hồi đất than bùn nhằm ngăn các đám cháy xảy ra ngay từ đầu.

Tuy nhiên, không ít ý kiến hoài nghi về tính hiệu quả của một số chính sách của Jakarta bởi các ý kiến cho rằng các yếu tố khác có thể còn đóng vai trò quan trọng hơn, chẳng hạn như năm 2020 ẩm ướt hơn bình thường, giá dầu cọ thấp hơn, và suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Một số nhà quan sát cho rằng sự chậm lại có thể chỉ là một đốm sáng tạm thời trừ khi các hành động quyết liệt hơn được thực hiện.

Riêng nhiều nhóm môi trường ở Indonesia thì cho rằng nạn phá rừng ở nước này đang gia tăng. Tỷ lệ mất rừng giảm trong nửa cuối những năm 2010 so với thời kỳ đầu, từ 3,4 triệu ha xuống 2,8 triệu ha chỉ đúng khi nhìn từ góc độ quốc gia.

Khi xem xét kỹ hơn thì thấy có một xu hướng đáng lo ngại: Tại 10 tỉnh giàu rừng nhất Indonesia, nạn phá rừng thực sự gia tăng trong cùng thời kỳ, từ 1,8 triệu ha năm 2010-2014 lên 1,85 triệu ha vào năm 2015-2019. 10 tỉnh này (Tây Kalimantan, Trung Kalimantan, Đông Kalimantan, Bắc Kalimantan, Trung Sulawesi, Maluku, Bắc Maluku, Papua, Tây Papua và Aceh) nắm giữ 80% diện tích rừng còn lại của Indonesia, tuy nhiên nhiều nơi đang bị khai thác triệt để, đặc biệt là một số tỉnh nằm ở khu vực phía Đông – nơi được coi là biên giới cuối cùng cho các công ty kinh doanh nông nghiệp mở rộng và khai thác các khu rừng đất thấp ở Sumatra và Borneo.

Điều này đặc biệt đúng ở tỉnh Papuan, nơi hơn 1 triệu ha đất rừng đã được cấp phép cho các công ty trồng cọ dầu nhưng vẫn chưa được khai phá. Mặc dù nạn phá rừng đã chậm lại vào năm 2020, các mối đe dọa đối với rừng của quốc gia vẫn còn.

Theo tổ chức môi trường Madani, hơn 3,5 triệu ha rừng nhiệt đới vẫn nằm trên những vùng đất được cấp phép cho các công ty trồng cọ dầu khiến chúng có nguy cơ bị phá bỏ hợp pháp, chưa kể chương trình nhiên liệu sinh học dựa trên dầu cọ của Indonesia sẽ yêu cầu 15 triệu ha trồng cọ dầu mới để đáp ứng các mục tiêu sản xuất có thể sẽ đe dọa nhiều hơn các khu rừng của quần đảo.

Bên cạnh đó, kế hoạch thiết lập hàng triệu ha đất nông nghiệp mới trên khắp đất nước theo chương trình “điền trang thực phẩm” mới cũng dẫn đến tình trạng giải phóng môi trường sống của đười ươi ở Borneo để nhường chỗ cho một đồn điền sắn khổng lồ.

Giải pháp của Indonesia giảm phá rừng

Một trong những giải pháp giảm tốc độ phá rừng của Indonesia đã được quốc tế công nhận là giải pháp lâm nghiệp cộng đồng (hay lâm nghiệp xã hội). 

Giải pháp này được thực hiện thành công tại tỉnh Lampung cực nam đảo Sumatra. Nếu Lampung là tỉnh đi tiên phong về lâm nghiệp cộng đồng ở Indonesia thì làng Tri Budi Syukur là lá cờ đầu của tỉnh về mô hình này.

Số phận rừng nhiệt đới Indonesia trong năm 2021 - Ảnh 2
Sinh kế của người dân gắn với những cánh rừng. (Ảnh minh họa)

Làng Tri Budi Syukur tọa lạc trong thung lũng với những cánh đồng lúa xanh tươi và vườn cà phê chín đỏ. Đất trồng cây thuộc sở hữu nhà nước nhưng làng đã được giao quyền quản lý. 

Làng được thành lập vào năm 1951 sau khi nhà nước cấp 727 ha đất cho một số cựu binh di dân từ tỉnh Tây Java đến đây sinh sống. Cư dân ngày càng đông, tình trạng lấn chiếm rừng làm nông nghiệp bắt đầu xảy ra. 

Năm 1995, chính quyền địa phương gây sốc khi ra quân giải tỏa hàng loạt đất lấn chiếm ở 2 huyện và phá hủy 1.000 ha cây cà phê trồng trái phép để bảo vệ rừng.

Đến năm 2000, theo chính sách mới về lâm nghiệp cộng đồng với chương trình Hutan Kamasyarakatan, nhóm cộng đồng Bina Wana của làng Tri Budi Syukur đã được cấp giấy phép quản lý 645ha rừng phòng hộ. 

Từ đó, làng này nổi lên như tấm gương điển hình về bảo vệ rừng. Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) đã chọn làng Tri Budi Syukur làm một trong những địa điểm nghiên cứu tại Indonesia về quyền đất đai cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng trong khuôn khổ nghiên cứu so sánh toàn cầu về cải cách đất lâm nghiệp (GCS-Tenure).

Từ năm 2014-2017, nhóm nghiên cứu đã đo lường tác động của giải pháp lâm nghiệp cộng đồng đối với sinh kế người dân địa phương thông qua 3 chỉ số gồm thu nhập từ hạt cà phê, an ninh lương thực gia đình và đầu tư phục hồi đất. 

TS Tuti Herawati thuộc CIFOR giải thích: "Trong 70 người được khảo sát, chỉ có 10% gặp khó khăn về lương thực trong 3 tháng mỗi năm. Trong đầu tư phục hồi đất, 98% thành viên chương trình lâm nghiệp cộng đồng đã trồng lại cây và làm nhiều việc khác để bảo tồn đất và nước. 

Tác động lớn quan trọng mà chúng tôi nhận thấy là độ che phủ rừng đã tăng lên. Các thành viên bắt buộc phải trồng lại rừng đã được giao với mật độ tối thiểu 400 cây/ha".

Với chương trình Hutan Kamasyarakatan tại tỉnh Lampung, người dân đã tích cực trồng các loại cây lấy gỗ và nhiều loài cây đa dụng khác, đồng thời sẵn sàng đầu tư vào quản lý đất đai và tăng độ phì nhiêu của đất. 

Viên chức Eni Puspasari làm việc tại phòng lâm nghiệp tỉnh Lampung nhận xét: "Tôi tin rằng chương trình lâm nghiệp cộng đồng là giải pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp đất rừng ở tỉnh Lampung".

Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ với đầu đề "Những tác động của chương trình lâm nghiệp xã hội Hutan Kamasyarakatan tại rừng đầu nguồn Sumber Jaya, huyện West Lampung (Indonesia)" nhận thấy qua hình ảnh vệ tinh, tình trạng mất rừng trong khu vực nghiên cứu đã được kìm hãm chậm lại và diện tích khai thác nông lâm kết hợp đã tăng thêm.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Số phận rừng nhiệt đới Indonesia trong năm 2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới