Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phòng ngừa, ứng phó thiên tai
Thủ tướng vừa ban hành Quyết định về ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Hiện trường vụ sạt lở đất ở Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN) |
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 987/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Quyết định nêu rõ mục đích ban hành Kế hoạch nhằm nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW, tạo chuyển biến rõ rệt, thống nhất về nhận thức và hành động, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đồng thời, Kế hoạch sẽ phát huy vai trò của hệ thống chính trị, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Cùng với đó, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW phải được tiến hành đồng bộ với việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và từng giai đoạn của các bộ, ngành, địa phương.
Theo Kế hoạch trên, Thủ tướng yêu cầu căn cứ nội dung công việc được phân công, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng Kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực thực hiện.
Tại Chỉ thị 42, Ban Bí thư đã nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Chỉ thị 42 nhấn mạnh đến việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu thiên tai; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy.
Ngoài ra, cần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương đến cơ sở.
Cùng với đó, phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.