Thứ năm, 09/01/2025 23:14 (GMT+7)
Thứ hai, 30/12/2024 09:09 (GMT+7)

Suy ngẫm về triết lý giáo dục cần có của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới (Bài cuối)

Theo dõi KTMT trên

Có lẽ, sắp tới vấn đề giáo dục môi trường, đạo đức môi trường cần được tổng kết để rút ra được những gì cần thiết nhất phải đưa vào giảng dạy ở mỗi cấp học.

Nối dòng suy ngẫm

Mặc dù bài viết đã dài nhưng sau khi nhận được gợi ý của các anh chị đồng nghiệp xin nối thêm một đoạn liên quan tới việc đổi mới trong nội dung giáo dục.

Đoạn nối này sẽ phân tích những điểm cần cập nhật trong thời đại có rất nhiều chuyển biến và chuyển biến rất nhanh, đôi khi quá nhanh nên nếu không chuẩn bị thì không kịp cập nhật. Xét trên phạm vi toàn cầu thì có mấy vấn đề đã, đang và sẽ diễn biến khó lường, đó là:

  • Chiến tranh và hòa bình (An ninh toàn cầu và khu vực)
  • An ninh năng lượng
  • An ninh lương thực
  • Cạn kiệt tài nguyên và suy giảm chất lượng môi trường.

Nếu ngày xưa, khi mà phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế thì các em học sinh, đặc biệt là ở cấp tiểu học hầu như không tiếp cận được các thông tin nêu trên mà chủ yếu là học những gì mà Thày, Cô, Cha Mẹ, người lớn dạy hoặc truyền đạt có chọn lọc. Trái lại, ngày nay, xem TV các em có thể thấy thông báo về chiến tranh ở đâu đó (chiến tranh Nga-Ukraine, chiến tranh ở Trung Đông chẳng hạn), thấy thông tin về nhiên liệu hóa thạch cạn kiệt hay nạn đói vẫn ám ảnh châu Phi và nhiều hình ảnh đi kèm. Nhiều khi các em có thể đặt câu hỏi mà chúng ta khó trả lời: sao lại đánh nhau, sao nước ta phải chịu nhiều đau thương trong chiến tranh như vậy, sao Châu Phi đất rộng như vậy mà thiếu lương thực, sao Trái đất lại nóng lên, sao không khí, nước lại bị ô nhiễm nặng như vậy,… Quả thật, toàn những câu hỏi không dễ trả lời, nhất là trả lời cho các em học sinh còn nhỏ tuổi.

Suy ngẫm về triết lý giáo dục cần có của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới (Bài cuối) - Ảnh 1

Giáo viên hướng dẫn thông tin về cuộc thi ‘Hành trình xanh – Tái sinh vỏ hộp sữa'

Tuy nhiên, theo chúng tôi, không thể không trả lời các em hoặc trả lời cho qua chuyện hoặc trả lời sai sự thật. Vậy, cần phải đưa một số kiến thức có liên quan đến các vấn đề trên vào sách giáo khoa, vào giờ giảng, vào chương trình đào tạo các cấp học nhưng đưa nội hàm nào, cách diễn đạt ra sao thì cần được nghiêm túc nghiên cứu để có câu trả lời thích đáng.

Vì các vấn đề quá nhiều, quá lớn nên chỉ xin đưa một vài ý kiến liên quan tới việc đưa thông tin về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, cải thiện chất lượng môi trường vào giảng dạy ở các cấp.

Có lẽ xuyên suốt các cấp học phải nêu được và giúp các em thấu hiểu về Đạo đức môi trường và hành động, hoạt động theo những gì tốt đẹp nhất cho môi trường mà đạo đức môi trường từng đề cập. Tất nhiên, khi các em còn nhỏ, học mẫu giáo hoặc ở cấp tiểu học thì giúp các em làm quen với môi trường xung quanh, thấy cái đẹp của hoa cỏ, núi non, sông, hồ, phong cảnh quê hương, biết những gì là bẩn, là không hợp vệ sinh, hành động nào là không nên làm (vứt rác bừa bãi chẳng hạn) hoặc nên làm (bỏ rác vào thùng rác) để làm sạch môi trường hay biết đeo khẩu trang để tránh bụi, biết uống nước hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe. Ở các cấp học sau sẽ dần dần cung cấp cho các em những nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng làm cạn kiệt tài nguyên, làm suy giảm chất lượng môi trường, thậm chí làm gia tăng hiện tượng nóng lên của trái đất đe dọa cuộc sống của con người và muôn loài trên hành tinh xanh của chúng ta. Tiếp đến, ở các cấp học trình độ cao hơn, sinh viên, người học phải được chuyển giao kiến thức đã có về cách thức, công cụ giải quyết các vấn đề môi trường và khuyến khích họ sáng tạo thêm, tìm ra được giải pháp hiệu quả để cải thiện chất lượng môi trường, ngăn chặn được những bất lợi có thể xảy ra. Chúng tôi thật sự vui mừng khi tra từ khóa “giáo dục môi trường” hay “đạo đức môi trường” thì nhận được rất nhiều thông tin liên quan. Điều đó có nghĩa là xã hôi rất quan tâm đến vấn đề này và đã tiếp cận vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Có lẽ, sắp tới vấn đề giáo dục môi trường, đạo đức môi trường cần được tổng kết để rút ra được những gì cần thiết nhất phải đưa vào giảng dạy ở mỗi cấp học. Tất nhiên, đây là vấn đề rộng và khó nhưng phải làm và phải chấp nhận những phản biện trái chiều để hoàn chỉnh dần kiến thức về môi trường để đưa vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Kết luận

1. Có thể nói 4 trụ cột giáo dục của UNESCO và tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đã khái quát hóa, tổng hợp được triết lý cốt lõi của giáo dục nói chung. Những nội hàm này đúng với nhiều xã hội, nhiều giai đoạn của giáo dục nhưng khi vận dụng phải đặt vào ngữ cảnh cụ thể mới hiểu được các trụ cột, tư tưởng này và vận dụng ra sao cho đúng và hiệu quả.

2. Trong giai đoạn hiện nay, giáo dục phổ thông đang đi theo một số hình mẫu khác nhau và theo cách giáo dục khác nhau nhưng có lẽ phải tập trung nhận biết (và cả để học sinh tự nhận biết) năng lực, năng khiếu vốn có của học sinh, tạo điều kiện để các em phát triển năng khiếu thành niềm đam mê rèn luyện, tạo ước mơ hoài bão và định hướng cho lựa chọn nghề nghiệp phát triển trong tương lai. Vấn đề truyền dạy kỹ năng sống, tự bảo vệ mình trước những rủi ro (cả rủi ro tự nhiên và xã hội) cũng cần được coi trọng. Tốt nghiệp phổ thông các em có được hướng nghiệp tốt, hợp với sở trường của mình là đích cần hướng tới đối với các nhà trường, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và cả xã hội.

3. Học các trường nghề, các trường đại học, cao đẵng và học cao hơn nữa là quá trình học để có nghề “kiếm sống”, để trở thành người lao động có sức lao động tốt, sẵn sàng gia nhập thị trường lao động. Để phát huy và nâng cao nội dung đào tạo, phải có sự định hướng, hỗ trợ tốt của nhà nước, có sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự đầu tư của các bậc phụ huynh, các gia đình.

4. Tốt nghiệp các trường nghề mới chỉ là giai đoạn đầu của người lao động trong thị trường lao động. Trước hết họ phải tìm được việc làm, nơi làm và tiếp cận với công việc được giao rồi từng bước nâng cao tay nghề, nâng cao năng suất lao động, từng bước trở thành lao động giỏi có sức sáng tạo cao, trở thành “người tài” trong xã hội. Khi nhà nước có các dự án lớn, tầm cỡ quốc gia để sản xuất những sản phẩm, mặt hàng, dịch vụ có hàm lượng trí tuệ, có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu riêng của Việt Nam, sánh được với nhiều loại trên thế giới sẽ tạo được những việc làm, điều kiện làm việc ở mức rất cao, xứng tầm thì người tài Việt Nam, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đang sống ở đâu (kể cả nước ngòai) cũng sẵn sàng về cống hiến cho đất nước. Đã có những dấu hiệu cho thấy xuất hiện những dự án lớn, những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, có giá trị gia tăng cao mang thương hiệu của Việt Nam do những Tập đoàn lớn của Việt Nam sản xuất. Chúng ta hy vọng sẽ được thấy, được dùng những sản phẩm chất lượng cao hơn nữa trong khoảng thời gian hướng tới mốc 100 năm Thành lập Đảng (2030) và 100 năm Thành lập nước (2045).

5. Đã xuất hiện nhiều vấn đề lớn trên phạm vi toàn cầu mà con người phải giải quyết, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường. Vì vậy, trong hệ thống giáo dục phải nghiên cứu, lựa chọn thông tin, kiến thức phù hợp với các cấp học, ngành học để đưa vào hệ thống sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo và trực tiếp giảng dạy trên lớp, trên giảng đường.

Lời cảm ơn: Người viết bài này xin chân thành cảm ơn GS. TSKH Trần Văn Nhung, đã đọc, chỉnh sửa và góp những ý kiến rất bổ ích, giúp hoàn thiện bài viết.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Suy ngẫm về triết lý giáo dục cần có của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới (Bài cuối). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới