Chủ nhật, 24/11/2024 09:03 (GMT+7)
Thứ ba, 11/05/2021 17:36 (GMT+7)

Sống mưu sinh bên những dòng sông 'chết'

Theo dõi KTMT trên

Từ hơn 10 năm nay, người dân dọc hai bên bờ sông Ngũ Huyện Khê, đoạn chảy qua phường Phong Khê (TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đang phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm, mùi khí lạ được thải ra từ hàng trăm nhà máy giấy sản xuất trên địa bàn.

Vòng vây ô nhiễm từ nước thải làng nghề

Là chi lưu của sông Đuống, dòng Ngũ Huyện Khê bắt nguồn từ huyện Đông Anh(Hà Nội), chảy qua địa phận thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong, Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) và đổ ra sông Cầu trên địa phận TP.Bắc Ninh. Được sử dụng để tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp nhưng hiện nay nguồn nước sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước sông đen ngòm bốc mùi hôi thối nồng nặc, những mảng rác rưởi kết thành bè mảng án ngữ gần hết mặt sông.

Theo Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh, riêng phường Phong Khê, TP.Bắc Ninh - hiện có hơn 245 cơ sở sản xuất giấy, tổng lượng nước thải từ các cơ sở nhà máy: lên đến khoảng 10.000m3/ngày đêm. Trong khi nhà máy xử lý nước thải tập trung - được đầu tư 194 tỉ đồng, nhưng sau 3 năm đến nay vẫn trong quá trình chạy thử. Và nếu có hoạt động hết công suất thì mới xử lý được 1/3 lượng nước thải phát sinh.

Sống mưu sinh bên những dòng sông 'chết' - Ảnh 1
Dòng sông Ngũ Huyện Khê ô nhiễm nặng.

Còn tại Cụm công nghiệp Phú Lâm, đã có quyết định giao đất triển khai dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung - nhưng sau 5 năm, công trình vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong khi lượng nước thải phát sinh hơn 4.000 m3/ngày đêm.

Kết quả phân tích quan trắc của Sở TN&MT cũng cho thấy, hầu hết các chỉ số ô nhiễm, độc tố trong mẫu bùn ở đáy sông Ngũ Huyện Khê đều cao hơn mức cho phép nhiều lần. Điều đó cho thấy, chỉ số sự sống đối với các loài sinh vật dưới nước ở khu vực này là bằng không. Nói cách khác, đây là một dòng sông “chết” đúng nghĩa.

Không thể phủ nhận hiệu quả mà hoạt động công nghiệp tái chế giấy mang lại cho sự phát triển của nền kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho đời sống người dân. Nhưng kiên quyết "không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế", như điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh, mới là điều phải nghiêm túc suy ngẫm. 

Nỗi ám ảnh của nhiều dòng sông

Câu chuyện của con sông Ngũ Huyện Khê không phải là trường hợp duy nhất. Các lưu vực sông liên tỉnh cũng chịu chung số phận khi đầu nguồn xả thải, hạ nguồn hứng ô nhiễm.

Tại địa phận huyện Thường Tín, sông Nhuệ là nơi tiếp nhận nước thải của nhiều làng nghề dọc lưu vực sông đi qua. Hàng chục năm qua, người dân các xã Hữu Hòa, Tân Minh, Nguyễn Trãi, Tả Thanh Oai… phải khoan giếng ở độ sâu vài chục mét lấy nước sinh hoạt, nước tưới cho rau màu…

Trong ký ức của họ, trước đó, sông Nhuệ êm đềm thơ mộng, nước trong xanh, là nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho hàng vạn hộ dân sinh sống ven sông. Nước thải ô nhiễm của làng nghề đã biến con sông mộng mơ thành những dòng sông chết.

Theo Tổng cục Môi trường, lưu vực sông Nhuệ - Đáy là một trong những lưu vực sông có chất lượng môi trường nước sông kém nhất trong số các lưu vực sông khu vực phía Bắc.

Năm 2004, nước sông Nhuệ ô nhiễm nghiêm trọng, nhà máy nước sạch Hà Nam phía hạ nguồn phải dừng sản xuất. Giải pháp tức thời được đưa ra thời điểm đó là tạm đóng cửa cống Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) để ngăn nước ô nhiễm không tràn về Hà Nam.

Câu chuyện tương tự đối với 2 tỉnh Đồng Nai - Bình Thuận cùng chung một dòng sông. Năm 2008, Đồng Nai duyệt dự án Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm công suất 72 triệu lít cồn/năm tại địa điểm xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc. Với nguyên liệu đầu vào khoảng 500 tấn sắn mỗi ngày, Công ty cồn Tùng Lâm phải dùng tới 6.000 m3 nước lấy từ sông Giêng. Tuy nhiên, cách đó không xa, Bình Thuận lại phê duyệt nhà máy sản xuất nước sạch sinh hoạt cấp nước cho hàng vạn hộ dân thị xã La Gi.

Năm 2012, sự cố xả thải gây ô nhiễm môi trường ra sông Giêng của nhà máy cồn khiến Bình Thuận chịu trận. Thanh tra Bộ TN&MT kết luận, nhà máy cồn Tùng Lâm đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; một số thời điểm nước thải có một số thông số ô nhiễm đặc trưng vượt ngưỡng cho phép 2,1-2,4 lần. Sau sự cố nói trên, Nhà máy cồn Tùng Lâm được Bình Thuận đặt trong tình trạng “giám sát đặc biệt”, được xem là một trong những mối đe dọa nguồn nước ở các sông, suối chảy về Bình Thuận.

Sức khỏe cho những dòng sông

Theo TS Đào Trọng Tứ (Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), đối với mỗi quốc gia, dân tộc, sông ngòi như mạch máu và nước như máu đối với cơ thể của một con người. Việc bảo vệ sự sống của các con sông, suối cũng chính là bảo vệ sự sống của chúng ta.

Các nền văn minh nhân loại được hình thành bởi các con sông. Nhiều đô thị trên thế giới được hình thành bên những dòng sông và giờ đô thị quay trở lại giết chết dòng sông sinh ra mình. Giữ gìn sức khỏe các dòng sông chính là giữ gìn quyền sống, phát triển của quốc gia, dân tộc và chính con người. 

“Đối với một quốc gia, nước là máu, sông chính là mạch máu như đối với con người” – ông Tứ nhấn mạnh.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Sống mưu sinh bên những dòng sông 'chết'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới