Tân Hoàng Minh xin 'quay xe' bỏ cọc 'đất kim cương' còn địa phương bất ngờ và ngỡ ngàng
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết chưa nhận chính thức văn bản nào của Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) liên quan đến việc đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12.
Tối 11/1, trao đổi với báo giới, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thông tin về việc đấu giá các lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức.
Trước đó, chiều cùng ngày trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh được cho là "tâm thư" của Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt xin tự nguyện đơn phương hủy hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12, khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trước đó, hồi cuối tháng 12/2021, TP.HCM đã tổ chức đấu giá các lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Kết quả, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất 3-12, diện tích 10.059,7 m2 với giá 24.500 tỉ đồng.
Ba đơn vị khác cũng trúng đấu giá là Công ty TNHH Thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9, diện tích 5.009,1m2 với giá 5.026 tỉ đồng; Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô 3-8, có diện tích 8.500 m2 với mức 4.000 tỉ đồng; Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất 3-5, có diện tích 6.446 m2 với mức 3.820 tỉ đồng.
Cũng trong chiều tối ngày 11/1, đại diện phía Tân Hoàng Minh cho biết, Chủ tịch hội đồng thành viên công ty, ông Đỗ Anh Dũng, đã có tâm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm.
Theo đó, ông Dũng bày tỏ chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong "tâm thư" cho biết, đây là mức giá "cao bất ngờ" và khẳng định bản thân trước khi tham gia đấu giá cũng không bao giờ nghĩ đến.
Ông Dũng khẳng định: "Vì lòng tự hào dân tộc và danh dự của các tập đoàn đầu tư bất động sản trong nước" nên đã quyết tâm trả giá cao hơn 3%, tương đương 700 tỷ đồng để vượt qua người trả giá thứ 2 là một công ty nước ngoài.
Ông Dũng cho biết, sau đấu giá, doanh nghiệp đã suy nghĩ và lắng nghe dư luận xã hội theo nhiều chiều khác nhau và thấy rằng "kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt".
Vị chủ tịch Tân Hoàng Minh nhấn mạnh: "Đặc biệt sau khi tiếp thu ý kiến nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất vừa qua, chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc trúng đấu giá với kết quả trên sẽ đẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung".
Mặt khác, ông cũng cho biết sau khi đấu giá, lãnh đạo doanh nghiệp đã thay đổi toàn bộ kế hoạch đầu tư, kinh doanh và tài chính của tập đoàn, cân đối đầy đủ tài chính để đảm bảo đóng tiền theo đúng tiến độ và quy định trong hợp đồng đã ký kết với Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá Tài sản của TP.HCM.
Ông Đỗ Anh Dũng nói thêm: "Doanh nghiệp đã lên phương án thiết kế, đầu tư, kinh doanh mới phù hợp nhất để có hiệu quả, mặc dù lợi nhuận theo tính toán là khá thấp, không đúng như kỳ vọng ban đầu nhưng vẫn đảm bảo thu hồi được vốn đầu tư và giữ gìn uy tín của tập đoàn".
Lãnh đạo Tân Hoàng Minh cũng "chấp nhận chịu mọi chế tài" về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công.
Lô đất 3-12 có giá trị cao nhất trong tổng số 4 lô đất tại Thủ Thiêm được TP.HCM bán đấu giá trong ngày 10/12/2021 với mức 24.500 tỷ đồng.
Phiên đấu giá lô đất này có sự cạnh tranh gay gắt giữa Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty CP Capital One Financial. Trong lượt trả giá cuối cùng, Công ty CP Capital One Financial đưa ra mức giá là 23.800 tỷ đồng.
Thực tế trong phiên đấu giá ngày 10/12/2021, lô đất 3-12 có sự cạnh tranh khá căng thẳng khi mất đến 70 lượt trả giá mới tìm được nhà đầu tư thắng cuộc. Từ mốc khoảng trên 20.000 tỷ đồng, chỉ còn lại hai doanh nghiệp tham gia là Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Capital One Financial. Càng về cuối, cuộc rượt đuổi của hai doanh nghiệp này ngày càng gay cấn.
Ngay khi đại diện CapitalLand One Financial trả giá, ông Dũng gần như lập tức đưa ra con số cao hơn và ngược lại. Mỗi lần trả giá của hai doanh nghiệp này cách nhau vài trăm tỷ đồng. Đến lượt trả giá thứ 69, đại diện CapitalLand One Financial đưa ra mức 23.800 tỷ đồng. Chưa kịp đợi đấu giá viên thông báo "23.800 tỷ đồng lần thứ nhất", ông Dũng lập tức kêu giá 24.500 tỷ đồng, giúp Công ty Ngôi Sao Việt trở thành doanh nghiệp thắng cuộc.
Đặt cọc 588,4 tỷ đồng, Tân Hoàng Minh ký hợp đồng mua bán 7 ngày sau phiên đấu giá. Doanh nghiệp sau đó đã có những điều chỉnh, cân đối tài chính để đảm bảo đóng tiền theo đúng tiến độ, quy định cũng như lên phương án thiết kế, đầu tư, kinh doanh.
Ông Đỗ Anh Dũng cho rằng bản thân luôn cố gắng để đóng góp phát triển kinh tế cho đất nước "với tôn chỉ thượng tôn pháp luật".
Việc tham gia đấu giá lần này cũng có một phần mong muốn tăng thêm nguồn thu cho ngân sách TP.HCM sau Covid-19 và xây dựng một công trình điểm nhấn, góp phần cải thiện bộ mặt kiến trúc đô thị của bán đảo Thủ Thiêm.
Theo Luật Đấu giá tài sản, hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá có sự thỏa thuận giữa các bên sẽ dẫn đến hủy kết quả đấu giá. Trong trường hợp này là thỏa thuận giữa Công ty Ngôi Sao Việt và Trung tâm quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp TP.HCM). Sau khi hủy kết quả, nếu các bên có lỗi gây thiệt hại sẽ phải bồi thường theo quy định.
Cũng theo một nguồn tin, đại diện Cục Thuế TP. HCM cho biết, đến thời điểm này, cơ quan thuế chưa nhận được thông tin Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt đơn phương chấm dứt hợp đồng trúng đấu giá 10.059,7 m2 đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, Công ty Ngôi Sao Việt có thể phải mất khoản tiền đặt trước là gần 588,5 tỷ đồng - bằng 20% mức giá khởi điểm của lô đất 3-12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015, khoản tiền đặt trước này sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, sẽ thuộc về ngân sách nhà nước.
Bùi Hằng (T/h)