Chủ nhật, 24/11/2024 07:51 (GMT+7)
Thứ năm, 22/09/2022 18:10 (GMT+7)

Sơn La: Nâng cao quản lý chất lượng môi trường không khí

Theo dõi KTMT trên

Trong giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh thực hiện đánh giá hiện trạng phát thải, diễn biến chất lượng môi trường không khí, công tác quản lý trên địa bàn tỉnh; đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm không khí từ một số nguồn thải chính.

UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định 1801/QĐ-UBND, phê duyệt Đề cương – Dự toán nhiệm vụ Xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh.

Phạm vi thực hiện nhiệm vụ trên toàn tỉnh Sơn La. Phạm vi thời gian gồm dự báo chất lượng không khí, các nguồn ảnh hưởng đến chất lượng không khí giai đoạn 2022-2025.

Mục tiêu nhiệm vụ nhằm điều tra, thống kê, phân loại các nguồn thải phát sinh khí thải trên địa bàn tỉnh; đánh giá hiện trạng phát thải, diễn biến chất lượng môi trường không khí, công tác quản lý trên địa bàn tỉnh; bước đầu thể hiện sự phân bố nồng độ một số chất ô nhiễm chính trên nền bản đồ hành chính tỉnh; đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm không khí từ một số nguồn thải chính.

Sản phẩm chính của nhiệm vụ, gồm: Bản kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Sơn La; Bản tóm tắt Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; Bản đồ hiện trạng và dự báo phân bố các chất ô nhiễm, các nguồn thải….

Sơn La: Nâng cao quản lý chất lượng môi trường không khí - Ảnh 1
UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định phê duyệt Đề cương – Dự toán nhiệm vụ Xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh.

Các nội dung chính của nhiệm vụ gồm: Đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường không khí bằng các nguồn dữ liệu quan trắc. Thực hiện kiểm kê phát thải để xác định các nguồn khí thải chính, trong đó, sẽ triển khai khảo sát tại 14 cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản; 10 cơ sở chăn nuôi tập trung; 12 bãi chôn lấp, xử lý chất thải; các bến xe, các điểm đốt sinh khối sau thu hoạch, đốt thực bì (nếu có); nguồn di động trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tuyến huyện, tuyến đường đô thị…

Trên cơ sở đó, ứng dụng mô hình khuếch tán để đánh giá diễn biến chất lượng môi trường không khí do tác động từ nguồn điểm và nguồn điện. Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng thông qua thu thập thông tin về chất lượng không khí tại địa phương, thông tin về sức khỏe, phân tích mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và các bệnh có liên quan… Đánh giá hiện trạng công tác quản lý chất lượng môi trường không khí; xác định các vấn đề bất cập, hạn chế còn tồn tại; đề xuất các giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, lộ trình kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí…

Năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản định hướng, triển khai nhiều hoạt động để đưa Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý để chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm. Nâng cao chất lượng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đề án bảo vệ môi trường, chất lượng quan trắc môi trường. Triển khai thực hiện dự án Tăng cường năng lực quan trắc môi trường tỉnh; lắp đặt Hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục làm căn cứ theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường.

Trước đó, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 194/KH-UBND, ngày 26/7/2022 về thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Sơn La. Kế hoạch nhằm ngăn chặn, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm; cải thiện chất lượng môi trường tại các khu vực đang có nguy cơ ô nhiễm; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, mô hình kinh tế, công cụ kinh tế hướng tới hạn chế và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế chất thải phát sinh, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Theo đó, đến năm 2030, 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom; 90% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom; 50% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom; 98% chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển, xử lý.

Trên 50% nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn với đô thị loại II trở lên; trên 20% nước thải đô thị được xử lý với đô thị còn lại. 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% trung tâm thương mại, siêu thị không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi nilon khó phân hủy; 100% khách sạn, khu du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần…

94,8% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 90% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch… Tỷ lệ che phủ rừng đạt 56%; tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 32%.

Đến năm 2050, môi trường tỉnh Sơn La có chất lượng tốt, đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của người dân; đa dạng sinh học được gìn giữ, bảo tồn, đảm bảo cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; xã hội hài hòa với thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các bon thấp được hình thành và phát triển, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon…

Theo số liệu tổng hợp từ Sở TN&MT tỉnh, đến hết năm 2021, trên 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên toàn tỉnh được thu gom; 56% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được tái chế, tái sử dụng; 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom; 13% số đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được thu gom, xử lý...

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Sơn La: Nâng cao quản lý chất lượng môi trường không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới