Chủ nhật, 24/11/2024 11:11 (GMT+7)
Thứ ba, 15/09/2020 07:58 (GMT+7)

Tăng cường công tác quản lý nước thải tại các khu công nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Với khoảng 70% các khu công nghiệp trên cả nước không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc có hệ thống xử lý nhưng không đạt quy chuẩn cho phép thì việc các địa phương phải chú trọng công tác quản lý, xử lý nước thải tại các khu công nghiệp trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Tăng cường công tác quản lý nước thải tại các khu công nghiệp - Ảnh 1
Nâng cao chất lượng công tác quản lý, xử lý nước thải tại các khu công nghiệp trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. (Ảnh minh họa)

Bài toán nan giải

Theo nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp (KCN) tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, trong đó 10 KCN đã đi vào hoạt động. Tỉ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch đạt khoảng 62%. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quy hoạch 32 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 864,89 ha. Trong đó có 22 CCN đã đi vào hoạt động và 10 CCN đang đầu tư xây dựng hạ tầng.

Ông Nguyễn Tử Quỳnh cho biết, tổng lượng nước thải phát sinh từ các khu công nghiệp hiện tại khoảng 37.000 m3/ngày đêm, cơ bản đã được thu gom và đưa về các hệ thống xử lý nước thải tập trung của đơn vị quản lý, kinh doanh hạ tầng KCN để xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra ngoài môi trường. Hiện còn 01 KCN chưa hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường. Đối với các CCN, do sự phát triển chưa đồng bộ về cơ sở hạ tầng nên hầu hết nước thải không được thu gom và xử lý dẫn đến nhiều chỉ tiêu phân tích có giá trị vượt quy chuẩn Việt Nam cho phép.

Tại Hải Dương, theo danh mục quy hoạch KCN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh có 18 KCN. Đến nay, đã có 11 KCN được quy hoạch chi tiết, đã xây dựng đầu tư đồng bộ hạ tầng và đi vào hoạt động. Tỉnh cũng có 33 CCN đã đi vào hoạt động, trong đó có 3 CCN đã có doanh nghiệp là chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nhằm kiểm soát, giám sát chất lượng nước thải sau xử lý của các KCN cũng như các cơ sở có nguồn xả thải lớn, thời gian qua, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Sở TN&MT yêu cầu các chủ hạ tầng KCN cũng như các cơ sở có nguồn xả thải lớn thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT. Đến nay, đã có 09/11 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát. Với các CCN, giống như tỉnh Bắc Ninh, còn tình trạng gây ô nhiễm môi trường do hầu hết các CCN chưa có hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường chung để thu gom xử lý nước thải.

Tại Hải Phòng, theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng, việc xử lý nước thải trong các KCN được thực hiện theo quy định. Hiện tỉnh có 6/6 KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung và xử dụng mạng lưới công thu gom riêng. Tổng công suất thiết kế các nhà máy là 28.000 m3/ngày đêm, tổng công suất vận hành đạt 20.100 m3/ngày đêm. Các nhà máy đều áp dụng công nghệ sinh học nhân tạo để xử lý nước thải. Đối với các CCN, ngoài CCN Tân Liên - Vĩnh Bảo có hệ thống xử lý nước thải, các CCN còn lại của tỉnh xả thải trực tiếp ra môi trường.

Tính đến tháng 5/2019, TP.Hồ Chí Minh có 4.335 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 3.035 cơ sở bên ngoài khu công nghiệp và 1.300 cơ sở trong khu chế xuất-công nghiệp, khu công nghệ cao. Trong đó, có 4.200/4.335 cơ sở đã thực hiện thu gom, xử lý nước thải công nghiệp đạt chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT, chiếm tỉ lệ là 96%. Các cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước thải hầu hết là các cơ sở có quy mô tương đối nhỏ, hoạt động từ lâu đời, xen cài trong các khu dân cư.

Hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Việc xây dựng các KCN, CCN để thu hút đầu tư trong và ngoài nước của nhiều tỉnh, thành phố trong những năm qua đã góp phần thúc đầy phát triển kinh tế, đóng góp vào thu ngân sách nhà nước và nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng mặt trái của nó là những tác động xấu đến môi trường sống khi nhiều doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ lạc hậu, không có ý thức tuân thủ pháp luật về môi trường. Thực trạng đó đòi hỏi những giải pháp mạnh mẽ từ cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Nguyễn Tử Quỳnh, hiện 09/10 KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cơ bản đã thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường nói chung và xử lý nước thải nói riêng, chủ đầu tư hạ tầng KCN đã triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; 09/10 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường. Tỉnh cũng có 02 CCN là Đông Thọ và Tân Chi đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng yêu cầu về việc tiếp nhận và xử lý nước thải từ các doanh nghiệp thứ cấp.

Để đẩy mạnh công tác quản lý nước thải tại các KCN, ông Nguyễn Tử Quỳnh cho rằng, Quốc hội cần sớm sửa đổi các văn bản Luật, đảm bảo tính thống nhất giữa quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng biên chế cán bộ quản lý môi trường cấp huyện, xã; có kế hoạch tăng tỷ lệ % ngân sách cho bảo vệ môi trường và điều chỉnh lại cơ cấu phân bổ kinh phí, sử dụng để đảm bảo hiệu quả nhất.

“Chính phủ cần ban hành Nghị định về cưỡng chế trong đó bổ sung việc xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cơ sở cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhiều lần bằng hình thức ngừng cung cấp điện”, ông Nguyễn Tử Quỳnh.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho rằng cần tập trung đầu tư cho các cơ quan quản lý thiết bị quan trắc, phân tích về môi trường; có cơ chế cho đầu tư hạ tầng KCN, CCN để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các CCN. Có chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN, cán bộ làm công tác quản lý và bảo vệ môi trường các cấp, đặc biệt là cấp huyện, xã. Xây dựng cơ chế ưu đãi và khuyến khích đầu tư thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, không tiếp nhận các dự án có công nghệ lạc hậu, một số ngành nhạy cảm không thân thiện với môi trường như tái chế phế liệu, mạ cơ khí, luyện kim, sản xuất giấy...

Về phía TP.Hải Phòng, Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, đối với các hệ thống nước thải tập trung của các khu, cụm công nghiệp, cần áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, có sự quản lý giám sát chặt chẽ từ quá trình thiết kế, thi công xây lắp và vận hành. Tạo ra sự hoạt động đồng bộ và hiệu quả của hệ thống. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống quan trắc online để giám sát thường xuyên chất lượng nước thải trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Còn theo UBND TP.Hồ Chí Minh, cần tập trung nâng cao hiệu quả quả lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường, giải quyết đối với các nguồn thải công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải; tiến hành triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với các nguồn thải có lưu lượng từ 1.000 m3/ngày trở lên; buộc KCN, CCN có chủ đầu tư đã đi vào hoạt động phải lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước thải tự động và thiết lập đường truyền dữ liệu.

Là đơn vị thực hiện nhiều cuộc kiểm toán về hoạt động quản lý, xử lý nước thải, chất thải tại các KCN, ông Lê Doãn Hoài, Trưởng phòng Kiểm toán môi trường, KTNN chuyên ngành III, cho rằng, bên cạnh việc sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về quản lý ô nhiễm nước thải công nghiệp, cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và có biện pháp xử phạt nghiêm để tạo sự răn đe nhằm ngăn chặn các vi phạm về bảo vệ môi trường trong tương lai. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung để chia sẻ dữ liệu, khai thác hệ thống trang thiết bị và các nguồn lực quản lý môi trường tại các địa phương, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, các doanh nghiệp và các KCN một cách hiệu quả nhất nhằm thực hiện kiểm tra, giám sát đối với công tác bảo vệ môi trường theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Cần sớm xây dựng bộ chỉ số, chỉ tiêu ô nhiễm đặc thù cho các loại hình sản xuất tại các KCN để có được thông tin xác thực về sự tuân thủ quy định và phát hiện nhanh các trường hợp vi phạm với thời gian nhanh nhất và chi phí ít nhất.

Lưu Nguyên Sơn

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường công tác quản lý nước thải tại các khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới