Chủ nhật, 24/11/2024 09:44 (GMT+7)
Thứ tư, 04/11/2020 10:27 (GMT+7)

Sớm hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải

Theo dõi KTMT trên

Với tốc độ phát triển và đô thị hóa nhanh, vấn đề xử lý nước thải đang được xem là một trong những thách thức đối với các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội...

Chính vì vậy, TP.HCM đang tích cực triển khai xây dựng đồng bộ các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt nhằm hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý nước thải một cách triệt để trong thời gian tới.

Nước thải qua xử lý mới đạt gần 13%

Trong kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn năm 2016 - 2020, TP.HCM đặt mục tiêu 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường (chỉ tiêu này gắn với kết quả thực hiện chương trình đột phá về giảm ngập nước).

Tuy nhiên, đến nay mục tiêu này chưa hoàn thành khi thành phố mới đạt tỉ lệ gần 13% tổng lượng nước thải đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Sớm hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải - Ảnh 1
Dọn dẹp rác thải, khơi thông dòng chảy trên một tuyến kênh ở TP.HCM.

Theo ghi nhận, tại kênh Tham Lương - Bến Cát (đoạn qua phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) có những đoạn cây cỏ, lục bình mọc kín dưới dòng kênh, khiến dòng nước bị ứ đọng. Ở những đoạn có đông cư dân sinh sống, rất nhiều loại rác thải, nước thải sinh hoạt bị xả thẳng xuống kênh khiến cho dòng nước có mầu đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Ông Lê Văn Trác, ngụ gần tuyến kênh (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) chia sẻ: “Thời tiết thành phố hiện sáng nắng, chiều mưa làm cho nguồn nước ở dòng kênh bốc mùi hôi thối liên tục khiến các hộ dân sống ở khu vực này không thể chịu nổi. Hằng ngày, nhiều người xả thẳng rác và nước thải sinh hoạt xuống dòng kênh. Cộng với đó là một số người còn thả cả xác động vật chết xuống dòng kênh nên ô nhiễm lắm”.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện thành phố đã xây dựng, hoàn thành ba nhà máy xử lý nước thải tập trung gồm: Bình Hưng - giai đoạn 1, công suất 141.000 m³/ngày; Bình Hưng Hòa, công suất 30.000 m³/ngày và Tham Lương - Bến Cát, công suất 131.000 m³/ngày. Trong đó, hai nhà máy xử lý nước thải tập trung Bình Hưng và Bình Hưng Hòa đã được đưa vào vận hành, nhà máy Tham Lương - Bến Cát cũng đã vận hành một phần với công suất đạt 15.000 m³/ngày.

Để góp phần xử lý nước thải đô thị phát sinh thì các trạm xử lý của khu dân cư cũng đã được xây dựng và đưa vào hoạt động, đạt tổng công suất gần 2.165 m³/ngày. Đó là các trạm xử lý nước thải Tân Quy Đông, công suất 500 m³/ngày; trạm xử lý nước thải khu dân cư 17,3 ha, công suất 1.300 m³/ngày; trạm xử lý nước thải khu dân cư 38,4 ha, công suất gần 100 m3/ngày; trạm xử lý nước thải khu Vĩnh Lộc B, công suất 266 m³/ngày. Tổng công suất xử lý nước thải tập trung của thành phố đến nay đã đạt gần 190.000 m³/ngày.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện thành phố có lượng nước sinh hoạt hơn 1,8 triệu m3/ngày được cấp đến người dân, tương đương sẽ có hơn 1,4 triệu m3 (chiếm tỉ lệ 80%) được thải ra mỗi ngày. Nếu tính tổng lượng nước thải đô thị trên địa bàn thành phố được thu gom, xử lý tập trung trước khi thải ra môi trường với gần 190.000 m³/ngày thì mới chỉ đạt tỉ lệ gần 13%. Điều này đòi hỏi thời gian tới, thành phố cần tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ các nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt để đạt mục tiêu đề ra.

Sớm hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải - Ảnh 2
Những dòng kênh nước đen vẫn gây ô nhiễm tại nhiều đô thị lớn ở Việt Nam. 

Đẩy nhanh xây dựng các nhà máy

Theo kế hoạch, dự kiến giai đoạn năm 2020 - 2025, khi hoàn thành nhà máy Bình Hưng - giai đoạn 2 (469.000 m³/ngày); nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (480.000 m³/ngày) và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống bao Tham Lương - Bến Cát, phát huy năng lực xử lý của nhà máy với công suất 131.000 m³/ngày thì tỉ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt gần 78%. Tuy nhiên, theo ông Thắng thì đây là giải pháp công trình nên trên thực tế còn phụ thuộc vào tiến độ triển khai.

Góp ý về giải pháp, GS, TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) cho rằng, cần đẩy mạnh kêu gọi hình thức xã hội hóa đầu tư hạ tầng xử lý nước thải sinh hoạt thời gian tới. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần xác định và ban hành đơn giá phù hợp, để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt.

Còn theo PGS, TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nước thải tại các đô thị lớn của nước ta hầu như chưa được xử lý hoặc mới xử lý được một phần nhỏ rồi xả trực tiếp ra ao hồ, kênh rạch, sông nội thành gây ô nhiễm môi trường nước mặt. Vì vậy, đã đến lúc việc quản lý và xử lý nước thải cần được quan tâm hơn ở các khâu quy hoạch, chính sách, công nghệ, quản lý và vận hành. Ngoài ra, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước lâu dài, bền vững cũng cần tăng cường biện pháp chế tài đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước.

Để đạt được mục tiêu về thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt giai đoạn tiếp theo (năm 2021 - 2025) và tầm nhìn đến năm 2030, trao đổi với Thời Nay, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, thành phố sẽ đầu tư đồng bộ hơn nữa hệ thống thoát nước với hệ thống thu gom của những dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại các lưu vực Tham Lương - Bến Cát, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tây Sài Gòn, lưu vực quận Bình Tân và các lưu vực còn lại. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải tỏa nhà ven kênh và thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị đối với việc xây dựng các bờ kè kênh rạch trên địa bàn thành phố.

Về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện thành phố đang khẩn trương chỉ đạo sát sao công tác xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung. Cụ thể, nhà máy Bình Hưng đang được mở rộng, nâng công suất xử lý từ 141.000 m³/ngày lên 469.000 m³/ngày. Hiện, khối lượng đạt gần 90%, dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2021. Công trình này thuộc dự án cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ giai đoạn 2, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đô thị làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, là nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè được xây dựng mới với công suất 480.000 m³/ngày đêm, dự kiến khởi công vào quý IV - 2021 và hoàn thành trong 120 tháng. Còn nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt giai đoạn 1 (công suất 131.000 m³/ngày) đang trong giai đoạn vận hành thử. Thành phố cũng đang kêu gọi xã hội hóa để đầu tư xây dựng bốn nhà máy xử lý nước thải tập trung gồm: Tây Sài Gòn, Tân Hóa - Lò Gốm, Bắc Sài Gòn 1 và Bình Tân.

UBND thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn. Theo đó, đồ án điều chỉnh quy hoạch tại các lưu vực Tây Sài Gòn, Tân Hóa - Lò Gốm và Bình Tân theo hướng gom ba nhà máy xử lý nước thải về một nhà máy, đặt tại nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (khu xử lý sinh học hiện hữu). Phạm vi khu vực nghiên cứu bao gồm 53 phường thuộc chín quận, huyện gồm: 6, 8, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh, với diện tích 91,5 km².

Theo tính toán sơ bộ, việc gom ba nhà máy xử lý nước thải thành một nhà máy sẽ giảm được diện tích đất sử dụng cho các lưu vực, bảo đảm hơn về vệ sinh môi trường và ổn định tâm lý cho người dân, tiết kiệm quỹ đất. Việc tập trung nước thải về một nhà máy xử lý cũng sẽ dễ dàng áp dụng các công nghệ hiện đại, xử lý mùi triệt để và bảo đảm được hiệu quả về mặt kinh tế, kỹ thuật và môi trường; đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý cho cả ba lưu vực thay vì phải thực hiện thêm công tác kêu gọi đầu tư, lập nghiên cứu khả thi và các thủ tục về đầu tư xây dựng tại cả ba lưu vực.

Bên cạnh đó, việc xây dựng một nhà máy xử lý nước thải tại nhà máy Bình Hưng Hòa hiện có sẽ góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm nước cho hệ thống kênh Nước Đen bằng cách xả một lượng lớn nước thải sau khi xử lý đạt QCVN 14:2008/BTNMT vào kênh.

Chí Kiên - Hà Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết Sớm hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới